"Bi kịch thật sự của New York Times là cách họ tuyên truyền chẳng thú vị gì cả", tỉ phú Elon Musk viết chê bai trên Twitter ngày 2-4.
Ông chủ của mạng xã hội này kế đó cho rằng những nội dung mà tờ báo này chia sẻ trên Twitter là "không thể đọc nổi", ám chỉ những thông tin tiêu cực với cựu Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa.
"Họ sẽ có nhiều người theo dõi thật hơn nếu chỉ chia sẻ những bài viết đỉnh của mình thôi", ông chủ Twitter nêu quan điểm và cho rằng các tờ báo khác cũng nên như vậy.
Khoảng hai tiếng sau đó, tài khoản Twitter gần 55 triệu người theo dõi của New York Times đột nhiên không còn hiển thị dấu tick xanh "chính chủ".
Sự việc lập tức trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội, với một số người cho rằng đây là cách ông Elon Musk "trừng phạt" tờ báo này. Hiện cả Twitter và New York Times đều chưa đưa ra phản ứng hay lời giải thích chính thức.
Ngày càng "Cộng hòa hóa"?
Sau khi mua lại Twitter, tỉ phú Musk ngày càng thể hiện dấu ấn cá nhân rõ nét trong hoạt động của mạng xã hội này.
Quan điểm chính trị của ông ngày càng "Cộng hòa hóa", theo trang Axios. Ông từng ủng hộ các ứng viên tổng thống gồm: George W. Bush năm 2004, Barack Obama năm 2008 và 2012, bà Hillary Clinton năm 2016 và Joe Biden năm 2020.
"Nhưng sự vỡ mộng của Musk với Đảng Dân chủ đã tăng lên - hoặc ít nhất đã trở nên công khai hơn - kể từ khi ông mua lại Twitter", Axios viết.
Trong vài tháng qua, Musk đã thường xuyên chế nhạo các đảng viên Đảng Dân chủ và tương tác với các nhà bình luận cánh hữu, những người coi ông như "một chiến binh văn hóa có cùng chí hướng", theo Axios.
Chẳng hạn Musk tiết lộ rằng ông sẽ bỏ phiếu cho Thống đốc Florida Ron DeSantis, một người của Đảng Cộng hòa, nếu ông này ra tranh cử tổng thống vào năm 2024.
Ông cũng gọi ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa là một lựa chọn "hợp lý và trung dung".
Một ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11-2022, ông kêu gọi "những cử tri có tư tưởng độc lập" bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Ông lập luận rằng cần phải tạo ra "cân bằng" vì Đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện và Nhà Trắng.
Trục trặc với báo Mỹ
Vị tỉ phú khẳng định ông "không phải là cánh hữu hay cánh tả", nhưng ông từng chỉ trích Đảng Dân chủ đe dọa quyền tự do ngôn luận của người Mỹ và đó là vấn đề lớn.
Với các tờ báo như New York Times, vốn có xu hướng nghiêng về Đảng Dân chủ, những biểu hiện của ông Musk trên Twitter thu hút sự chú ý của họ.
Trong một bài viết tháng 10-2022, tờ báo này cho rằng Musk là một tập hợp của nhiều mâu thuẫn nhưng ông ngày càng có khuynh hướng bảo thủ và đôi khi "ăn nói như cựu Tổng thống Donald Trump".
"Hàng loạt dòng tweet không ngừng của ông Musk trong sáu tuần kể từ khi ông tiếp quản Twitter đã phơi bày khuynh hướng bảo thủ thực sự của ông và làm gia tăng nỗi sợ hãi của những người chỉ trích ông, rằng ông sẽ khiến mạng xã hội này dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch của cánh hữu", New York Times nêu cảnh báo.
Tỉ phú Elon Musk đề xuất bán cổ phiếu Twitter cho nhân viên với giá chưa bằng một nửa giá ông mua mạng xã hội này hồi cuối năm ngoái.
Xem thêm: mth.17980715120403202-ehc-ksum-nole-ib-ihk-uas-rettiwt-hnax-kcit-tam-semit-kroy-wen/nv.ertiout