Bà Nguyễn Thị Bảnh (63 tuổi, quê Hậu Giang, phải) cùng em gái kho cá và nấu nồi thịt kho hột vịt để dành ăn tết tại thành phố - Ảnh: NHẬT THỊNH
Yên tâm đến sáng hôm sau thì lòng tôi dông bão khi gọi bạn bè, nhiều người đã về quê với niềm tin "dù bị cách ly cũng cách ly gần mẹ".
Tôi thẫn thờ không biết mình hủy vé đúng hay sai, chỉ cách nhau một tiếng đồng hồ bay là có thể gặp dòng sông hay đi trên con đường làng, mà giờ này tôi còn ở lại nơi lập nghiệp, dọn dẹp nhà cửa và cả tinh thần chuẩn bị cho một cái tết xa quê lần đầu.
Về hay không về? Câu hỏi hầu như chưa từng dùng dằng trong tôi và hẳn trong rất rất nhiều người. Tết là phải về. Vẫn còn thời gian để thay đổi, còn nhiều vé lắm, vé giảm giá, nhưng về thì mang nguy cơ từ vùng dịch cho người thân, có thể cách ly 14-21 ngày...
Thật căng thẳng chỉ vì cảm xúc 'sến sẫm": nhớ nhà, người thân, bạn cũ, nhớ mộ ba tôi nằm dưới chân núi. Lâu rồi dường như tôi không còn trải qua nỗi nhớ điều gì một cách... tê liệt. Nỗi nhớ thời COVID hóa ra đã được đúc sang một khuôn khác hẳn, nhớ mà không thể trở về ngay. Không còn "nhớ nhau là gặp" như trước đây.
Tự an ủi thôi được rồi, sẽ đoàn tụ vào ngày hết dịch mà. Nhưng sẽ là ngày nào?
Virus đã không cho chúng ta tư duy về ngày mai theo cách chúng ta từng trải nghiệm. Ngày mai là ngày không chắc chắn.
Tôi thở phào khi cuối cùng cũng quyết định được: ở lại trong lòng dịch. Dọn dẹp nhà cửa giữa Sài Gòn, đeo khẩu trang và đi chợ mua hoa, cúng ông bà thần đất đai ở Sài Gòn, đọc báo tìm tin Sài Gòn căng mình dập dịch.
Thành phố này quen được nhìn như vùng đất làm thứ gì cũng dễ, nhất là kiếm tiền xài tiền, dễ nữa là chấp nhận khác biệt... Vậy thì khi Sài Gòn "bệnh" sẽ ra sao? Người từng nương tựa Sài Gòn có cảm nhận tổn thương của mảnh đất đang nuôi mình, cộng đồng đang cùng nhịp sống với mình đang không may mắc phải?!
Những ngày ở lại thành phố chờ đợt COVID đi qua, tôi nghiệm ra mấy mươi năm qua tôi và triệu người đã quá ít thương Sài Gòn.
Chê thì nhiều, chê thành phố khói bụi, đến cơn mưa cũng so sánh với cơn mưa quê và chê mưa Sài Gòn không thương tiếc. Cuối năm chỉ chờ hết ngày làm là ôm giỏ về quê ngay, Sài Gòn mạnh mà, tết vui hay buồn Sài Gòn tự lo.
Có những lúc Sài Gòn cần được sẻ chia lắm, đó là khi tôi ngồi ôm con ăn bánh mứt trong nhà, ở ngay thành phố này có những người đang căng thẳng chống dịch vì sự an toàn của số đông, họ đâu có tết! Tôi thấy cái tết của mình dù khiêm tốn cũng đã là một thứ niềm vui xa xỉ rồi.
Có thật nhiều tiền, sống trong một đô thị lớn có khi chúng ta vẫn không dễ ra đường ăn bữa ăn hay mua hàng hiệu xa xỉ được. Có nhiều tiền không phải muốn mua vé thương gia để du lịch bốn phương trời là được. Lâu rồi chúng ta quen tiêu xài nhiều hơn mức cần thiết, và giờ COVID cho chúng ta điều kiện để sống vừa đủ với ngôi chợ gần mình, những người liên quan mật thiết với mình, bữa ăn tự nấu..., một đời sống khiêm cung loài người ngày càng rời xa tưởng không cách gì ngoái lại.
Và tôi nghĩ về hạnh phúc
Nỗi sợ hãi virus có mặt mạnh của nó, "ra" một lệnh mạnh đến mức hàng tỉ người phải quay về trong mái nhà, trong nỗi nhớ.
Đêm giao thừa Sài Gòn mùa COVID không pháo hoa, tôi coi được thước phim tài liệu trên truyền hình: một nông dân miền Tây tâm sự nhờ canh tác giống lúa ST 25 ngon nhất thế giới do anh hùng lao động Hồ Quang Cua sáng tạo mà năm nay anh đổi được xe máy mới và "hệ thống TV".
Thành tựu của anh quy ra chỉ ngang bằng đôi ba chiếc áo hay một chiếc giỏ hàng hiệu của tôi hay bạn bè thành thị, nhưng giọng nói anh chân phương và sắc diện đầy mạnh khỏe, lạc quan.
Đón năm mới, dù xa quê nhà 500 cây số và tết hồi hộp cùng Sài Gòn, tôi có dịp nghĩ về hạnh phúc nhiều hơn những giao thừa khác. Giàu hay nghèo mình cũng đừng làm gì thái quá, sáng mai bước ra chào ánh mặt trời thì mình hãy biết mừng vui.
TTO - Những bạn hữu thân quý của nhà văn Nguyễn Quang Thiều rất ấn tượng với món cá nướng của làng Chùa, món ăn họ chỉ có cơ hội thưởng thức khi ông Thiều về quê chuẩn bị cho Tết.
Xem thêm: mth.17890540191201202-iam-mos-cuhp-hnah-ev-ihgn-nog-ias-iov-ial-o-tet/nv.ertiout