Hài cốt liệt sĩ đã vỡ vụn vì chiến tranh và thời gian - Ảnh: Bộ CHQS Nghệ An
Có mẫu mất một vài năm mới tìm được, có mẫu được đưa về ngân hàng ADN chờ đối chiếu và cũng có mẫu phải đành không thể tìm lại được thân nhân.
Chỉ cần có tin khu vực nào có bộ đội hy sinh, chúng tôi sẽ đến. Có nghĩa trang năm nào chúng tôi cũng đến, năm nào cũng đào. Đào cho kỳ được để đưa các bác ấy về với đất mẹ Tổ quốc mình.
Lương Thế Vinh
"Đào cho kỳ được để đưa các bác về đất mẹ"
Trước hang đá chơi vơi trong rừng Phả Xay (Xiêng Khoảng, Lào), cả nhóm quy tập hài cốt đứng lặng trước một mảnh nilông, bên trong xếp những mảnh xương vỡ vụn.
Người đồng đội thắp ba nén nhang, đập tay ba cái xuống nền đất: "Hú ba hồn bảy vía liệt sĩ chưa biết tên! Đã chiến đấu anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả tại tọa độ 25943; 97382 ở khu Gò Chúa, bản Nậm Xiệu, huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng. Hồn ở đâu về nhập cốt!".
Tiếng gọi của một thành viên Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, lạc trong gió núi Xiêng Khoảng.
Miệng hang đá dường như đã bị bom đạn phá sập từ lâu. Những người đồng đội lách lưỡi xẻng qua từng hốc đá, khoét từng mẩu đất. Những mảnh xương vỡ vụn được nhặt lại, xếp cẩn thận vào mảnh nilông.
Ban đầu họ biết được một liệt sĩ tên Nguyễn Viết Tân, còn những người khác chưa biết tên. Những mảnh xương vỡ xếp ra từng túi, nhưng chưa biết của ai. Cũng có thể họ bị vùi cùng một chỗ.
Từng mảnh, từng mảnh xương được nhặt ra từ các mảnh đá, thỉnh thoảng lẫn vài mảnh bom.
Thành viên đội tìm kiếm Lương Thế Vinh chia sẻ: "Chỉ cần có tin khu vực nào có bộ đội hy sinh, chúng tôi sẽ đến. Có nghĩa trang năm nào chúng tôi cũng đến, năm nào cũng đào. Đào cho kỳ được để đưa các bác ấy về với đất mẹ Tổ quốc mình".
Xiêng Khoảng là chiến địa khốc liệt nhất trên đất bạn Lào. Nhiều khoảnh rừng, triền núi, bộ đội chôn chồng lên nhau. Đoàn trước cầm một sơ đồ tới, cất bốc được hài cốt. Đoàn sau có thông tin khác, vẫn đến chỗ ấy đào tiếp vẫn đưa được thêm hài cốt về. Nhiều huyệt ba, bốn người nằm chung trong một cái tăng.
"Tìm thấy mẩu xương thôi, chúng tôi cũng mừng lắm! Nhiều bác có khi vẫn thấy hình dạng chiếc xương, nhưng bên trong đã mủn hết, động vào là vỡ vụn ra", anh Vinh nghẹn ngào chia sẻ. Những trường hợp như thế tìm được thông tin rất mong manh. Kể cả khi trong huyệt có tên, nhưng thiếu quê quán, đơn vị cũng khó lòng tìm được.
Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS Nghệ An, cất bốc liệt sĩ tại Xiêng Khoảng, Lào - Ảnh: Bộ CHQS Nghệ An
Bốn liệt sĩ chung một tấm bia vô danh
Đại tá Nguyễn Lê Cát, chủ nhiệm khoa xét nghiệm sinh học - Viện Pháp y quân đội, rưng rưng lật từng lớp vải liệm của một ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An) để lấy mẫu sinh phẩm. Ngôi mộ là một trong gần 6.000 ngôi mộ khác chưa xác định được thông tin liệt sĩ.
Ông Cát giật mình phát hiện hài cốt của một liệt sĩ nhưng lại có tới bốn đốt sống cổ số 7. "Xương đốt sống cổ số 7 mỗi người chỉ có một chiếc - ông Cát khẳng định - Rõ ràng đây là một ngôi mộ tập thể, ít nhất của bốn người khác nhau. Tức là từ lúc được chôn cất, họ được chôn cùng một chỗ, cũng có thể được bọc cùng một cái tăng hay cái võng dù rồi chôn xuống đất. Chiến tranh khốc liệt mà!".
Những người làm giám định xin phép được sắp xếp lại. Họ xem xét từng mảnh xương, sắp xếp lại được bốn bộ hài cốt chưa hoàn chỉnh và nhặt những mẩu xương còn chắc nhất để đưa về giám định ADN.
Ngôi mộ này được cất bốc ở Xiêng Khoảng (Lào). Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ có thông tin ở đó có bộ đội Việt Nam hy sinh. Họ mất gần một tuần đào bới mới tìm ra chiếc võng dù đã mục, bên trong bọc xương lẫn với rễ cây, đất đá. Hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Rất nhiều năm sau, cơ quan chức năng khai quật hàng loạt mộ để lấy mẫu giám định ADN, bốn liệt sĩ ấy mới thôi không chung một bia mộ.
