Quốc kỳ Trung Quốc bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Urumqi, Tân Cương - Ảnh: REUTERS
Ngày 22-2, trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), Anh nói LHQ phải được trao quyền tiếp cận "cấp bách và không bị ràng buộc" tới Tân Cương để điều tra các báo cáo về tình trạng ngược đãi tại đây, theo Đài CNN.
"Chúng tôi xem các báo cáo gần như mỗi ngày, trong đó làm sáng tỏ thêm về các hành động vi phạm quyền con người một cách có hệ thống của Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương" - Ngoại trưởng Anh Dominic Raab phát biểu trong cuộc họp.
"Tình hình ở Tân Cương là không thể chấp nhận được" - ông Raab nói và dẫn lại các thông tin cáo buộc đã xảy ra tình trạng sử dụng "lao động cưỡng bức", "triệt sản phụ nữ" ở Tân Cương.
Cùng ngày, Trung Quốc lên tiếng bác bỏ "những cuộc tấn công vu khống" liên quan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tuyên bố "cánh cửa đi tới Tân Cương luôn rộng mở", theo Hãng tin Reuters.
Trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp chống khủng bố phù hợp với luật và rằng Tân Cương được hưởng "sự ổn định xã hội và phát triển vững chắc" sau 4 năm mà không có bất kỳ "vụ khủng bố" nào.
Ông Vương cho biết có 24.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương, nơi tất cả các nhóm sắc tộc được hưởng quyền lao động.
"Những sự thật cơ bản này cho thấy chưa bao giờ có cái gọi là diệt chủng, lao động cưỡng bức hay đàn áp tôn giáo ở Tân Cương" - ông Vương nói.
Trong diễn biến liên quan, Canada đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) mô tả những hành động của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là "diệt chủng", theo báo Guardian.
Ngày 22-2, các nghị sĩ Canada đã bỏ phiếu thông qua một kiến nghị không mang tính bắt buộc đưa ra cáo buộc trên. Tuy nhiên, động thái trên không nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Justin Trudeau và có thể làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc - Canada.
TTO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm đầu tiên với nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì.