vĐồng tin tức tài chính 365

Thêm 10 nút giao thông BOT trên quốc lộ 51: Phải làm đúng luật

2021-02-23 08:54
Thêm 10 nút giao thông BOT trên quốc lộ 51: Phải làm đúng luật - Ảnh 1.

Trạm thu phí số 1 - quốc lộ 51 của Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu được chấp thuận, rất có thể việc thu phí trên quốc lộ này sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Gần hết hạn thu phí lại đầu tư tiếp

Tháng 1-2021, BVEC có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đề nghị hai cơ quan này chấp thuận cho làm 10 nút giao thông là cầu vượt, hầm chui (gọi chung là nút giao thông mức khác) giữa quốc lộ 51 và các đường ngang là "điểm đen" về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. 

10 nút giao thông khác mức BVEC đề nghị xây dựng gồm nút giao quốc lộ 51 với đường Châu Văn Luồng - Nguyễn Văn Tỏ và nút giao với đường 25B thuộc tỉnh Đồng Nai. 

8 nút giao còn lại thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các con đường ngang gồm đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao, đường 965, đường Hội Bài - Châu Pha, đường Láng Cát - Long Sơn, đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Trường Sa và đường 30-4.

Trở lại thực tế, từ nhiều năm qua, quốc lộ 51 thường xuyên ghi nhận tình trạng quá tải, ùn ứ giao thông vì lưu lượng xe qua đây quá nhiều, nhất là dịp ngày lễ, cuối tuần, giờ cao điểm. Chuyện quốc lộ 51 quá tải đã được ban ngành ở địa phương nhận thấy khi thực hiện việc giám sát từ năm 2017. Theo thiết kế của quốc lộ 51 mở rộng, con đường này chỉ cho phép dưới 15.000 lượt xe/ngày đêm nhưng những năm qua, lượng xe cộ đi trên đường này đã vượt gấp hai, ba lần.

Trong khi đó, đến nay dự án BOT quốc lộ 51 mở rộng được Bộ GTVT xác định chỉ còn thu phí chưa đầy 3 năm nên vừa qua quốc lộ này được đề xuất không thực hiện thu phí điện tử không dừng. 

Cụ thể, tại báo cáo với Thủ tướng cuối năm 2020, Bộ GTVT cho biết thời gian thu phí của BOT quốc lộ 51 mở rộng dự kiến kết thúc vào năm 2021 nên việc triển khai thu phí không dừng trên quốc lộ này gây lãng phí, ảnh hưởng đến phương án tài chính của cả dự án này và dự án thu phí điện tử. 

Từ đó, nếu được chấp thuận chủ trương cho chính BVEC đầu tư tiếp 10 nút giao thông khác mức thì chắc chắn việc thu phí trên quốc lộ 51 phải tiếp tục kéo dài.

BOT quốc lộ 51 "bội thu" phí

Thiết kế của quốc lộ 51 mở rộng chỉ cho phép dưới 15.000 lượt xe/ngày đêm nhưng theo BVEC, trong năm 2020, lưu lượng xe qua 3 trạm thu phí trên quốc lộ 51 từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt là 30.866, 41.238 và 23.341 lượt xe/ngày đêm. 

Đáng chú ý, có ngày số xe qua trạm lên đến trên 48.000 lượt. Với lưu lượng xe qua quốc lộ như trên, việc thu phí sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến nhiều năm. Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 7-2017, đại diện BVEC cho biết có thể rút ngắn thời hạn thu phí trước 4 năm.

Từ chuyện xe qua lại nhiều hơn so với thiết kế, dẫn đến những năm qua quốc lộ 51 cũng là điểm đen về tai nạn giao thông. Theo tổng hợp của BVEC, trong năm 2020 trên toàn tuyến đã xảy ra gần 100 vụ tai nạn, làm chết 39 người, bị thương hàng chục người. 

Ngoài ra, theo BVEC, việc quốc lộ mãn tải, gây ùn ứ giao thông đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ven quốc lộ này cũng như gây cho chủ đầu tư thiệt hại về doanh thu vì phải xả trạm, sửa chữa mặt đường, móng đường.

Để tự giải quyết việc ùn ứ giao thông trên địa bàn, giải quyết điểm đen về tai nạn, năm 2017 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đều đã có xin Bộ GTVT cho chủ trương làm các nút giao thông khác mức. Tuy nhiên đến nay, hầu như chưa có nút giao thông khác mức nào trên quốc lộ này.

Theo phụ lục hợp đồng BOT giữa Tổng cục Đường bộ và BVEC ký ngày 27-2-2017, thời gian để chủ đầu tư thu phí hoàn vốn là ngày 12-1-2026 và BVEC được thu thêm bốn năm lợi nhuận, tức là BOT quốc lộ 51 mở rộng sẽ kết thúc thu phí vào ngày 12-1-2030. 

Tuy nhiên đến nay, giữa BVEC và cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa quyết toán lại. Và theo văn bản của Bộ GTVT báo cáo với Thủ tướng Chính phủ (như đã nói trên) thì BOT này sẽ kết thúc thu phí trong năm 2021.

Thêm 10 nút giao thông BOT trên quốc lộ 51: Phải làm đúng luật - Ảnh 2.

8 nút giao thông khác mức trên quốc lộ 51 được đề nghị xây dựng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồ họa: TẤN ĐẠT

BVEC bỏ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trúng lớn ở quốc lộ 51

Theo tìm hiểu, trước đây, chính BVEC là doanh nghiệp được giao làm cả BOT mở rộng quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo kế hoạch ban đầu, năm 2018, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ đưa vào sử dụng để "chia lửa", phân lưu đến 60% lưu lượng xe cho quốc lộ 51. 

Tuy nhiên, BVEC đã không triển khai dự án cao tốc và sau đó xin trả lại dự án. Đó là lý do dẫn đến quốc lộ 51 quá tải, dẫn đến việc BOT mở rộng quốc lộ này hoàn vốn nhanh hơn dự kiến nhiều năm và gây ra nhiều hệ lụy như hiện nay.

Đáng chú ý, chính vì nguyên nhân chậm trễ đưa cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thi công và sử dụng như kế hoạch đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép - Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Do đó, từ 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Chính phủ đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ngay trong năm 2018 để giảm tải cho quốc lộ 51 và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, cảng biển, các khu công nghiệp dọc quốc lộ này.

Tại văn bản báo cáo "hậu giám sát" đối với BOT quốc lộ 51 mở rộng vào tháng 12-2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. 

Cơ quan này cũng kiến nghị với BVEC "phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, đề nghị bổ sung quy hoạch và triển khai các nút giao thông khác mức trên địa bàn thị xã Phú Mỹ để giảm ùn tắc giao thông".

Cần nút giao thông nhưng phải làm đúng luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc BVEC xin xây các nút giao thông khác mức trên quốc lộ 51, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết việc xây dựng các công trình giao thông khác mức trên quốc lộ này là cần thiết. Tuy nhiên, việc ai xây, xây thế nào thẩm quyền thuộc về bộ, ngành trung ương. 

Nhiều doanh nghiệp vận tải nói rằng việc một doanh nghiệp xin làm BOT tiếp trên chính công trình BOT của mình đang thu phí cần phải xem lại. "Đề nghị BVEC phải làm đúng quy định pháp luật, đúng theo quy định về đối tác công - tư về đầu tư BOT", vị này nói.

Trong khi đó, một vị đại biểu Quốc hội khác cho biết sẽ nghiên cứu văn bản của BVEC, chiếu theo quy định để có văn bản gửi cho bộ, ngành trung ương. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai là 2 tỉnh có nguồn thu lớn nên cần lấy ngân sách của 2 tỉnh này để làm các nút giao thông khác mức và không thu phí. Việc này sẽ có lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp cảng biển, logistics, các khu công nghiệp ở 2 tỉnh này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-2, ông Đinh Hồng Hà - tổng giám đốc BVEC - cho biết vì ngân sách còn hạn hẹp nên BVEC xin làm các nút giao thông khác mức. Ông Hà đề nghị nên sửa đổi nghị quyết 437 của Quốc hội để phù hợp với thực tế.

Từng có sai phạm

Với dự án BOT quốc lộ 51 mở rộng, trước đây, các ngành chức năng cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm. Trong đó, đặc biệt, tháng 9-2016, thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận việc Bộ GTVT chỉ định BVEC là nhà đầu tư đàm phán hợp đồng BOT mở rộng quốc lộ 51 và ký hợp đồng BOT với doanh nghiệp này là không đúng quy định, có sai sót trong lập dự toán của công trình này làm tăng giá trị lên hơn 40 tỉ đồng. Ngoài ra, do việc nghiệm thu tăng khối lượng, áp sai đơn giá dẫn đến quyết toán sai số tiền gần 9,5 tỉ đồng...

Năm 2008, BVEC gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tập đoàn Hải Châu (sau đó thay bằng Tổng công ty Sông Đà) và BIDV được Chính phủ giao thực hiện cả dự án quốc lộ 51 mở rộng và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Tháng 3-2009, Bộ GTVT chấp thuận BVEC là nhà đầu tư đàm phán hợp đồng BOT mở rộng quốc lộ 51. Đến tháng 11-2009, Cục Đường bộ đã ký hợp đồng BOT mở rộng quốc lộ 51 với BVEC. Theo hợp đồng này, tổng mức đầu tư của công trình là hơn 3.300 tỉ đồng.

