Dù biết sinh – tử là lẽ thường trong cuộc đời mỗi người, nhưng có những cuộc đời mà rất nhiều người muốn được lưu giữ mãi trên đời sống này, ông quan nông dân ấy là Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, phụ trách Nội chính, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Ông vừa đi xa lúc mờ sáng hôm nay, 19-2-2021 trong sự thương tiếc của người dân Bến Tre, người dân vùng Tây Bắc xa xôi, người dân cả nước và trong lòng những nhà báo từng gắn bó lĩnh vực nội chính, như tôi…
1. Năm 2000, ở Đồng Tháp xảy ra vụ buôn lậu xăng dầu “nhiều tai tiếng” của Mai Văn Huy. Trước tình hình “lòng dân không tụ” do nghi kỵ mất niềm tin vào một số cán bộ cao cấp ở đây, tháng 7-2000, Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Trương Vĩnh Trọng (bí danh Hai Nghĩa) được Bộ Chính trị điều động tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và đồng chí Trương Vĩnh Trọng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Nụ cười của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trong chuyến công tác tại huyện Tân Uyên, Lai Châu. Ảnh: THÚY THÚY
Với phong cách giản dị, nhẹ nhàng nhưng quyết liệt, Bí thư Tỉnh ủy Trương Vĩnh Trọng xem việc gây dựng đoàn kết nội bộ và đem lại lòng tin của nhân dân vào Đảng là vấn đề then chốt trong thời điểm nhận nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Hai Nghĩa không căng thẳng nhưng rất quyết liệt trong giải quyết các khúc mắc, sai phạm trong một số vụ việc tại Đồng Tháp, mà nổi cộm là vụ án “nhiều điều tiếng” – vụ buôn lậu xăng dầu của bị can Mai Văn Huy. Sự tự giác nhận khuyết điểm đã có trong quá trình xử lý vụ việc của một số cán bộ chủ chốt của tỉnh sau đó đã trả lại lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Chính quyền và sự đoàn kết nội bộ được xây dựng.
2. Những năm giữ trọng trách Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Trương Vĩnh Trọng không chỉ là điểm tựa, là bệ đỡ tinh thần cho các cán bộ phụ trách nội chính các địa phương khi gặp khó khăn, khúc mắc mà trong một số vụ việc căng thẳng nổi cộm, ông sẵn sàng “đứng mũi chịu sào”.
Như vụ án “Tân Trường Sanh”, mà bị can Trần Quang Vũ (con trai Trần Đàm) đang bị truy nã đặc biệt trong vụ buôn lậu tại công ty Tân Trường Sanh lại được TAND quận 3, TP.HCM năm 2003 “tuyên bố đã chết” theo “đề nghị” của ông Trần Đàm - cha của Vũ?! Vụ án mà người dân cả nước không quên được với những “nút thắt ngầm” – vụ án Năm Cam là vụ án mà Trưởng Ban Nội chính Trung ương có nhiều đêm không không ngủ, có những ngày đọc hàng ngàn trang báo cáo, khi tính toán thiệt hơn trong quá trình làm án.
Những năm Tây Nguyên xảy ra bạo loạn, dù được khuyến cáo đường vào huyện K’Bang, “vùng lõi” chiến sự nhiều nguy hiểm; Trưởng Ban Nội chính Trương Vĩnh Trọng vẫn quyết đi thực tế. Và chuyến đi ấy, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã dầm mưa khi xe sập ngầm để vượt rừng cùng anh em giữa đêm mưa ào ạt. Ông cười hiền từ khi thấy lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai bối rối trong cái lạnh run đêm rừng:“Khi nguy hiểm, khó khăn; anh em vào hang sâu được thì tôi cũng vào được chứ. Mình chọn việc nhẹ nhàng, an toàn còn gian khổ để anh em địa phương giải quyết; lãnh đạo suy nghĩ vậy coi sao đặng…”
3. Năm 2006, được bầu vào Bộ Chính trị và giữ trọng trách là Phó Thủ tướngđảm trách lĩnh vực nội chính, một lĩnh vực vốn rất nhạy cảm, đồng chí Trương Vĩnh Trọng được Bộ Chính trị giao thêm một nhiệm vụ khó khăn khác, đó là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc (thay cho ông Trương Tấn Sang, khi ấy là Thường trực Ban Bí Thư vừa được bầu làm Chủ tịch nước).
