Trong hai thập niên, các hãng tin tức toàn cầu phàn nàn rằng các công ty công nghệ đang làm giàu bằng công sức của họ, bán quảng cáo liên quan đến thông tin của họ mà không chia sẻ doanh thu.
Google tìm cách đạt được những thỏa thuận êm đẹp với các hãng tin tức Úc để né tránh dự luật mới |
Giờ đây, Úc đang cùng với Pháp và các chính phủ khác thúc đẩy Google, Facebook và các gã khổng lồ internet khác phải trả tiền tác quyền. Điều đó có thể mang lại nhiều tiền hơn cho một ngành công nghiệp tin tức đang mai một khi doanh thu giảm. Nhưng nó cũng tạo ra nhiều cuộc đụng độ với một số tên tuổi lớn nhất của ngành công nghệ.
Hạ viện Úc hôm 17/2 đã thông qua một dự luật buộc Facebook và Google phải trả cho các công ty truyền thông Úc khoản bồi thường công bằng cho những bài báo được họ chia sẻ. Dự luật cần Thượng viện Úc thông qua để trở thành luật.
Sau đó, Google, một đơn vị của Alphabet Inc., đã công bố thỏa thuận trả tiền cho các nhà xuất bản ở Úc, riêng Facebook chọn cách chặn người dùng ở nước này xem hoặc chia sẻ tin tức.
Điều gì đang diễn ra?
Đối mặt với một đạo luật được đề xuất nhằm buộc các công ty internet phải trả tiền cho các tổ chức tin tức, Google liền công bố các giao dịch với Rupert Murdoch’s News Corp. và Seven West Media - hai hãng tin tức tại Úc và đang đàm phán cùng Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc.
Theo Nghị viên Josh Frydenberg, Google chiếm 53% doanh thu quảng cáo trực tuyến của Úc và Facebook chiếm 23%.
Riêng Facebook chọn cách chặn người dùng tại Úc theo dõi các bài viết từ những trang tin tức nội địa. Chẳng hạn như trên hình, người dùng tại Sydney không thể xem các bài đăng của hãng tin Australian Broadcasting Corporation |
Google từng đe dọa sẽ không cung cấp công cụ tìm kiếm của mình ở Úc để phản đối dự luật. Riêng Facebook phản ứng bằng cách chặn người dùng truy cập và chia sẻ tin tức của Úc từ ngày 18/2.
Facebook cho biết luật được đề xuất “bỏ qua thực tế” về mối quan hệ của họ với các nhà xuất bản sử dụng dịch vụ của mình để “chia sẻ nội dung tin tức”.
Thủ tướng Scott Morrison mô tả động thái của Facebook là một mối đe dọa. Ông nói với các phóng viên hôm 19/2: “Ý tưởng đóng cửa các trang web như họ đã làm ngày hôm qua, là một mối đe dọa. Tôi biết người Úc phản ứng như thế nào với điều đó và tôi nghĩ đó không phải là một động thái tốt”.
Thái độ tại những quốc gia khác
Luật được đề xuất của Úc sẽ là luật đầu tiên về vấn đề tác quyền tin tức này, nhưng các chính phủ khác cũng đang gây áp lực buộc Google, Facebook và các công ty internet khác phải trả tiền cho các hãng tin tức và các nhà xuất bản.
Tại châu Âu, Google phải thương lượng với các nhà xuất bản Pháp sau khi một tòa án vào năm 2020 giữ nguyên phán quyết rằng việc thỏa thuận tác quyền là bắt buộc, theo chỉ thị bản quyền của Liên minh châu Âu năm 2019.
Pháp là chính phủ đầu tiên thực thi các quy định, nhưng quyết định cho thấy Google, Facebook và các công ty khác sẽ phải đối mặt với các yêu cầu tương tự ở các nước khác của khối thương mại 27 quốc gia.
Năm 2020, Facebook tuyên bố sẽ trả tiền cho các tổ chức tin tức của Mỹ bao gồm The Wall Street Journal, The Washington Post và USA Today, nhưng không nêu rõ chi tiết thỏa thuận.
Tại Tây Ban Nha, Google đã đóng cửa trang web tin tức của mình sau khi một đạo luật năm 2014 yêu cầu Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản.
Nhiều tờ báo lên án hành động của Facebook đối với Úc |
Sự phẫn nộ của công chúng
Xu hướng ở Úc và châu Âu cho thấy cán cân tài chính giữa các công ty internet trị giá hàng tỷ USD và các tổ chức tin tức có thể đang thay đổi, cũng như thái độ của các chính phủ đối với những đại gia công nghệ.
Thỏa thuận của Google có thể tạo ra nguồn doanh thu mới cho các trang tin tức, nhưng liệu điều đó có chuyển thành phạm vi phủ sóng nhiều hơn cho người đọc, người xem và người nghe hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Bởi vì thỏa thuận giữa Google với các hãng tin lớn có thể bóp nghẹt những đơn vị truyền thông vừa và nhỏ.
Hiệp hội báo chí Úc đang kêu gọi các công ty truyền thông đảm bảo doanh thu trực tuyến được tính cho các hãng tin tức.
Đồng thời, đã có sự phẫn nộ từ công chúng về cách Facebook cắt quyền truy cập của người dân - ít nhất là tạm thời - đối với thông tin đại dịch, y tế công cộng và những dịch vụ khẩn cấp.
Một bài báo về cách tin tức giả mạo trên mạng xã hội dần thay thế báo chí đáng tin cậy tại Úc có dòng tiêu đề: “Fakebook cho thấy tất cả những gì họ quan tâm là lợi nhuận chứ không phải con người”.
Một số hãng tin không phải của Úc cũng bị ảnh hưởng, với nhiều bài đăng biến mất khỏi trang Facebook từ Daily Telegraph và Sky News của Anh.
Các quan chức và các nhà xuất bản ở Anh, Canada, Đức và Mỹ chỉ trích các hành động của Facebook, cáo buộc họ chống cạnh tranh, và nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc tẩy chay theo quy định.
Julian Knight - nhà lập pháp, Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao tại Quốc hội Anh - nhận xét: “Đó là một trong những động thái ngu ngốc nhất nhưng cũng gây lo ngại sâu sắc nhất mà tôi từng thấy”.
David Cicilline - nghị sĩ đảng Dân chủ từ Rhode Island, người chủ trì Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện Mỹ - đồng ý với quan điểm trên. Theo ông, “rõ ràng” hành động của Facebook ở Úc chứng tỏ rằng công ty "không tương thích với nền dân chủ".
Linh La (theo CNN, AP, France 24)