Năm 2012 điều chỉnh tăng lên thành hơn 3.900 tỉ đồng, đến 2017 giảm xuống còn 3.700 tỉ đồng. BOT quốc lộ 51 mở rộng dài 72,7km, tính ra mỗi cây số của con đường này BVEC phải bỏ gần 35 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay và giải phóng mặt bằng). Trong khi BOT này xây dựng đúng theo nghĩa "mở rộng" của quốc lộ 51 hiện hữu.

Đông Nam Bộ còn trả phí quốc lộ 51 đến bao giờ?

ql51 qua tai

Quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc vào các ngày lễ, cuối tuần - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đây là ý kiến của ông Trần Doãn Phi Anh - nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải phía Nam thuộc Bộ GTVT.

Theo ông Anh, quốc lộ 51 gần như là tuyến đường độc đạo từ TP.HCM đến Đồng Nai rồi đi Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, việc thu phí trên tuyến đường này đã mang lại nguồn lợi nhất định cho nhà đầu tư BOT bởi lưu lượng xe có thời điểm tăng gấp 3 lần so với thiết kế.

Đó là lưu lượng xe từ các tỉnh miền Đông, TP.HCM, các tỉnh miền Tây ra du lịch biển Vũng Tàu và hàng vạn lượt xe ra vào bốc dỡ hàng hóa ở các cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải. Do đó, nhà đầu tư đã đề xuất việc tiếp tục đầu tư các cầu vượt trên tuyến đường này là điều dễ hiểu.

Thời gian gần đây, TP.HCM và các tỉnh phía Nam dù có nhiều dự án giao thông đã được đầu tư nhưng hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế. Trong đó, điều đáng buồn nhất là TP.HCM thiếu trầm trọng vốn đầu tư hạ tầng giao thông và đang đi sau so với nhiều địa phương khác.

Điều đáng nói là tình trạng ùn tắc giao thông ở cảng Cát Lái khiến cả khu vực quận 2, quận 9, nay là TP Thủ Đức đã kéo dài trầm trọng từ nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Anh nói bản thân ông đi trên các tuyến đường này không những thấy ái ngại về kẹt xe mà còn luôn nơm nớp lo sợ về nguy cơ tai nạn giao thông. Với những ai đến TP.HCM mà thấy ùn tắc giao thông đều tỏ ra ngán ngại thì làm sao suy nghĩ đến việc đầu tư.

Theo ông Anh, việc sớm chấm dứt thu phí trên quốc lộ 51 cũng chính là điểm tháo gỡ và là lối thoát cho việc giải quyết kẹt xe cho khu vực cảng Cát Lái. Khi không còn thu phí BOT trên quốc lộ 51, các chủ hàng, chủ tàu sẽ tự động điều tiết tàu xuất nhập khẩu hàng hóa cập cảng Cái Mép - Thị Vải do giá cước vận tải đã giảm.

Từ đó cũng góp phần làm giảm dòng xe tải, xe container chạy chen chúc trên mặt đường xa lộ Hà Nội vì lượng xe vào cảng Cát Lái đã chuyển sang các cảng ở Cái Mép - Thị Vải. Điều này còn giúp TP.HCM có điều kiện phát triển TP Thủ Đức, phát triển Khu công nghệ cao và giúp TP phát triển.

Sao cứ bám mãi vào quốc lộ 51?

Ông Anh cũng cho rằng nhà đầu tư quốc lộ 51 cần tuân thủ nghị quyết của Quốc hội là không nên tiếp tục đầu tư làm thêm các nút giao thông khác mức trên quốc lộ 51 để thu phí.

"Hiện nay, Nhà nước đang rất cần vốn để mở tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51, tại sao nhà đầu tư không bỏ vốn đầu tư tuyến cao tốc này mà cứ bám mãi vào quốc lộ 51? Các cơ quan nhà nước không nên chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư, không nên để tiếp tục kéo dài thời gian thu phí" - ông Anh nêu ý kiến.

N.ẨN

Vì sao không Vì sao không 'thu phí không dừng' ở BOT quốc lộ 51?

TTO - Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về việc không triển khai 'thu phí không dừng' tại ba trạm của dự án BOT quốc lộ 51. Theo báo cáo này, đến 2021, BOT này sẽ kết thúc thu phí nhưng theo tính toán của chủ đầu tư, dự án này còn khoảng 6 năm thu phí.

Xem thêm: mth.63053218032201202-taul-gnud-mal-iahp-15-ol-couq-nert-tob-gnoht-oaig-tun-01-meht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thêm 10 nút giao thông BOT trên quốc lộ 51: Phải làm đúng luật”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools