Nông dân Việt Nam sẽ giàu với nông nghiệp mới
Võ Tòng Xuân
(TBKTSG XUÂN) - Năm con Chuột 2020, thiên tai chồng chất cùng với đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại to lớn cho quả đất này, kể cả nước ta. Nhưng trong cái rủi lại có cái may cho đồng bằng sông Cửu Long, thời tiết trở nên thuận lợi đúng vào lúc lúa sắp trổ nên phần lớn bà con nông dân, trừ một số ít cãi lại thiên nhiên, đã được mùa lúa và gạo được giá vượt mức 500 đô la/tấn. Tiếp sang vụ lúa thu đông thời tiết lại ưu đãi cho một vụ bội thu tiếp theo trong khi tình hình đại dịch được khống chế.
Nguồn: http://hla.vn |
Nhớ lại thời mới chấm dứt chiến tranh, khi cả nước thiếu lương thực phải phân phối theo tem phiếu thì cũng nhờ có chính sách đổi mới trong quản lý mà sản lượng lương thực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng lên gấp 5 lần. Lúc đó, chúng ta khuyến khích nông dân tăng sản lượng rất dễ, nhưng làm cho lợi tức của nông dân tăng thì lại rất khó. Chủ yếu vì giá lương thực không tăng theo. Cho đến năm 2020 nông dân mới thấy lợi tức tăng thêm từ hạt lúa, thậm chí với loại lúa không được khuyến khích trồng như IR50404 thì nay có giá gần bằng giá của nhiều giống lúa chất lượng cao. Thêm vào đó những cây con ngoài danh sách đầu tư của Nhà nước (mà ta thường gọi là sự tự phát của nông dân) cũng mang lại nhiều thu nhập hơn.
Đây là tiền đề chuẩn bị cho năm con Trâu tiếp tục một sự nghiệp kinh tế khá khả quan, trong đó nông nghiệp đã chuyển biến tích cực, với Nghị quyết 120 của Chính phủ, không bắt buộc nông dân sản xuất lương thực ở những nơi đất đai không thích nghi với cây lúa, chuyển sang làm kinh tế bằng những cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn lúa.
Hàng triệu nông dân ĐBSCL vui mừng được mùa lúa mới, lần đầu tiên được giá lúa cao. Chúng ta nói về một nền nông nghiệp mới, dưới tư tưởng của Nghị quyết 120 của Chính phủ. Trong thời kỳ trước Nghị quyết 120, toàn thể nông dân Việt Nam sống trong nền nông nghiệp “an ninh lương thực”, đã sản xuất lúa thật nhiều bằng mọi chi phí để chấm dứt nạn thiếu gạo từ cuối năm 1989, nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục tập trung ngân sách đầu tư các công trình thủy lợi rất đắt tiền để khuyến khích nông dân sản xuất thêm nhiều lúa hơn nữa ở khắp nơi, kể cả tại các vùng mặn và phèn, làm cho lương thực thặng dư ngày càng nhiều hơn để xuất khẩu cho các nước láng giềng và châu Phi với giá quá rẻ, khiến cho thu nhập của phần lớn nông dân quá thấp.
Sao mình đã sản xuất thặng dư lúa thóc rồi, đạt đỉnh nhóm cường quốc xuất khẩu gạo thế giới mà thu nhập không được bao nhiêu, cớ sao Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư quá nhiều ngân sách để trồng thêm lúa mãi như thế? May thay, Nhà nước đã thấy rõ khó khăn này của nông dân nên đã nới bớt kim cô “lúa-lúa-lúa” cho nông dân có cơ hội làm giàu. |
Mãi đến gần cuối năm 2017, Chính phủ thấy rõ nghịch lý này, đã mạnh dạn đổi mới tư duy. Nghị quyết 120 ra đời cho phép các địa phương sử dụng ngân sách tạo điều kiện “thuận thiên” cho nông dân sản xuất cây trồng ngoài cây lúa, hoặc vật nuôi gì đem lại lợi tức cao bền vững. Nhưng loay hoay mãi hơn ba năm qua rồi mà rất nhiều địa phương vẫn chưa dám xóa diện tích lúa, vì trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai, Nhà nước chưa xác định được. Rất may, đất nước chúng ta có một số nông dân đổi mới, dám đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Họ không chờ nhà nước đầu tư mà tự mình đi tìm thị trường, bỏ tiền ra đầu tư xây dựng đồng ruộng để chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái, rau màu, hoặc nuôi thủy sản. Tuy quá tốn kém với đầu tư ban đầu nhưng một số nông dân đổi mới này thu lợi tức khá hơn rõ rệt, thậm chí trở thành triệu phú đô la. Từ đây đã nở lên những mầm móng của nền nông nghiệp mới của “thời kỳ Nghị quyết 120.”
