Thập niên mới - thế hệ mới
Hoàng Duy
(TBKTSG Xuân) - Gen Y - thế hệ trong độ tuổi 25-40, là những người đang khởi tạo sự nghiệp, gánh vác những trọng trách quan trọng ở các công ty đang vận hành trong nền kinh tế đầy biến động và nhiều thách thức. Bước sang năm mới, TBKTSG đã gặp gỡ, thăm hỏi công việc của một số gương mặt đại diện một thế hệ doanh nhân mới.
Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Ảnh YBAHCM. |
TBKTSG: Chưa vào độ tuổi “tam thập nhi lập”, anh nghĩ gì khi nhận chuyển giao điều hành một tập đoàn xây dựng lớn mạnh nhất nhì cả nước?
LÊ VIẾT HIẾU, sinh năm 1992, tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, Đại học California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ), vừa chính thức thành tân CEO tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hồi tháng 7-2020, sau khi từng kinh qua các vị trí giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của công ty này. |
- Lê Viết Hiếu: Tôi nhận trọng trách từ tay cha tôi, nếu so với thời cha tôi khởi sự từ con số 0, tôi thấy mình may mắn hơn ông nhiều vì đã được xây sẵn nền tảng. Tôi tự nhủ phải nắm bắt cơ hội một cách tốt nhất để kế thừa và phát huy những hoài bão, lý tưởng mà thế hệ sáng lập đã gầy dựng suốt 33 năm qua.
Tiếp nhận vai trò CEO trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với tôi là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội lớn. Đây chính là thời điểm để đánh giá lại toàn diện công ty, đâu là những điểm mạnh, điểm yếu để có những giải pháp hoàn thiện.
Tôi biết rõ cái khó của người trẻ trong điều hành so với người tiền nhiệm đã dày dạn kinh nghiệm và vốn rất dễ dàng nhận được sự tuân thủ của mọi người. Tôi phải tạo ra sức thuyết phục dựa trên những số liệu và lập luận chặt chẽ mà tôi cho đó cũng là cách giúp người trẻ cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn mỗi khi ra quyết định.
TBKTSG: Với anh, khái niệm “chuyển giao thế hệ” cần được minh định như thế nào trong tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp?
- Hòa Bình có nhiều người đồng hành với công ty từ khi rất trẻ, từ giai đoạn khó khăn nhất và gầy dựng nên giá trị của tập đoàn. Tôi muốn cùng họ bước lên con thuyền, hỏi họ nhiều câu hỏi để tiếp tục tiến về phía trước. Theo tôi, điều quyết định sự thành công của chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp là kết hợp được kinh nghiệm của thế hệ trước và sức trẻ của thế hệ sau.
Do vậy, tôi sẽ vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước cho những quyết định lớn nhưng cũng sẽ mang tinh thần sẵn sàng đổi mới để vận động theo xu hướng của thời đại. Thật ra, đây cũng chính là nét văn hóa và giá trị đã được gầy dựng ở Hòa Bình.
Nhìn vào thị trường xây dựng cạnh tranh hiện nay, ngoài các yếu tố kỹ thuật, chất lượng, tiến độ, an toàn..., tôi muốn Hòa Bình gia tăng những giá trị cộng hưởng đến với khách hàng. Để làm được điều này ở thời đại công nghệ phát triển nhanh, bộ máy cần được tái cấu trúc theo hướng bền vững, trong đó con người phải đa nhiệm và năng động hơn, liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ và phục vụ khách hàng theo cách thức tinh tế hơn.
TBKTSG: Ở góc độ của nhà lãnh đạo trẻ, hẳn anh có cơ sở để đặt kỳ vọng vào lực lượng lao động trẻ và công nghệ quản lý mới?
- Thế hệ chúng tôi được sinh ra trong giai đoạn thế giới hợp tác đa phương diện cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Đây là những điều kiện giúp người trẻ sớm hình thành tư duy toàn cầu hóa, tiếp cận văn minh, công nghệ và tính chuyên nghiệp của các nền kinh tế phát triển.
Về mặt quản lý, khác với thời công nghệ thông tin chưa phát triển khi các tập đoàn lớn phải chia nhỏ để quản trị, ngày nay, việc quản trị có thể tích hợp trong một hệ thống tối ưu hóa các nguồn lực, dù phạm vi doanh nghiệp có thể trải rộng ra nhiều không gian địa lý. Hiện những nền tảng tri thức công nghệ đang giúp chúng tôi xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án chuyên sâu, hiệu quả và thực tiễn hơn.
Với những lợi thế này, thế hệ chúng tôi có tiền đề cho sự phát triển vượt bậc ở phía trước và kiến tạo những giá trị có tầm vóc toàn cầu.
