Phạm Hy Hiếu báo cáo tại một sinh hoạt học thuật khi còn là sinh viên tại ĐH Stanford - Ảnh: CTV
Nằm trong danh sách 30 nhân vật dưới 30 tuổi nổi bật của Việt Nam 2020 do tạp chí Forbes bình chọn, Phạm Hy Hiếu (sinh năm 1992) là một trong những chuyên gia trẻ người Việt hàng đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, có chân trong nhiều dự án nghiên cứu quan trọng của "ông lớn" Google.
Những ngày đầu năm, chúng tôi có cuộc gặp gỡ "online" với Hiếu đang ở cách nửa vòng Trái đất, cùng nhau trò chuyện về hành trình làm khoa học và về bức tranh trí tuệ nhân tạo của Việt Nam hiện tại.
Sự phát triển diệu kỳ
* Năm 2020 khá thành công với Hiếu. Chỉ từ giữa tháng 12, Hiếu có tới 3 bài đăng chính thức trong kỷ yếu của các hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo danh giá. Dường như đại dịch không ảnh hưởng lắm đến công việc của bạn?
- Tôi thấy năm 2020 của mình khá may mắn. Trong khi nhiều người thất nghiệp hoặc ảnh hưởng công việc thì tôi lại hoàn thành được nhiều mục tiêu, "khóa sổ" được nhiều dự án đặt ra từ tận năm 2018 - 2019.
Nhiều đồng nghiệp ở Google công tác trong lĩnh vực robotics phải vào văn phòng để điều chỉnh các robot, còn tôi thì chỉ cần viết các code từ xa. Ngoài thực hiện các dự án của Google, tôi tập trung hoàn thành luận văn tiến sĩ và hướng dẫn một vài thực tập sinh.
* Sức làm việc của Hiếu thật đáng nể, chắc hẳn anh phải có một niềm đam mê cực lớn với ngành trí tuệ nhân tạo nói riêng và khoa học máy tính nói chung?
- Tôi thích tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Giả thuyết nền tảng của trí tuệ nhân tạo hiện đại rất đơn giản: Chỉ cần có đủ dữ liệu và tài nguyên tính toán, máy tính có thể học và mô phỏng mọi tư duy của con người.
Gần đây tôi nói chuyện với một đồng nghiệp rằng không đến 10 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ thống trị Olympic quốc tế. Không phải chỉ có Olympic môn toán quốc tế mà là tất cả các môn. Sự phát triển này thật diệu kỳ, và tôi đến với trí tuệ nhân tạo vì muốn trở thành một phần sự phát triển trong đó.
* Từ một sinh viên trường chuyên đến một nhà khoa học làm việc cho "gã khổng lồ" về công nghệ hàng đầu thế giới, bạn đã trải qua những mốc quan trọng nào?
- Tôi nghĩ mình có 3 cột mốc. Một là năm 2014, khi tôi còn học ĐH Stanford. Lúc đó, tôi còn ít kinh nghiệm, nhưng được GS Christopher Manning - một "cây đa cây đề" trong ngành - nhận vào trong nhóm của ông.
Hai là năm 2017, Google đã liên hệ với ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) thiết kế một chương trình đào tạo liên kết, cho phép tôi vừa làm nghiên cứu sinh vừa là một nhân viên của công ty.
Điều này giúp tôi tiếp cận với những tài nguyên tính toán và dữ liệu khổng lồ của Google, tác động lớn đến sự hình thành các ý tưởng khoa học của tôi. Ba là năm 2018, khi tôi cưới vợ. Vợ tôi cực kỳ tôn trọng lý tưởng và thông cảm nhiều cho tôi.
Chuẩn bị tâm lý cho thất bại
* Không ít người cho rằng sự tiến bộ của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam trong mấy năm qua như một sự "lột xác". Là người dành nhiều thời gian gắn bó với ngành, Hiếu đánh giá sự "thay da đổi thịt" này như thế nào?