Tuy nhiên, trong khi đó, cũng có hàng ngàn nông dân chỉ nghe theo thương lái, sản xuất cây con để họ tiêu thụ dùm, nhưng khi đầu ra bị tắc thì nông dân đành phải xin Nhà nước tổ chức giải cứu. Rõ ràng, sự tự phát của nông dân đã đưa tới nhiều rủi ro nếu họ chưa đạt trình độ quản lý cao mà chỉ hùa theo đám đông của thương lái. Nhà nước không thể vắng bóng, để mặc cho nông dân tiếp tục tự phát thực hiện Nghị quyết 120.
Thực hiện nghị quyết 120 để Phát huy tiềm năng nhiệt đới đặc thù của Việt Nam
Tổ tiên ta sớm khám phá cách làm giàu phải thuận thiên, thay vì trị thiên, nên mạnh dạn đào mương lên liếp trồng cây nhãn và cây vải, là những cây rất thích hợp khí hậu miền Bắc, không sợ úng, không sợ bão, thích trời lạnh để kích thích ra hoa kết trái. |
Suốt hơn 40 năm qua, trước khi có Nghị quyết 120, chính sách của chúng ta chỉ tập trung đầu tư cho an ninh lương thực, chủ yếu là cây lúa. Những cây trồng và vật nuôi giá trị cao hơn lúa gấp nhiều lần đã không được Nhà nước đầu tư. Nông dân ta mạnh dạn tự phát trồng nhiều loại cây ăn trái và tự tìm thị trường bán ra nước ngoài, mãi đến mấy năm gần đây Nhà nước mới giúp mở thị trường, nhưng vẫn còn rất yếu.
Chính sách của Nhà nước đã chậm xác định thực tế phần lớn các nước giàu vùng ôn đới rất thích ăn vị ngon, trái ngọt của các vùng nhiệt đới như nước ta. Nhưng họ không thể trồng tự nhiên được, nên đã và đang nhập khẩu trái cây, rau màu, thủy sản nhiệt đới. Do đó nông nghiệp Việt Nam nên phát huy thế mạnh nhiệt đới của mình, trồng những loài rau quả mà chẳng những người dân các nước giàu đang thèm, mà chính bản thân dân tộc chúng ta cũng cần tiêu thụ trước tiên để cải thiện thể lực người Việt hữu hiệu hơn. Đây là hướng đi hợp lý nhất để thực hiện Nghị quyết 120.
Khi tham quan nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, thấy những cây vải tổ 200 tuổi ở Thanh Hà, Hải Dương, và cây nhãn tổ hơn 300 tuổi ở Phố Hiến, Hưng Yên, mới thấy tổ tiên mình đã rất sáng suốt khi biết trồng lúa trong sinh thái đồng bằng sông Hồng chỉ đủ ăn hoặc thiếu ăn chứ không thể làm giàu được, vì với khí hậu bốn mùa rõ rệt trong một năm thì nông dân suốt đời phải chống bốn trở ngại của cây lúa đó là mùa đông chống rét, qua mùa xuân và hè chống hạn, sang mùa thu chống úng và chống bão. Tổ tiên ta sớm khám phá cách làm giàu phải thuận thiên, thay vì trị thiên, nên mạnh dạn đào mương lên liếp trồng cây nhãn và cây vải, là những cây rất thích hợp khí hậu miền Bắc, không sợ úng, không sợ bão, thích trời lạnh để kích thích ra hoa kết trái.
Nhớ đến sự thấy xa hiểu rộng của tổ tiên, nhiều nông dân lại thắc mắc: sao mình đã sản xuất thặng dư lúa thóc rồi, đạt đỉnh nhóm cường quốc xuất khẩu gạo thế giới mà thu nhập không được bao nhiêu, cớ sao Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư quá nhiều ngân sách để trồng thêm lúa mãi như thế? May thay, Nhà nước đã thấy rõ khó khăn này của nông dân nên đã nới bớt kim cô “lúa-lúa-lúa” cho nông dân có cơ hội làm giàu, bắt đầu bằng một quyết sách lịch sử với Nghị quyết 120.
Các bước thực hiện Nghị quyết 120 một cách bền vững
Thực hiện Nghị quyết 120 phải nắm nguyên tắc thuận thiên, bớt diện tích lúa trong mùa nắng hạn, chọn cây trồng/vật nuôi gì thay lúa, có thể làm nguyên liệu sản xuất được OCOP (sản phẩm độc đáo). Kế đến, phải đầu tư cơ sở hạ tầng (đào mương, lên liếp) cho cây/con đó (cũng như đã đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cho kênh mương thủy lợi, ngăn mặn, ngọt hóa), tổ chức tìm đầu ra cho những sản phẩm mới này. Nhà nước đã đổi mới bằng Nghị quyết 120, nhưng cũng phải có sự tham gia tích cực của nông dân kiểu mới, là những người nông dân được nâng cao tay nghề trồng trọt, chăn nuôi trong các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới. Cụ thể, chúng ta có thể qua các bước:
Nhà nước trung ương và địa phương cần điều chỉnh lại quy hoạch, xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa thì không nên cưỡng thiên nhiên, dự kiến một số cây, con có giá trị cao, đã được tuyên dương sản phẩm OCOP, thích nghi với các vùng đó để kêu gọi đầu tư.
Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới có thể thành lập HTX nông nghiệp để sản xuất những cây, con nói trên làm nguyên liệu gắn với doanh nghiệp cần nguyên liệu đó.
Tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, với những điều kiện ưu đãi, như vốn vay nhẹ lãi, ân hạn đóng thuế, diện tích đất đai được bảo đảm theo dự án.
Thiết kế điều lệ thành lập HTX cho phù hợp mô hình đã xác định; gắn với doanh nghiệp đang cần nguyên liệu do HTX sản xuất.
Sau đó mới phát động học tập điều lệ HTX trong toàn nông hộ ở địa phương mình trước khi thành lập HTX chính thức.
Tiến hành thành lập một số HTX kiểu mới như mô tả trên đây cho đủ diện tích lớn mà doanh nghiệp cần đầu tư.
Đất của tất cả xã viên sẽ được dồn điền đổi thửa để doanh nghiệp quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa bên cạnh các kênh tưới tiêu theo hệ thống thủy lợi của vùng. Sau đó từng xã viên sẽ nhận lại phần diện tích đất mình (trừ tỷ lệ dùng làm đường giao thông nội đồng và các kênh mương, nhà máy chế biến,...).
Sau khi đã có đại hội xã viên gồm cả đại diện của doanh nghiệp gắn kết, các viên chức của HTX đã được xã viên bầu ra một cách dân chủ sẽ được đào tạo nghiệp vụ hầu có thể quản lý và kinh doanh hữu hiệu. Tránh kiểu làm trước đây là Nhà nước chọn trước các viên chức và cho họ đi học lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX rồi mới đưa về cho dân bầu.
Nhà máy chế biến, bảo quản nguyên liệu và thành phẩm sẽ được khởi công xây dựng khi dự án được phê duyệt và HTX bắt đầu thành lập.
Doanh nghiệp tổ chức điều hành khu nông - công nghiệp phức hợp này. Có đủ chuyên viên và vật tư nông nghiệp hỗ trợ cho tất cả xã viên sản xuất đúng theo quy trình GAP từ khâu làm đất đến thu hoạch nguyên liệu.
Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong nước và ngoài nước, giúp hàng hóa được tiêu thụ nhanh hơn.
Tương lai xán lạn, nếu...
Nông dân ta giàu nhờ hội nhập kinh tế thế giới bằng những sản phẩm độc đáo, sẽ đưa đến những thách thức rất gay gắt đối với lao động Việt Nam, nhất là khu vực nông nghiệp. Người nông dân kiểu mới của thế kỷ 21 không thể giữ mãi cách làm của thế kỷ 20, mà phải có trình độ kỹ thuật cao ngang tầm nông dân thế giới. Do đó nhất định nhà nông Việt Nam của thế kỷ 21 phải là những người nông dân kiểu mới, được đào tạo với kỹ thuật cao hơn.
Nhưng làm sao trong một thời gian ngắn có thể nâng cao trình độ kỹ thuật của hàng triệu nông dân Việt Nam? Nhà nước không thể tổ chức đủ lớp học cho hàng triệu nông dân, mà nông dân cũng không có thì giờ để học đủ thứ kiến thức, kỹ thuật. Một cách đi tắt đón đầu nhanh nhất là tổ chức cho nông dân thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới như đã trình bày trên đây, và quan trọng tiên quyết là gắn kết một doanh nghiệp với một hay nhiều HTX. Doanh nghiệp có thị trường, biết rõ loại nguyên liệu cần mua, do đó sẽ hướng dẫn HTX sản xuất đúng theo yêu cầu. Muốn được vậy, chuyên viên kỹ thuật của doanh nghiệp sẽ đào tạo từng nông dân xã viên có kỹ thuật cao nhất để sản xuất nguyên liệu đạt chất lượng cao nhất. Sau đó trong quá trình sản xuất nông dân sẽ được chuyên viên hướng dẫn từng khâu từ lúc đem giống về đến khi thu hoạch và sơ chế sau thu hoạch trước khi đưa vào nhà máy của doanh nghiệp để chế biến thành phẩm.
Tương lai nông nghiệp Việt Nam bắt đầu từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13, nếu Đảng và Nhà nước tạo chính sách phù hợp để gắn kết nhà nông và nhà doanh nghiệp. Chúng ta hy vọng những khu công nghiệp rau quả hoặc thủy sản như mô tả trên sẽ bắt đầu hình thành ngay từ năm 2021 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước trung ương và địa phương.
Xem thêm: lmth.-iom-peihgn-gnon-iov-uaig-es-man-teiv-nad-gnon/079213/nv.semitnogiaseht.www