Bộ Y tế cần quy định rõ về 'ổ dịch' và 'vùng dịch', tránh tạo ra tâm lý kỳ thị
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều qua (19-2), đã có ý kiến thảo luận về những bất cập trong lưu thông hàng hóa từ Hải Dương qua các tỉnh lân cận do tâm lý lo ngại dịch bệnh.
Văn bản của UBND tỉnh Hải Dương gửi Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu đề nghị tạo điều kiện thông thương hàng hóa.
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN |
Trò chuyện với TBKTSG Online, một doanh nhân tỏ ý không hài lòng trước việc UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản về việc, trong thời gian tỉnh Hải Dương cách ly xã hội (từ ngày 16-2 đến ngày 2-3), chủ tịch tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan yêu cầu các chủ doanh nghiệp trên địa bàn có cam kết về việc không sử dụng lao động của tỉnh Hải Dương.
Doanh nhân này cho rằng, dù Bắc Ninh có lý khi yêu cầu không sử dụng lao động Hải Dương trong thời gian Hải Dương đang cách ly xã hội nhưng quyết định này chưa thấu tình.
"Ngăn dịch là đúng nhưng chỉ đạo như thế này là chưa khéo léo, sẽ làm cho người Hải Dương cảm thấy bị kỳ thị", ông nói.
Ở những lần bùng dịch trước, như đợt chuỗi 4 ca nhiễm trong cộng đồng tại TPHCM vào cuối năm ngoái hay đợt bùng dịch, xuất phát từ các ca nhiễm ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất mới đây, nhiều doanh nhân cũng than phiền về cách ứng xử chưa linh hoạt và chưa thấu tình như thế.
Khi tỉnh A có dịch, có khi là chỉ ở một thôn (khu phố), ở xã (phường) là ngay lập tức tỉnh B có văn bản thông báo ngưng đón khách từ A.
Doanh nghiệp mệt mỏi vì phải tức tốc giải quyết chuyện hoãn, hủy dịch vụ và đưa khách rời địa phương còn du khách thì hụt hẫng vì mới vừa được hứa hẹn chào đón thì lại phải đối diện với cánh cổng đóng sập trước mặt.
Nhiều doanh nhân cho rằng, thay vì những văn bản lạnh lùng về việc tạm dừng đón khách của cả địa phương vừa có dịch thì nên khoanh vùng dịch để có những ứng xử, hướng dẫn khách hàng và đối tác doanh nghiệp phù hợp hơn.
Sau một năm "sống chung" với dịch và xác định phải "sống chung" với dịch trong một thời gian khá lâu nữa thì cách ứng xử với dịch bệnh phải khác. Để thay đổi, cơ quan chức năng cần phải có nhưng quy định rõ ràng về ổ dịch, vùng dịch cùng những cách ứng xử với con người và cách quản lý hàng hóa, phương tiện từ nơi đó.
Ý kiến tương tự vừa được PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ra trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 vào chiều qua (19-2).
Theo ông, hiện nay, các địa phương đang có sự lầm lẫn khái niệm ổ dịch và vùng dịch, từ đó dẫn tới “ngăn sông cấm chợ”. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm quy định rõ về ổ dịch và vùng dịch, để các địa phương áp dụng thống nhất. Việc thông tin về dịch bệnh không được giảm nhẹ hay thổi phồng vì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép, thậm chí là tạo ra tâm lý “kỳ thị với Hải Dương”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh việc Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn tỉnh là giải pháp phòng ngừa nâng cao một mức để ngăn chặn, bởi Hải Dương là đầu mối giao thông, liên quan đến nhiều địa phương. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tỉnh lân cận thực hiện "ngăn sông, cấm chợ". Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi các tỉnh và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.
Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu thực tế lưu thông hàng hóa, nông sản, xuất khẩu từ Hải Dương qua các địa phương lân cận đều "khó ra, khó vào", bị "ngăn sông cấm chợ". Việc vận chuyển hàng hóa vào khu vực phong toả cũng rất khó khăn (trừ hàng hóa thiết yếu). Các thị trường tiêu thụ cũng e dè với hàng hóa đến từ vùng dịch, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu thông an toàn…
Một tin vui sau đó là Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Y tế công bố lại trên cổng Thông tin điện tử những vùng dịch người ra, vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế. Chẳng hạn, với Hải Dương thì người những vùng dịch ở thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng và một số xã, thôn cụ thể mới cần phải giám sát y tế chứ không phải là dân toàn tỉnh.
Cùng với sự thay đổi này, các địa phương, cơ quan có thẩm quyền ra những quyết định có liên quan đến con người từ các vùng có dịch cũng nên cân nhắc cách thức ứng xử uyển chuyển hơn trong trường hợp phải đưa ra các biện pháp hạn chế nào đó.
Dịch rồi sẽ hết, mọi người lại phải gặp gỡ, làm ăn cho nên đừng để ngăn dịch mà thành cắt đứt sợi dây tình cảm cùng các mối quan hệ lâu dài.
Bị ‘hàng xóm’ siết chặt kiểm soát, Hải Dương cầu cứu Chính phủ Theo Baochinhphu.vn, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu đề nghị tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Theo UBND tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm… cơ bản đã tổ chức triển khai sản xuất, kinh doanh, do vậy nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hoá trở lại hoạt động tăng nhiều sau kỳ nghỉ Tết. Trên địa bàn Hải Dương còn hơn 4.000 ha rau vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.000 tấn gồm hành, cà rốt, bắp cải, su hào, súp lơ ... đa số được xuất khẩu. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng các tỉnh, thành phố giáp ranh Hải Dương không cho xe chở hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh. Trong khi đó, Chỉ thị số 05/CT-TTG ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo rõ: Phải bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất đòng thời với công tác phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu cho phép các phương tiện, người lái xe, người giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương được ra, vào các địa phương (đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định) để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu, không gây tồn đọng hàng hóa. |
Mời đọc thêm:
TPHCM sẽ ứng phó ra sao nếu có hàng ngàn ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19?