Dừa vốn không phải là cây chủ lực của Kiên Giang. Nhưng anh Lê Trọng Đáng ở tỉnh Kiên Giang đã khởi nghiệp thành công với cây dừa bằng cách trồng dừa lấy cổ hũ - lõi trắng bên trong thân cây dừa non, theo LaodongTV.
Cây dừa sau khi bị chặt hết vỏ, cuống, lá, giữ lại đọt non ngọn thì còn 10 kg lõi trắng. Phần lõi này 100% tự nhiên, có thể ăn sống, không chất bảo quản. Đặc biệt, phần cổ hũ này có thể chế biến thành nhiều món ngon và là đặc sản trong các nhà hàng.
Anh Lê Trọng Đáng.
Theo anh Đáng, dừa dễ trồng, chỉ cần có cây giống là có thể trồng được. Khi lá dừa cứng cáp là có thể trồng xuống đất nhưng cần dọn cỏ xung quanh để cây có thêm chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần giữ khoảng cách 2 m giữa cây này và cây khác. Loại cây này phù hợp với đất phèn mặn và vốn bỏ ra không đáng kể.
Vi làm trong chi đoàn nên anh Đáng sắp xếp được công việc, vẫn làm được công việc của chi đoàn và của mình.
Ý tưởng xuất phát từ sau một lần ăn cổ hũ tại nhà hàng cách đây hơn 2 năm, anh Đáng đã tận dụng đất của gia đình để trồng khoảng hơn 600 cây dừa. Sau hơn 2 năm thì cổ hũ mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2020, anh đã tìm được đầu ra cho sản phẩm bằng cách bán cho nhà hàng.
Gốc dừa non.
Thời gian gần đây, anh Đáng cũng mở rộng diện tích, trồng thêm 700 cây trên diện tích 35.000 m2.
Mỗi đợt anh Đáng xuất bán từ 400 kg đến 500 kg. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng hơn 2.000 kg cổ hũ dừa. Tính ra mỗi tháng không cần bỏ công, thêm vốn anh lời khoảng 6 triệu đồng. Mỗi năm anh Đáng thu lãi khoảng hơn 70 triệu đồng.
Củ hủ dừa, một trong những thành phần của bánh xèo.
Cây dừa đã quá quen thuộc với mọi người nhưng để nâng tầm giá trị, hiệu quả thì không nhiều người làm được. Mô hình trồng dừa lấy cổ hũ của anh Đáng đã truyền cảm hứng cho nhiều người, phát huy tinh thần làm giàu trên mảnh đất Kiên Giang.