Ở thủ đô Havana ( Cuba ), người dân phải xếp hàng dài trong 4 tiếng đồng hồ để mua bột giặt. Các hiệu thuốc tại Cuba thì hết thuốc giảm đau, trong khi cả nước phải đối mặt với tình trạng thiếu bánh mì. Vậy mà Cuba lại sắp sửa "cán đích" trong cuộc chạy đua chế tạo và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 , báo New York Times (NYT - Mỹ ) bình luận.
Bài viết được đăng tải sau khi chính phủ Cuba thông báo tin vui về việc nước này sắp đạt được thành tựu khoa học phi thường: một loại vaccine do chính các nhà khoa học Cuba phát triển sắp được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Một trong 4 loại vaccine do các nhà khoa học Cuba phát triển có tên là Sovereign 2 sắp bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trong tháng 3, một bước quan trọng để được phê duyệt sản xuất hàng loạt. Nếu thử nghiệm thành công, thì Cuba sẽ có thể tiến tới tiêm chủng cho toàn bộ người dân của mình.
NYT cho biết, nếu như các loại vaccine do Cuba phát triển được chứng minh là an toàn và hiệu quả, thì chính phủ nước này sẽ giành được một thắng lợi chính trị quan trọng, một cơ hội để cứu đất nước khỏi sự tàn phá kinh tế và cũng là cơ hội để nước này mở rộng quan hệ ngoại giao.
Tiến sĩ Vicente Vérez, một trong số các nhà khoa học đứng đầu nhóm chuyên gia phát triển vaccine, tiết lộ rằng Cuba thậm chí có thể tiêm vaccine cho cả khách du lịch nước ngoài.
Ông Richard Feinberg, một chuyên gia nghiên cứu về Cuba tại Đại học California San Diego, Mỹ, nhận định: "Đó không chỉ là vấn đề y học hay chủ nghĩa nhân đạo, mà điều Cuba nhận được là một khoản lợi rất lớn về kinh tế nếu họ có thể kiểm soát được virus. Đó không chỉ là khoản thu nhập trước mắt, mà còn là bước đệm giúp Cuba tạo tiếng vang cho ngành công nghệ sinh học dược phẩm của mình và quảng bá các sản phẩm y tế khác nữa".
Các nhà khoa học Cuba cho hay, chính phủ nước này có thể sẽ viện trợ một số lượng vaccine cho các quốc gia nghèo theo truyền thống lâu đời đáng quý của nước này.
"Cuba luôn tặng vaccine và giúp đỡ các quốc gia khác", Tiến sĩ Gerardo Guillén, một nhà khoa học thuộc nhóm phát triển vaccine COVID-19 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba, khẳng định.
Ảnh: Reuters
Việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường cấm vận Cuba đã khiến quy trình phát triển và sản xuất vaccine của quốc gia này trở nên phức tạp hơn. Các nhà khoa học cho biết họ không thể mua được tất cả những thiết bị và nguyên liệu cần thiết, bao gồm các máy quang phổ dùng để kiểm tra chất lượng.
Ông Mitchell Valdes Sosa, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh Cuba, cho biết: "Người Cuba không những có khả năng làm cho những chiếc xe cũ hoạt động được, mà còn có thể xoay xở để khiến các thiết bị cũ hoạt động".
Vaccine Sovereign 2 đã thông qua qua 2 giai đoạn thử nghiệm và chuẩn bị bước sang giai đoạn thứ 3, khi nó được thử nghiệm trên 150.000 người ở Cuba và Iran. Mexico cũng đang đàm phán với Cuba để tham gia vào giai đoạn 3 của thử nghiệm.
Giống như vaccine đang được hãng Novavax của Mỹ phát triển, Sovereign 2 là loại vaccine dựa trên protein có chứa một phần của virus corona. Sovereign 2 yêu cầu tiêm 3 liều trong các nhau 2 tuần, và khác với các vaccine Moderna và Pfizer, vaccine của Cuba không cần bảo quản trong điều kiện đông lạnh sâu - một đặc tính hấp dẫn các quốc gia nghèo thường thiếu điều kiện tài chính và thiết bị bảo quản lạnh.
Tiến sĩ Vérez khẳng định rằng vaccine Sovereign 2 "rất an toàn và có rất ít tác dụng phụ", đáp ứng yêu cầu để chuyển sang giai đoạn thử nghiệm thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng. Các nhà khoa học sẽ không công bố tỷ lệ hiệu quả của loại vaccine này cho đến khi các thử nghiệm hoàn thành. Hiện vẫn chưa rõ liệu vaccine Sovereign 2 có hiệu quả bảo vệ trước các biến thể mới hay không.
Khó khăn của Cuba
Chính phủ Cuba rất tự hào và lạc quan rằng họ có thể sản xuất được 100 triệu liều vaccine trong năm nay - thừa đủ để tiêm chủng cho toàn bộ 11 triệu dân và có thể là cả các du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Cuba có thể chưa có thiết bị cần thiết để sản xuất vaccine ở quy mô lớn như vậy, trong khi các lệnh cấm vận của Mỹ đã làm tăng giá chi phí mua nguyên liệu thô, đồng thời khiến việc chuyển tiền cho Cuba trở nên phức tạp.
Ông José Luis DiFabio, cựu đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Cuba nhận định rằng việc mua đủ nguyên liệu cho 100 triệu liều sẽ khó khăn, hoặc giả sử Cuba phải sửa chữa thiết bị, thì nước này cũng sẽ khó mua được linh kiện cần thiết, hoặc phải chờ lâu hơn bình thường để mua được thứ họ cần.
Ảnh: AP
Hơn nữa, việc mở cửa cho những vị khách du lịch "đói" vaccine có thể gây ra những vấn đề mới cho Cuba.
Trước đó, Cuba đã hạn chế được sự lây lan của đại dịch từ rất sớm dựa vào việc kiểm soát dân số chặt chẽ và hệ thống cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả. Bất cứ ai được chẩn đoán nhiễm COVID-19 đều được nhập viện ngay lập tức và điều trị bằng các loại thuốc tổng hợp.
Chính phủ Cuba cũng đã tiến hành cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và theo dõi triệu chứng của những người này. Nhờ cách chống dịch chặt chẽ, trong năm 2020 Cuba chỉ ghi nhận 12.225 ca nhiễm và 146 ca tử vong do COVID-19 - một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm và tử vong do đại dịch thấp nhất ở khu vực Tây Bán Cầu.
Thế nhưng, sau khi Cuba quyết định mở cửa đường hàng không quốc tế vào tháng 11/2020 sau 7 tháng đóng cửa, số ca nhiễm đã tăng vọt. Giới chức Cuba hiện đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch tồi tệ hơn trước.
Chính phủ Cuba vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể về việc tiêm chủng cho du khách nước ngoài, nhưng điều này sẽ cần có sự cân đối với khoảng thời gian cần thiết để tiêm đủ cả 3 mũi vaccine.
Tiến sĩ Guillén gợi ý rằng du khách có thể chỉ tiêm 1 mũi và mang 2 mũi còn lại trở về, thay vì phải ở lại Cuba trong 1 tháng rưỡi./.
Hồng Anh
Doanh nghiệp tiếp thị