- Một sự tiến bộ tuyệt vời! Từ chỗ chưa hiểu rõ các lĩnh vực nghiên cứu, chưa biết nên đào tạo nghiên cứu sinh ra sao, giờ đây Việt Nam đã có những thành quả đẳng cấp. Trong ngành trí tuệ nhân tạo, nhìn chung có 3 hội nghị được gọi là "đỉnh", tên là NeurIPS, ICML, ICLR.
Gần đây, ở những hội nghị này xuất hiện "nhan nhản" các bài báo có tác giả Việt, trong đó có các bạn làm nghiên cứu sinh ở các trường, các công ty nước ngoài nhưng vui nhất là các nhóm nghiên cứu Việt Nam. Đuổi kịp trình độ của các nước không phải chỉ để viết báo nhiều và hay hơn, mà các cơ hội hợp tác cùng phát triển sẽ mở ra. Đó mới là ý nghĩa thực sự.
* Được biết, Hiếu rất tâm huyết với những hoạt động dìu dắt các bạn trẻ Việt Nam trên con đường làm khoa học. Bạn có thể chia sẻ thêm về việc này?
- Trong năm qua, tôi chính thức được giao hướng dẫn thực tập sinh của Google, cảm giác hơi lạ lẫm nhưng cũng hay.
Tôi nghĩ càng có nhiều sinh viên tiếp cận với trí tuệ nhân tạo của thế giới thì càng giúp lĩnh vực này trong nước thêm sôi động và chất lượng hơn. Tôi cũng dành thời gian tham gia nhiều buổi nói chuyện với sinh viên. Ở đó, tôi tranh thủ đề cập đến những... thất bại đằng sau mỗi nghiên cứu của mình.
Nhà khoa học nào dù thành công đến đâu cũng phải vượt qua những khó khăn, những cay đắng. Biết được điều này, các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học sẽ chuẩn bị tâm lý tốt hơn.
Phạm Hy Hiếu bắt đầu được báo chí nhắc nhiều đến từ năm 2011 khi được 5 trường đại học nổi tiếng ở Mỹ chấp nhận cấp học bổng toàn phần. Sau khi tốt nghiệp ĐH Stanford, Hiếu được Google 3 lần viết thư mời về làm, bên cạnh những lời gọi chào từ Apple, Facebook hay Microsoft.
Hiện nay Hiếu đang làm việc tại Google Brain - được xem là "bộ não" của Google, nơi chuyên nghiên cứu những công nghệ mới cho "ông lớn" này.
Đồng thời Hiếu cũng theo học chương trình nghiên cứu sinh Google-PhD, do Google hợp tác cùng ĐH Carnegie Mellon (CMU) - một trong bốn trường lớn về khoa học máy tính của Mỹ.
* Nếu muốn vươn xa ra thế giới với công việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, theo Hiếu, các bạn trẻ Việt Nam cần thêm những kỹ năng gì vào gói hành trang của mình?
- Trước hết cần học cho thật tốt môn toán ở trường đại học. Càng lớn bạn càng không có thời gian đào sâu về toán, nên bốn năm đại học là cơ hội tốt nhất.
Thứ hai là rèn luyện tiếng Anh. Nếu để ngoại ngữ trở thành một trở ngại thì rất khó làm việc với các đồng nghiệp quốc tế, và cũng không thể nghiên cứu cao hơn.
Thứ ba là học cách hợp tác. Nhiều người thường đắn đo: làm nghiên cứu này tôi được gì, tên tôi đứng trước hay đứng sau trong báo cáo. Quên mình vì tập thể sẽ cho ra nhiều kết quả tốt đẹp. Ngày nay không ai một mình dựng được cả một ngành khoa học.
TTO - Vào ngày 6-10-2019, trang chủ Google bất ngờ xuất hiện bức tranh chân dung Xuân Quỳnh được mọi người tán thưởng vì đúng sinh nhật nhà thơ. Nhưng ít ai biết bức tranh ấy là của đôi vợ chồng họa sĩ tuổi 9X: Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên.