Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Hải Dương thiệt hại nặng nề do bị ngừng sản xuất, hoặc không giao được hàng cho đối tác, phải đền bù hợp đồng, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Trao đổi với PLO, ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt cho biết đã bị đối tác hủy hơn 20 container hàng nông sản xuất khẩu sang Malaysia, Nhật Bản vì không thể giao hàng đúng thời hạn.
Theo ông Trường, lý do công ty không giao hàng đúng thời hạn cho đối tác không phải là do thiếu hàng để giao mà do không thể vận chuyển hàng đến các cảng để xuất khẩu.
Hiện trong kho của Công ty Hưng Việt vẫn đang tồn kho hơn 1.000 tấn nông sản. Ảnh: CTV
Hiện, trong kho của Công ty Hưng Việt vẫn đang tồn kho hơn 1.000 tấn cà rốt, bắp cải chưa xuất đi được. Trong khi đó, đặc thù hàng nông sản không thể để lâu, nếu không được giao ngay cho đối tác để đem đi tiêu thụ thì sẽ bị thối hỏng, gây thiệt hại lớn.
"Nếu để tình trạng như tháng vừa rồi chi phí tiền điện đã mất 450 triệu đồng. Bây giờ hàng tồn cứ để trong kho không xuất được, để lâu hư hỏng thì thiệt hại đến 7-8 tỷ đồng" - ông Trường rầu rĩ chia sẻ.
Hàng đầy kho mà không thể giao cho khách, nguyên nhân của nghịch lý này, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt, đó là do lo ngại dịch COVID-19, các tỉnh không cho xe hàng của Hải Dương đi qua.
"Hải Phòng chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do CDC Hải Dương công nhận. Trong khi đó năng lực xét nghiệm tại tỉnh này đang bị quá tải. Chúng tôi kiến nghị tỉnh Hải Phòng công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do các đơn vị đã được Bộ Y tế công nhận, không chỉ là do CDC Hải Dương cấp.
Đồng thời kéo dài hiệu lực của kết quả xét nghiệm từ 3 ngày lên ít nhất 5 ngày. Vì lái xe vừa đi xét nghiệm về, chưa chạy được chuyến nào, chạy về nhà đã hết thời gian công nhận kết quả giấy xét nghiệm đó" - ông Trường kiến nghị.
Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Chu Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH chế biến Nông lâm sản xuất khẩu Hùng Sơn cũng chia sẻ, công ty đã ký hợp đồng thu mua nông sản của bà con ở các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình. Thế nhưng, do lo ngại dịch COVID-19, các tỉnh cấm không cho xe hàng của Hải Dương đi qua nên công ty này cũng không đến lấy hàng để về sản xuất được.
Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tình hình trong tỉnh đỡ hơn những ngày đầu phong tỏa. Tuy nhiên, hàng hóa đi ra các tỉnh ngoài vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Các tỉnh giáp ranh Hải Dương đều không cho xe đi qua, đặc biệt là Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình. Đi sâu vào các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An cũng gặp khó. Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh mới đầu cũng chặn nhưng giờ tình hình đã tốt hơn.
"Hàng hóa, nông sản trong tỉnh không phải không có người mua mà gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Hà Nội thông thoáng, không lập chốt, cứ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh là hàng hóa được lưu thông bình thường. Các tỉnh khác thì khó khăn quá" - ông Hải chia sẻ.