1. Sáng chủ nhật cuối cùng của năm, T. nhắn tin hỏi: "Tết anh về không?". Tôi bảo có chứ, năm có vài dịp nghỉ dài để về.
"Với anh thuộc phe thích Tết, dù cực chút, từ tàu xe, lộ phí, 'quà phí' nhưng vẫn muốn quay về nhà".
Về nhà, thực sự cũng chỉ có ăn, ngủ, ngồi tám với người thân vài chuyện, thắp nhang lên bàn thờ ông bà tổ tiên, đi thăm thầy cô, họp lớp… Quen lắm với lịch trình này nhưng đến Tết lại thấy lòng bồi hồi.
"Em không về được", T. nói. Tôi nghe, dừng lại vài nhịp và an ủi: "Thôi, cố gắng năm sau em nha". Nhưng rồi, T. lại bảo, nhưng em không buồn như trước anh à.
Và T. lý giải - không về quê dịp Tết cũng "khó chịu" trong lòng, nhưng điều kiện thực tế như thế, mình phải vui trong sự thật không thể chối bỏ, cũng chẳng thể thay đổi được ấy. "Có rất nhiều người cũng không về giống em", T. nhìn quanh để bớt… tủi thân.
Con người thường có xu hướng xoáy vào những bất như ý để khổ thay vì tìm ra những điều kiện của niềm vui, hạnh phúc khác để có thể vui hơn. Tất nhiên, không thể vui bằng việc đáp ứng mọi nhu cầu của bản thân nhưng còn nhìn thấy những điều kiện hạnh phúc khác, ta sẽ thấy cuộc sống của mình không đến nỗi nào.
T. cậu bé đồng hương nhỏ hơn tôi một con giáp (12 tuổi) đã gợi cho tôi suy nghĩ về việc Tết về hay ở vẫn vui. Chúng ta có thể gọi điện (video call) về nhà trong đêm 30 Tết, khoảnh khắc giao thừa - chào năm cũ, đón năm mới - nếu không ở bên nhau nhưng vẫn có mặt cùng nhau.
Con người có thể gần nhau, gắn kết với nhau bằng tình thương và thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông, nhất là những người thân thương của nhau.
Có không ít du học sinh, lao động ở nước ngoài cũng không về quê dịp Tết. Họ quây quần bên nhau đón năm mới theo truyền thống. Chút kẹo mứt, cặp bánh tét, đôi bánh chưng… cũng đủ vị xuân. Quan trọng mình còn khỏe và người thân mình vẫn còn đó, cho mình.
Đôi khi con người ta phải nhẫn nại để có niềm vui bừng nở phía sau. Giống như hoa mai phải trải qua một mùa đông rét buốt để bung nụ hiến tặng mùa xuân cho cuộc đời.
Có quá nhiều bài học từ Tết. Khoảng cách của cuộc đoàn viên đôi khi rất ngắn, từ trái tim nhớ nghĩ về nhau. Nhìn những người khó hơn để biết mình vẫn còn có Tết. Với tôi, còn sức khỏe, có bình an thì đã là có mùa xuân.
Hai điều kiện của hạnh phúc ấy chúng ta đang có và cần chăm sóc mỗi ngày để mùa xuân ở bên mình hoài, mãi.
2. Năm mới, ai cũng mong an lành. Thực sự, an lành là "gốc" của mọi sự phát triển. An cả về mặt thân (sức khỏe) và tâm (tinh thần) thì làm việc gì cũng thấy nhẹ nhàng, hanh thông.
Một năm vừa qua có khá nhiều lo lắng - là hệ quả của cả ba năm đại dịch, kế đến là chiến sự ở một số nơi trên thế giới. Chính điều này tác động tiêu cực vào sức khỏe và tinh thần của con người. Đó là điều tất yếu, khó tránh. Nhưng con người luôn biết thích nghi, vươn lên, tư duy tích cực trong mọi tình huống - để cứu mình.
Xã hội hiện đại, văn minh, giúp con người nhận chân giá trị tự thân thay vì dựa dẫm vào người khác. Chỉ có vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, nỗ lực làm những việc tích cực, tốt nhất, trong khả năng… thì mới dần chuyển hóa được não phiền, khó khăn.
Nhìn những không khí đón Tết tươi vui ở TP.HCM, thành phố lớn và năng động nhất nước, để thấy người dân đã, đang nỗ lực kiến tạo một Tết an lành.
Dù kinh tế có khó khăn thì vẫn phải ăn Tết, vui Tết, vì đó là khởi đầu của hành trình mới. Đầu xuôi đuôi lọt! Thực ra, khéo co thì ấm, ông bà xưa đã đúc kết như vậy. Nếu dư dả, mình ăn, chơi nhiều hơn chút, khó khăn, mình nhín các khoản không cần thiết.
Nhà thiền khuyên "ít muốn biết đủ" sẽ bình an, hạnh phúc. Sẻ chia với người khác, nhường nhịn nhau một chút, đi đến chốn tâm linh hãy cởi bỏ lòng tham cầu. Giảm nhậu nhẹt say sưa thì không có cảnh tai nạn, gây gổ, đánh nhau…
Những điều tưởng nhỏ ấy nhưng nếu cả xã hội ai cũng làm thì sẽ tạo ra năng lượng an lành hùng hậu, giúp cho Tết gõ cửa nhà mình.
Quá khứ đã chứng minh, mọi khó khăn rồi sẽ qua. Chắc chắn là như thế. Lo lắng không giải quyết được vấn đề, chỉ có bình tĩnh, nhìn sâu, tìm nguyên nhân, khắc phục từng bước, kiên nhẫn. Tết - thời gian nghỉ ngơi, thư giãn - để làm việc tuyệt vời cho bản thân - là nhìn sâu, tái tạo năng lượng (chứ đừng bày biện lễ nghi, làm nhọc thêm sức khỏe, tinh thần).
3. Tết này bạn làm gì? Tôi về nhà. Chắt chiu hơn một chút, gói ghém yêu thương, có mặt cho người thân thương, xóm giềng để đón nhận những lời chúc.
Những lời chúc lành nhận được hay gửi đi cũng là một cách khuyến thiện, bởi chỉ có làm điều tốt thì mới có kết quả tốt. Quy luật ấy, ngàn xưa, tự nhiên. Mong một năm mới bình an cho tất cả mọi người. Và mong ai cũng sống lành trong từng phút giây, không gây phiền não cho mình và người.
Một nhà nghiên cứu về văn hóa Tết nói đó là kiến tạo, nuôi dưỡng "tâm xuân" để có mùa xuân bên trong lòng mình, miên viễn!
Cận Tết những bạn trẻ tại Khánh Hòa bằng tài năng đã vẽ nhiều bức tranh bằng phấn bảng cho mọi người đến chụp ảnh hay thậm chí vẽ lên những chiếc nón lá trao tặng cho các cô chú lao công, người bán hàng rong…