Bên này xịt thuốc, bên kia chết điên điển
Trước đó, TAND tỉnh An Giang cũng từng xử phúc thẩm một vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản (là điên điển, bưởi) bị xâm phạm giữa nguyên đơn là bà S. và bị đơn là vợ chồng ông L.
Bà S. có trồng năm công bưởi và hai công điên điển. Bà S. cho rằng nhà ông L. thuê người xịt thuốc diệt cỏ 2.4D (bên đất ông L.) làm chết điên điển và làm hư 170 cây bưởi nhà bà. Sau đó, bà trồng lại đợt điên điển khác và đang thu hoạch thì nhà ông L. lại thuê người xịt thuốc cỏ 2.4D (trên đất ông L.) làm chết điên điển và hư 140 cây bưởi nhà bà… Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông L. phải bồi thường cho bà hơn 68 triệu đồng.
Vợ chồng ông L. trình bày đất ông bà canh tác cách đất bà S. ba công nên việc xịt thuốc không ảnh hưởng đến cây trồng của bà S. Do đó, ông bà không đồng ý bồi thường.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Phú (An Giang) buộc vợ chồng ông L. bồi thường cho vợ chồng bà S. 31,5 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng ông L. kháng cáo.
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh An Giang nhận định bà S. không cung cấp được chứng cứ, tài liệu chứng minh thiệt hại thực tế. Tuy vậy, hai cấp tòa đã xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn thừa nhận việc xịt thuốc cỏ 2.4D và Sở NN&PTNT có công văn về mức độ nguy hại của thuốc cỏ 2.4D này. Từ đó, có cơ sở để xác định việc bà S. bị thiệt hại cây trồng điên điển với diện tích 1.500 m2 là có thật.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm tính mức thiệt hại cao hơn thực tế. Qua tham khảo thu nhập của một hộ trồng điên điển khác và thông tin do Sở NN&PTNT cung cấp, tòa phúc thẩm cho rằng tổng thiệt hại của nguyên đơn là hơn 17,9 triệu đồng. Từ đó, tòa sửa án sơ thẩm, buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn hơn 17,9 triệu đồng.
Xem thêm: lmth.014869-gnut-ot-oav-id-gnod-ac-neid-neid-gnob-gnus-gnob/taul-pahp/nv.olp