* * *
TBKTSG: Khởi nghiệp ở Phần Lan, bán hàng ra toàn cầu và đưa sản xuất về Việt Nam, thương hiệu Rens Original mới hơn một năm tuổi nhưng đã tạo được tiếng vang nhất định. Phải chăng khởi nghiệp ở nước ngoài, có những điều kiện thuận lợi của nó?
TRẦN BẢO KHÁNH sinh năm 1992, tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế và logistics tại Đại học Aalto (Phần Lan), đồng sáng lập Rens Original hoạt động theo mô hình xây dựng thương hiệu và thuê ngoài sản xuất. Tháng 6-2019, mẫu giày sneaker làm từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế của Rens lần đầu xuất hiện trên trang web gọi vốn cộng đồng Kickstarter và đã thu hút hơn 5.000 người mua, thu về hơn nửa triệu euro chỉ trong 52 ngày. Khánh là một trong những người trẻ nổi bật trong danh sách “30 Under 30 năm 2020” của tạp chí về hạng mục “Doanh nghiệp xã hội”. |
- Trần Bảo Khánh: Là người châu Á nhập cư, nhưng tôi may mắn được làm việc trong môi trường khởi nghiệp hơn năm năm trước ở châu Âu khi khởi động Rens Original nên đã gầy dựng được ít nhiều mối quan hệ.
Rens có được bước tiến nhanh nhờ khởi đầu suôn sẻ khi chiến dịch gọi vốn cộng đồng được cho là thành công nhất trong lịch sử ngành thời trang Bắc Âu.
Thành công bước đầu của Rens được đánh giá là niềm tự hào cho đất nước Phần Lan trên thương trường quốc tế. Rens nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Phần Lan.
Dù đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nhưng Rens vẫn tăng trưởng, một phần nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, một phần nhờ chúng tôi thành công trong tối ưu hóa trang web bán hàng để sản phẩm có mặt trên hầu hết các sàn giao dịch trực tuyến lớn nhất châu Âu.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự thành công của việc chuyển giao dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.
TBKTSG: Có người nói trong kỷ nguyên 4.0, những người trẻ của “thế hệ công nghệ” sẽ có những cơ may kinh doanh đột phá. Anh nghĩ sao?
- Dù cách mạng 4.0 tạo ra và thúc đẩy nhiều cải cách công nghệ, xã hội vẫn luôn đòi hỏi những con người có tài năng và tri thức thật sự.
Tôi nghĩ dù ở thời điểm nào, người kinh doanh cũng phải nhạy bén và sáng suốt nắm bắt cơ hội và sự phát triển của xã hội, đó mới là những người thành công. Một xã hội gồm nhiều con người như thế thì sẽ là một xã hội thành công.
Tuy vậy, sự đa dạng mô hình kinh doanh hiện nay mở ra nhiều cơ hội học hỏi hơn cho giới trẻ. Các bạn trẻ không nhất thiết phải theo đuổi việc học chính quy trên giảng đường mà có thể học từ thực tế cọ xát qua cơ hội kinh doanh rộng mở.
Giới trẻ chính là những người đầu tiên tiếp cận xu hướng và các mô hình kinh doanh mới, những kinh nghiệm và kiến thức mới trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Có thể nói đó là lợi thế chưa từng có.
TBKTSG: Và có vẻ như Rens đã nắm bắt cơ hội, nhưng theo một cách riêng?
- Quan điểm của tôi đã thể hiện ở việc khởi nghiệp và kinh doanh Rens. Chúng tôi sẽ còn phát triển thêm những sản phẩm mới nhắm đến ‘Gen Z’ đam mê và yêu thích thời trang và vươn tới thương hiệu thời trang thân thiện môi trường hàng đầu thế giới.
Có thể nói mục tiêu lớn hơn của Rens là góp phần chống biến đổi khí hậu. Trên thực tế, ngành thời trang là nhóm ngành đứng thứ hai về mức độ ô nhiễm môi trường.
Tôi muốn Rens sẽ phần nào truyền cảm hứng và tạo ảnh hưởng trong công cuộc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
* * *
TBKTSG: Qua trải nghiệm của bản thân, chị thấy tuổi trẻ mà nắm giữ những vị trí trọng trách trong công ty thì có những thách thức, thuận lợi nào?
ĐỖ THỊ THÚY HẰNG, sinh năm 1984, tốt nghiệp Oberlin College và nhận bằng MBA từ Harvard Business School (Mỹ), hiện là Giám đốc vận hành Scommerce (COO) phụ trách GHN/Ahamove. Trước khi gia nhập GHN (Giao hàng nhanh), Hằng từng kinh qua các vị trí phó giám đốc phụ trách đầu tư và phát triển kinh doanh tại Seedcom; giám đốc điều hành trang web đặt phòng iViVu.com. Cô là thành viên sáng lập Global Shapers - một sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới khuyến khích hoạt động xã hội. |
- Đỗ Thị Thúy Hằng: Trong thời đại hiện nay, khả năng học hỏi và thích ứng nhanh là yếu tố quan trọng mà người trẻ thì thích hợp đáp ứng đòi hỏi này hơn.
Ở GHN/AhaMove hay tại các công ty đối tác của chúng tôi, đội ngũ lãnh đạo và vận hành đều là những người trẻ nhưng đã có không ít kinh nghiệm chinh chiến trên thương trường.
Còn nói về thách thức thì có lẽ thách thức trước tiên của người trẻ là cần có tầm nhìn dài hạn và sự theo đuổi tới cùng chiến lược đã chọn. Thách thức lớn nữa là khả năng dùng người - làm sao tối ưu nguồn lực. Cuối cùng là thách thức trong câu chuyện cạnh tranh với các doanh nghiệp có nguồn lực lớn hơn mình gấp nhiều lần.
Trọng trách của đội ngũ doanh nhân trẻ còn ở vai trò cầu nối giữa các thế hệ. Trọng trách này đòi hỏi họ phải hiểu lịch sử, văn hóa, chính trị để kế thừa những giá trị của các thế hệ trước, đồng thời, các hành động phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với môi trường và thế hệ sau.
TBKTSG: Hoạt động trong một ngành công nghệ có đặc tính thay đổi nhanh, chị có thể chia sẻ quan điểm về quản trị sự thay đổi, đặc biệt trong thời đại các mô hình kinh doanh liên tục thay đổi như hiện nay?
- Quản trị sự thay đổi là kỹ năng và thái độ bắt buộc của đội ngũ doanh nhân mới. Thích nghi sự thay đổi phải bắt đầu với tình trạng sẵn sàng. Người đứng đầu phải biết chấp nhận sai, chấp nhận làm khác đi, dũng cảm hành động để mang lại kết quả cụ thể, ngay cả trong khủng hoảng.
Như trong đại dịch Covid-19, đội ngũ GHN/AhaMove đã đi qua hai bài tập lớn: một là thích nghi các yêu cầu giữ an toàn sức khỏe cho hàng chục ngàn tài xế và hàng trăm ngàn khách nhận hàng mỗi ngày; hai là tối ưu hóa các hoạt động bằng đổi mới quy trình, tấn công vào những sản phẩm và phân khúc khách hàng mới, để thích ứng môi trường kinh doanh có độ cạnh tranh tăng gấp nhiều lần.
Ở đây có vai trò quan trọng của tri thức công nghệ. Bất cứ nhân viên nào trong đội ngũ tuyến đầu của GHN đều được coi là một người dùng công nghệ; nhân sự phòng công nghệ là trung tâm kết nối, vừa phải hiểu người dùng, hiểu hoạt động kinh doanh, vừa phải nghĩ tới đường đi cho 2-3 năm tới để có lời giải tối ưu.
TBKTSG: Chị nói đội ngũ lãnh đạo và vận hành ở GHN/AhaMove và nhiều công ty đối tác đều là những người trẻ. Trên thực tế, việc này có ý nghĩa thế nào?
- Giao nhận là lĩnh vực mới trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử, nó cần sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ và vận hành. GHN lại có quy mô khá lớn với hàng trăm ngàn điểm lấy/giao hàng mỗi ngày, đòi hỏi phải giải bài toán cân bằng giữa tối ưu nhân lực, chi phí, vận hành với dịch vụ tốt nhất cho khách hàng để tạo lợi thế cạnh tranh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp như vậy, điểm tích cực của thế hệ Y là có điều kiện học hành bài bản, có nhiều cơ hội tiếp nhận công nghệ mới cũng như các nguồn lực tài chính toàn cầu và có tính thích ứng cao. Cùng với đó là sức chiến đấu và khát khao của tuổi trẻ làm giàu cho xã hội.
Nhưng cũng cần nhìn ra các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil... để thấy chúng tôi còn phải nỗ lực nhiều mới có thể sánh ngang họ. Liệu đã có bao nhiêu sản phẩm của thế hệ Y ở Việt Nam đạt tới quy mô hàng triệu người dùng? Có bao nhiêu sản phẩm Việt được khẳng định trên thị trường toàn cầu? Hay Việt Nam vẫn tiếp tục là thị trường hấp dẫn của sản phẩm nước ngoài mà thiếu bản sắc riêng của doanh nghiệp nội địa? Theo thời gian, các câu hỏi này sẽ phải lần lượt có câu trả lời. Tôi tin thế hệ trẻ vẫn đang trăn trở và luôn hiểu rằng chính mình sẽ quyết định tương lai đất nước.
Xem thêm: lmth.-iom-eh-eht--iom-nein-paht/579213/nv.semitnogiaseht.www