Hài cốt được cất bốc có khi chỉ là vài mảnh xương, thậm chí là nắm đất. Mẫu vật để giám định nếu tốt là một chiếc răng, ổn hơn là mảnh xương còn chắc, nếu không có khi chỉ là một mẩu xương đã "ải như cái rễ cây chết khô".
Ông Cát chia sẻ có những mẫu vật phải mất tới bốn năm trời, qua hàng chục bước phân tích... mới có kết quả. Và đôi khi ngậm ngùi là kết quả hàng năm trời đó lại không khớp với mẫu ADN của gia đình thân nhân.
Ông Cát đã có 30 năm công tác gắn liền với công việc giám định ADN. Ông đi khắp các nghĩa trang từ Bắc chí Nam, tự tay lấy hàng ngàn mẫu sinh phẩm, nhưng cảm giác của ông trước Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào hoàn toàn khác.
"Trước 12.000 ngôi mộ, trong đó có rất nhiều mộ chưa thể biết tên, hay với những nghĩa trang liệt sĩ lớn khác là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hay Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 - Nam Lào, số mộ chưa biết tên rất nhiều. Chúng tôi, những người làm giám định, luôn mong muốn làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ. Ấy thế mà nhiều lúc cảm thấy lực bất tòng tâm vì số lượng hài cốt liệt sĩ cần nhận dạng quá lớn", giọng đại tá Cát chùng xuống.
Có những mẫu sinh phẩm chỉ còn mẩu xương hay nắm đất việc xét nghiệm để phân tích được mẫu ADN đã khó, việc tìm được người thân càng khó hơn.
Ông Cát nhận định, khi khai quật một nghĩa trang lớn, tỉ lệ số mẫu không lấy được mẫu sinh phẩm để giám định ADN lên đến 20%. Đáng buồn là những liệt sĩ đó sẽ không còn một phương pháp nào để xác định được danh tính nữa, vì ADN là bước cuối cùng.
Thời gian càng dài, cơ hội để tìm lại danh tính càng ít đi.
Trong khi đó, ba đơn vị chính trong cả nước có chức năng giám định ADN là Viện Pháp y quân đội, Viện Pháp y quốc gia và Viện Công nghệ sinh học mỗi năm chỉ giám định được vài trăm mẫu. Thời gian để giám định những mẫu này rất lâu, có mẫu lên tới vài năm.
Bà Nguyễn Kim Oanh, cán bộ Cục Người có công, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho hay có rất nhiều nguyên nhân khiến các mẫu sinh phẩm "xấu", khó xác định. Trong đó phải kể đến điều kiện chiến tranh, liệt sĩ không được chôn cất chu đáo, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng của bom đạn hay chất độc hóa học...
"Có những mẫu mang tới viện phải qua 13 lần xét nghiệm nhưng không được. Mẫu là chiếc răng, nhìn vẻ ngoài có vẻ chắc, nhưng các đoạn gen đã đứt gãy hết", bà Oanh nghẹn ngào chia sẻ.
"Chúng tôi luôn động viên anh em giám định là cố gắng không được làm mất hy vọng cuối cùng của thân nhân liệt sĩ. Nếu mẫu này chưa đúng, gia đình này vẫn còn hy vọng vào mẫu khác. Bên cạnh đó, mẫu ấy lại là hy vọng của gia đình khác nữa đang đi tìm thân nhân liệt sĩ của họ", bà Oanh xúc động tâm sự.
Tìm thêm phương pháp giám định ADN
Đại tá Nguyễn Lê Cát, chủ nhiệm khoa xét nghiệm sinh học - Viện Pháp y quân đội, cho hay phương pháp phân tích hiện nay là giám định trên một đoạn ADN ti thể dài. Nếu đoạn ADN này bị đứt gãy, không đủ độ dài thì không phân tích được.
Tuy nhiên, trên thế giới đã có phương pháp mới phân tích được những đoạn ADN ngắn hơn. Thậm chí phân tích trên từng điểm để tìm ra đặc trưng sau đó khớp với dữ liệu nhân thân. Vừa rồi Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký hợp tác với một số đơn vị thực hiện việc này. Đặc biệt là phối hợp với Ủy ban Quốc tế về người mất tích (ICMP).
Hai giải pháp quan trọng nhất trong hợp tác với ICMP là tiếp cận phương pháp phân tích ADN hiện đại hơn để phát hiện chuỗi ADN đứt gãy, nhỏ hơn và giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu dạng bigdata, lấy dữ liệu nhiều nhân thân chứ không phải một người như bây giờ.
TTO - Đồng đội khắc tên liệt sĩ lên một viên gạch chôn cùng huyệt mộ. 50 năm sau, người con gái duy nhất của liệt sĩ bật khóc khi nhìn thấy viên gạch ấy đặt cùng hài cốt của cha mình.
Xem thêm: mth.58973038072702202-gnuc-iouc-gnov-yh-meik-mit-ion-iouc-yk-hna-ohc-net-ial-mit-7-72/nv.ertiout