Giáo viên ở TP.HCM dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong công văn gửi các sở GD-ĐT và các trường THPT trực thuộc, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hay tạm dừng đến trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp.
Các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch COVID-19. Trường hợp học sinh không đến trường, các trường chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến qua Internet, truyền hình. Nội dung dạy học đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh từng cấp học và linh hoạt tùy theo điều kiện từng địa phương.
Bộ cũng yêu cầu các sở chỉ đạo từng trường nắm bắt tình hình học sinh sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để xây dựng phương án dạy học từ xa phù hợp và có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo khi học sinh quay lại trường.
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, bộ này đã yêu cầu các sở chỉ đạo các trường chuẩn bị điều kiện để có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học trong tình thế học sinh không thể đến trường do dịch bệnh.
Bộ cũng ban hành các hướng dẫn trong thực hiện dạy học trực tuyến qua Internet và truyền hình; việc công nhận kết quả dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá thường xuyên trong giai đoạn học sinh phải học trực tuyến và việc xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức sau khi học sinh trở lại trường.
"Với các văn bản hướng dẫn, trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, khởi động ngay việc dạy học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến các nội dung phù hợp với hình thức này, các nội dung cần tăng cường cho học sinh cuối cấp học.
Nội dung nào chưa cần ưu tiên thì để lại thực hiện sau khi học sinh trở lại trường. Những bài học thực hành, thí nghiệm hoặc để sau khi học sinh trở lại trường sẽ thực hiện kết hợp với ôn tập hoặc có thể khai thác nguồn video bài học thực hành, thí nghiệm trên mạng để dạy.
Với những bài thực hành, thí nghiệm ảo, học sinh không tự thao tác được nhưng vẫn có thể quan sát, thu nhận và phân tích kết quả" - ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, cùng với việc tổ chức dạy học trực tuyến để "ngừng đến trường nhưng không ngừng học" thì các trường vẫn còn quỹ thời gian hai tuần dự phòng. Vì thế, nếu sau ngày 28-2 học sinh các địa phương có thể quay lại trường học thì kế hoạch thời gian năm học vẫn có thể duy trì như quy định của Bộ GD-ĐT.
"Bộ GD-ĐT vẫn phải tính toán, xây dựng các 'kịch bản' khác nhau trong việc thực hiện năm học này trên cơ sở kinh nghiệm từ năm học trước.
Nếu dịch bệnh kéo dài và tháng 3-2021 học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường học thì bộ sẽ điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng sẽ phải điều chỉnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có thể sẽ phải tổ chức nhiều đợt như năm 2020, nếu như có những địa phương chưa kiểm soát được dịch bệnh" - ông Thành nói.
TTO - Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, có thể cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến.