Chỉ số S&P 500 sụt 0,8% và đóng cửa ở 3.876,5 điểm sau phiên biến động mạnh. Công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu là các nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Đây là phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp của S&P 500.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite lao dốc 2,46%, kết phiên ở 13.533 điểm. Trong đó, cổ phiếu xe điện Tesla giảm 8,6%, đánh dấu phiên đi xuống mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Các đại gia công nghệ như Apple, Amazon và Microsoft đều sụt ít nhất 2%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc đỏ 200 điểm nhưng rồi đi lên và đóng cửa xanh 27 điểm, tương đương gần 0,1%. Một số cổ phiếu được dự báo hưởng lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại đã diễn biến tích cực vượt trội trong phiên 22/2.
Theo CNBC, cổ phiếu giải trí Disney giảm 4,4%, tập đoàn máy công nghiệp Caterpillar và hóa chất Dow đều tăng trên 3,5%. Thương hiệu tài chính American Express và dầu khí Chevron thêm lần lượt 3,2% và 2,7%. Visa cũng tăng gần 1,8%.
Cổ phiếu dầu khí diễn biến khởi sắc khi giá dầu thô Brent tăng 3,7% và vượt mốc 65 USD/thùng, dầu WTI cũng tăng 3,8% lên trên 61 USD/thùng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể sớm vượt 75 USD/thùng trong vài tháng tới vì nhu cầu tăng mạnh hơn nguồn cung khi nền kinh tế hồi phục.
Các cổ phiếu hàng không tăng mạnh sau khi được Deutsche Bank nâng mức khuyến nghị thành Mua. American Airlines nhảy vọt 9%, United Airlines và Southwest Airlines thêm lần lượt 4,5% và 3,8%.
Một số nhà đầu tư lo ngại việc lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng nhanh trong những tuần gần đây có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và phụ thuộc nhiều vào vốn vay rẻ như ngành công nghệ.
Các cổ phiếu công nghệ đã tăng phi mã trong thời kỳ đại dịch do hưởng lợi từ xu hướng học tập và làm việc từ xa. Khi triển vọng hồi phục kinh tế rõ ràng hơn như hiện nay, một số nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu công nghệ và chuyển dòng tiền sang cổ phiếu thuận chu kỳ.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong tuần trước đã tăng 14 điểm cơ bản lên mức cao nhất 12 tháng. Phiên đầu tuần 22/2, lợi suất này tiếp tục tăng lên quanh mức 1,35%. Từ đầu tháng đến nay, lợi suất 10 năm đã tăng tổng cộng 27 điểm cơ bản.
Lợi suất kỳ hạn 30 năm cũng lập đỉnh 12 tháng ở mốc 2,2% trong phiên đầu tuần.
CNBC dẫn lời ông Matt Maley – Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tư vấn đầu tư Miller Tabak nhận xét: "Nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ biến động của lợi suất trái phiếu. Lợi suất kỳ hạn dài đang cực thấp khi so sánh với trung bình lịch sử nhưng chúng tôi cho rằng nó sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường chứng khoán, kể cả khi lợi suất có thể không tăng quá mạnh như nhiều người dự đoán".
Một số nhà đầu tư lại cho rằng việc lợi suất trái phiếu tăng lên là dấu hiệu cho thấy tâm lý tin tưởng vào đà hồi phục kinh tế, và các doanh nghiệp với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ có thể chịu đựng được lãi suất cao hơn.
Ông Keith Lerner – Giám đốc chiến lược thị trường tại ngân hàng Truist nói: "Chúng tôi không coi lợi suất tăng là mối đe dọa đối với thị trường giá lên hiện tại. Nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của cuộc hồi phục, chính sách tài khóa và tiền tệ đều hết sức hỗ trợ, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi mạnh, định giá tương đối hợp lý, vì vậy chúng tôi duy trì đánh giá lạc quan về cổ phiếu".
Các nhà đầu tư sẽ dồn sự chú ý vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khi ông tham dự phiên điều trần định kỳ 6 tháng một lần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 23/2 (theo giờ Mỹ). Các nhận định của ông về lãi suất và lạm phát có thể sẽ định đoạn chiều hướng thị trường trong tuần này.
Tính từ đầu tháng 2 đến nay, Nasdaq đang tăng 3,5%, S&P 500 thêm 4,4% còn Dow Jones tăng 5,1%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 vượt trội khi đi lên 8,6%.