Từ đó, lịch trình di chuyển của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được ghi chép dày đặc trong sổ tay của các sĩ quan bảo vệ.
Người ta thấy vừa báo chí thông tin, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vừa đến thăm và động viên cán bộ chiến sĩ và bà con dân tộc đang lao động tại nông trường trồng cao su ở Thanh Nưa, tỉnh Điện Biên, thì 8 ngày sau, báo chí đã thông tin về chuyến công tác của Phó Thủ tướng ở khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng, xã MaLiPho, tỉnh Lai Châu. Phó Thủ tướng đã thăm lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam và cùng bà con dân tộc huyện Phong Thổ khai trương khu du lịch thương mại Mường So…
Nửa đêm về sáng hôm sau, Phó Thủ tướng lại cùng đoàn cán bộ cấp cao vượt những con dốc ngược lên huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để khánh thành nhà ở nội trú cho học sinh dân tộc và khai trương thư viện điện tử mà báo Sài Gòn Giải Phóng tặng các em học sinh theo đề nghị trước đó của Phó Thủ tướng.
Và sau 10 ngày sau đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có mặt tại Tây Nguyên trong một hoạt động tôn giáo quan trọng…
Lý giải cho sự di chuyển liên tục của mình, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã nói : “Cách thể hiện tấm lòng của Đảng đối với bà con dân tộc ít người vùng cao không gì dễ hiểu, dễ tin hơn là những việc làm cụ thể, sự hỗ trợ tích cực, và sự có mặt cán bộ của Đảng đúng lúc sẽ là sự động viên mà không bài tuyên truyền nào có thể thay thế..”.
4. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, không chỉ lo lắng cho việc trị quốc, an dân mà ông còn ưu tư cho thân phận của những số phận oan khuất, cơ hàn mà ông biết. Như vụ án Út Quyên và vợ bị kết tội giết mẹ ở Vĩnh Long, hay như vụ chỉ đạo xóa án tích theo luật cho người cha trộm vặt ở Long An để mở đường cho con cái họ “ngẩng đầu” đi tới trong cuộc đời…
Ông Hai Nghĩa là một trong những cán bộ cao cấp thương yêu anh em báo chí tháp tùng một cách giản dị nhất. Thường, trong các chuyến công tác xa, trong các bữa ăn, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thường đi một vòng qua các bàn ăn của chiến sĩ, nhà báo tháp tùng để xem họ có được chăm sóc tốt chưa rồi ông mới về chỗ của mình.
Ông Hai Nghĩa tại vườn nhà sau khi nghỉ hưu ở Bến Tre. Ảnh: THÚY THÚY
Có những chuyến công tác vùng Tây Bắc khi phải vượt qua vài trăm “khúc cua tay áo”, Phó Thủ tướng lệnh cho xe dẫn đường không cần hụ còi và di chuyển với “tốc độ vừa phải sao cho các “người nữ phố thị” ngồi trên xe có thể chịu đựng được”…
***
Khi nhàn rỗi, ngồi trò chuyện với anh em báo chí, ông hay hát “mặc dù đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng” để bày tỏ lòng yêu chuộng hòa bình của ông và những người lính cùng thời khi buộc tham gia cầm súng kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.
Nghỉ công tác, ông về với cuộc sống nông dân nhẹ nhàng mà ông hằng yêu thích. Khu vườn của ông với những rặng dừa trĩu quả, những hàng cây bơ lúc lĩu trái căng mọng, cây ổi đu đưa theo gió, những trái cam trái bưởi da xanh dặc sản quê hương Bến Tre của ông xanh mướt mắt sau nhà…
Từ nay, khu vườn cây trái xanh tươi ở Giồng Trôm, Bến Tre, nơi ông sinh ra và trở về sau những năm tháng tham gia trị quốc, an dân; nơi ông đã có hơn 10 năm gầy dựng gia tài riêng dành cho con cháu của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng sẽ vắng bóng ông mỗi sáng, mỗi chiều…
Gió lá rung lên khúc biệt ly nhưng không quá buồn thảm mà nhẹ nhàng, chân chất như lời kể về những ngày vui thú điền viên của ông Hai Nghĩa, chân chất một miền ký ức mãi tươi xanh...
Xin tiễn biệt anh Hai Nghĩa, người anh kính quý của chúng tôi...