Các bác sĩ ở bang Michigan (Mỹ) cho biết một bệnh nhân nữ đã tử vong hai tháng sau khi được ghép phổi từ một người hiến tạng đã nhiễm COVID-19, đài NBC News ngày 20-2 đưa tin.
Hồi đầu tháng này, một nhóm bác sĩ thuộc trường Y khoa và trường Y tế công cộng thuộc Đại học Michigan công bố báo cáo về ca tử vong vì COVID-19 hồi năm ngoái liên quan tới một bệnh nhân nữ mắc viêm phổi tắc nghẽn mãn tính đã được phẫu thuật ghép phổi tại TP Ann Arbor (bang Michigan). Người hiến tạng là một phụ nữ tử vong do chấn thương sọ não sau một vụ tai nạn xe hơi.
Trước khi tiến hành ca phẫu thuật, các bác sĩ đã nhiều lần xét nghiệm COVID-19 cho cả người hiến tạng và người được ghép phổi, trong đó mẫu xét nghiệm của người hiến tạng được lấy tại mũi và họng. Các xét nghiệm trên đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19).
Tuy nhiên, ba ngày sau ca phẫu thuật, người nhận tạng lên con sốt cao, huyết áp giảm và khó thở. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy phổi của người này có dấu hiệu nhiễm trùng.
Ảnh minh họa - Một ca phẫu thuật ghép mô, tạng ở Mỹ. Ảnh: CRAIN'S DETROIT BUSINESS
Tình trạng của bệnh nhân xấu đi nhanh chóng, bị sốt do nhiễm trùng và ảnh hưởng tới chức năng tim. Các bác sĩ quyết định xét nghiệm lại và kết quả lần này là dương tính với virus SARS-CoV-2.
Để phát hiện nguồn lây, các bác sĩ đã xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ người hiến tạng (đã được lưu lại từ trước) bất chấp việc người này được cho là không có lịch sử tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 và cũng không đến các vùng có dịch. Kết quả mẫu xét nghiệm ở mũi và họng vẫn cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, mẫu bệnh phẩm từ việc vệ sinh sâu bên trong phổi được hiến tặng (trước khi phẫu thuật ghép tạng) cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Một ngày sau đó, bác sĩ phẫu thuật cũng được xác định nhiễm COVID-19. Mười thành viên khác trong kíp mổ đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Các bác sĩ xác định người được ghép tạng, cùng với bác sĩ phẫu thuật, đã nhiễm COVID-19 từ người hiến tạng. Đây là trường hợp đầu tiên COVID-19 lây qua việc hiến-nhận mô, tạng.
Các bác sĩ đã áp dụng nhiều phương pháp mong cứu sống người được ghép tạng, bao gồm cả việc dùng thuốc remdesivir (đã được cấp phép dùng trong điều trị COVID-19 ở Mỹ), can thiệp tim-phổi nhân tạo (ECMO), liệu pháp huyết thanh… Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân vẫn chuyển biến xấu và người này tử vong 61 ngày sau ca ghép phổi.
Tiến sĩ Daniel Kaul - bác sĩ về các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Y khoa, Đại học Michigan, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - nói rằng các bác sĩ đã làm tất cả những xét nghiệm “thông thường” và kíp mổ sẽ “tuyệt đối không sử dụng phổi (để ghép cho người nhận tạng - PV) nếu có kết quả xét nghiệm COVID-19 là dương tính”.
Ông Kaul cho rằng “vụ việc bi thảm” này nêu ra yêu cầu phải xét nghiệm kỹ lưỡng phổi của người hiến tạng. Theo đó, mẫu xét nghiệm phải được lấy từ cả mũi, họng và sâu bên trong phổi của người hiến tạng.
Cho tới nay, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã báo cáo tám trường hợp người được ghép tạng nhiễm COVID-19 tuy nhiên nguồn lây được xác định là lây nhiễm trong cộng đồng hoặc lây chéo trong các cơ sở y tế.
Trước đó, một số loại bệnh viêm đường hô hấp do virus, bao gồm dịch cúm A/H1N1, đã được phát hiện có thể lây qua ghép mô, tạng, chủ yếu là ở các ca ghép phổi - ông Kaul lưu ý.
Hiện nay, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Số ca nhiễm COVID-19 ở nước này là hơn 28,7 triệu, trong khi số ca tử vong vì đại dịch đã vượt mức 500.000.