Sáng 21-2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và gia đình tổ chức lễ tang ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre và Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.
Theo chương trình tang lễ, sáng nay (22-2), vào lúc 9 giờ sẽ diễn ra lễ truy điệu nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, sau đó linh cữu sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre vào trưa cùng ngày.
Lễ viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Hội trường UBND tỉnh Bến Tre. Ảnh: NHẬT TIẾN
“Tổn thất lớn…”
Từ 8 giờ sáng 21-2, lễ viếng chính thức ông Trương Vĩnh Trọng được tổ chức đồng thời tại hai địa điểm.
Tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre, các đoàn đại biểu trung ương, đại diện các bộ, ban ngành, đoàn thể của trung ương và nhiều tỉnh, thành đến viếng. Các đoàn đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ người đã khuất.
Trong sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Anh Hai Nghĩa kính mến, thân thương - người cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hết lòng vì nước, vì dân, cả cuộc đời anh đã làm việc tận tụy để phục vụ sự nghiệp cách mạng, được đồng chí, đồng bào tin yêu, kính trọng. Vĩnh biệt Anh Hai, thắp nén nhang thơm nghiêng mình trước vong linh anh để tiễn đưa anh về nơi yên nghỉ vĩnh hằng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Thủ tướng ghi trong sổ tang: “… Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, một người con ưu tú của quê hương Bến Tre anh hùng, một tấm lòng nhân hậu, tấm gương sáng về lối sống giản dị, phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn trăn trở và hành động quyết liệt vì lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta… Xin vĩnh biệt đồng chí Trương Vĩnh Trọng, anh Hai Nghĩa…”.
Tại lễ viếng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ôm phu nhân ông Trương Vĩnh Trọng, chia sẻ nỗi đau với gia đình, bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc về sự mất mát này. Bà viết trong sổ tang: “Anh ra đi để lại niềm thương tiếc thật sự cho biết bao người. Vĩnh biệt đồng chí - anh Hai Nghĩa kính quý…”.
Thương tiếc một lãnh đạo giản dị, gần dân
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội cũng diễn ra lễ viếng trang trọng.
Ghi sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trương Vĩnh Trọng, người đảng viên, người cán bộ gương mẫu, đầy trách nhiệm trong công tác. Nhớ mãi những ngày cộng tác sôi nổi trong Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (khóa IX). Đồng chí luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để lại trong lòng các đồng chí một tấm gương tận tụy”.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi trong sổ tang: “Xin vĩnh biệt anh Hai Nghĩa kính mến - một đồng chí lãnh đạo gần gũi, mẫu mực, suốt đời vì nước vì dân. Người có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cải cách tư pháp của thời kỳ Đổi mới đất nước. Xin gửi đến gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất”.
Dẫn đầu đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa viết: “(...) đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và là người lãnh đạo rất mực giản dị, gần dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Trương Vĩnh Trọng. Xin gửi tới gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng lớn lao này”.
Cũng trong sáng 21-2, tại Hà Nội, nhiều đoàn đại biểu của các ban, bộ, ngành trung ương, cơ quan, đoàn thể tại Hà Nội, các địa phương đã tới viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.
Dân tiếc thương người con ưu tú xứ dừa
Trước đó, vào chiều 19-2 và ngày 20-2, tang lễ nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã được tổ chức tại quê nhà ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, Bến Tre.
Ở quê nhà, ông Trương Vĩnh Trọng được người dân gọi với cái tên gần gũi là “ông Hai Nghĩa”.
Mọi người thương tiếc, nhắc lại những câu chuyện đời thường của ông, đặc biệt từ khi ông nghỉ hưu. Ai cũng quý mến, tự hào vì quê hương có đứa con ưu tú, mẫu mực, hết lòng vì dân, sống rất giản dị, gần gũi, chân tình với bà con chòm xóm.
Trong dòng người đến viếng, cụ bà Phạm Thị Cẩn (90 tuổi, ở thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm) chống gậy đi từng bước chậm rãi, được người thân đưa đến trước linh cữu ông Hai Nghĩa thắp nhang.
Cụ Cẩn nói: “Hai Nghĩa là học trò trực tiếp của chồng tôi (thầy Lê Văn Nhậm, đã mất), còn tôi là cô giáo dạy cùng trường, xem Hai Nghĩa cũng là học trò của mình”.
Cụ Cẩn cho hay: Thời còn đi học, ông là một học trò hiền lành; thời còn chiến tranh, ông rất tích cực trong công tác cách mạng.
“Sau năm 1975, làm việc ở nhiều cương vị khác nhau và ông luôn rất lo cho dân. Nghe Hai Nghĩa mất, tôi rất bàng hoàng, không ngủ được...” - cụ Cẩn bày tỏ.
Cụ cũng cho hay là ông luôn giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo, ứng xử tốt, mẫu mực với những người đã dạy dỗ mình.
Còn Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre Võ Tấn Thành nói về tính giản dị, gần gũi của ông Trương Vĩnh Trọng: “Thời điểm anh Hai là chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, lúc nối đường dây điện quốc gia 500 kV, anh lên phát biểu reo mừng “Điện về Bến Tre rồi, bà con ơi!”, rất chân tình”.
Luật sư Thành còn cho hay có những vụ khiếu nại kéo dài, ông trực tiếp gặp bà con. Ông giải thích cho bà con không chỉ bằng luật pháp mà còn bằng tình cảm chân thành nên bà con rất hài lòng.
Anh Hai Nghĩa, người giản dị và tận tụy với công việc TS Nguyễn Văn Biết, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, từng là thư ký của ông Trương Vĩnh Trọng khi ông được trung ương điều về làm bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Theo ông Biết, ông Hai Nghĩa (nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng) chỉ công tác tại tỉnh Đồng Tháp một năm (2000-2001) nhưng đã đóng góp cho Đồng Tháp bằng nhiều năm, tạo ảnh hưởng về phong cách, lề lối làm việc của cán bộ tỉnh đến sau này. TS Biết chia sẻ: “Anh Hai về Đồng Tháp trong khoảng thời gian đầy khó khăn, khi đó một số cán bộ chủ chốt và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những sai phạm, gây tâm trạng hoài nghi trong Đảng bộ và lòng dân không yên. Lúc đó, cơn lũ lịch sử đã tàn phá cơ sở hạ tầng và đảo lộn mọi sinh hoạt trong cộng đồng. Lúc đó, anh đã kéo guồng máy làm việc quần quật với cường độ cao. Thư ký và tài xế, nhất là tài xế được anh gọi đi công tác bất cứ ngày giờ nào, kể cả ban đêm và ngày nghỉ. Bằng tất cả phương tiện có được từ xe bốn bánh, xe hai bánh, tắc ráng, xuồng nhỏ…, anh lặn lội khắp các địa bàn, nhất là các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh. Nhiều năm công tác, tôi biết Đồng Tháp nhiều nhất chính là thời gian đi cùng anh. Lịch làm việc, hội họp, tiếp khách, tiếp dân… của anh dày đặc. Đơn thư gửi đến chỉ xử lý chậm một ngày là ngồn ngộn trên bàn làm việc. Tôi nhận thấy ở anh không chỉ là tinh thần trách nhiệm đến cùng ở mỗi việc mà trở thành niềm đam mê. Đó là sự say mê cải tiến, hoàn thiện mỗi công việc đạt chất lượng cao nhất, cho dù có việc tưởng như nhỏ nhặt, ít được quan tâm nhất... Ý thức trách nhiệm, sắp xếp nhân sự, thái độ, phong cách làm việc của anh thổi luồng gió mới thúc đẩy cả Đảng bộ Đồng Tháp vào guồng, bắt kịp nhịp độ phát triển cùng cả nước từ đó cho đến ngày nay. Với độ ngắn thời gian công tác, anh đã đưa Đảng bộ và tỉnh Đồng Tháp vượt qua cơn khó khăn và phát triển thuận buồm xuôi gió. Hầu như tất cả những ai được tiếp xúc với anh đều có chung một nhận xét: Anh tận tình và hòa đồng. Tôi cảm nhận ở anh hai điều đáng quý là sự chân thành và bình đẳng với người khác. Anh rất giản dị. Về Đồng Tháp, anh nhận xe đã cũ để làm phương tiện đi lại, từ chối phòng ở khang trang, ăn và mặc như nông dân. Sự giản dị, chân phương trở thành nét tự nhiên không ẩn giấu, giả vờ. Khi là Phó Thủ tướng, anh vẫn giữ nét ấy. Tính giản dị, chân phương của anh thể hiện cả trong lời nói. Khi phát biểu khánh thành cầu Rạch Miễu, tôi thấy anh nói: “Trời đất ơi, bà con ơi…” để diễn đạt nỗi ước mong ngàn đời của người dân xứ cồn Bến Tre bị sông nước cách trở. Dù với khoảng thời gian ngắn nhưng những chi tiết trong phẩm chất và phong cách của anh đầy ắp và không phai mờ trong tâm trí tôi. Tôi xem anh vừa là người lãnh đạo đáng kính, vừa như anh ruột của mình. Làm việc với anh vừa vất vả, bận rộn, vừa hứng khởi vì nhận thấy mình có ích. Những gì tôi nhận thấy và nhận được từ anh rất nhiều bởi nó sẽ theo tôi trên suốt chặng đường phấn đấu cống hiến và sống có ích cho nước, cho dân”. GIA TUỆ ghi |