Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Philippines ngày 23-2 cho biết nước này sẽ cho phép hàng ngàn nhân viên y tế, đa số là y tá, sang Anh và Đức làm việc nếu hai nước này đồng ý tài trợ vaccine phòng COVID-19 cho Philippines.
Philippines, hiện đứng thứ hai trong Đông Nam Á về số ca tử vong và số ca nhiễm COVID-19, gần đây đã nới lỏng lệnh cấm đưa nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc, nhưng vẫn giới hạn con số ở mức 5.000 người một năm.
Philippines muốn "đổi" hàng ngàn y tá lấy vaccine từ Anh, Đức. Ảnh: REUTERS
Bà Alice Visperas - Giám đốc Cục Các vấn đề quốc tế của Bộ Lao động Philippines – hôm 23-2 cho biết Philippines sẵn sàng nâng mức giới hạn lao động ở nước ngoài cho nhân viên y tế để đối lấy vaccine từ Anh và Đức.
Theo vị quan chức, Philippines sẽ dùng số vaccine này để tiêm cho lao động nước ngoài và hàng trăm ngàn người Philippines hồi hương.
"Chúng tôi đang xem xét yêu cầu nâng giới hạn triển khai, tùy thuộc vào thỏa thuận" - bà Visperas nói với Reuters.
Đại sứ quán Anh tại Manila và phái bộ Đức chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo Reuters, Anh và Đức đã tiêm vaccine COVID-19 cho tổng cộng 23 triệu dân. Trong khi đó, Philippines chưa bắt đầu chương trình tiêm cho 70 triệu người trưởng thành, tức hơn 60% trong tổng 108 triệu dân.
Philippines dự kiến sẽ nhận lô vaccine COVID-19 đầu tiên trong tuần này, do Trung Quốc tặng. Philippines muốn đảm bảo tổng cộng 148 triệu liều vaccine.
Y tá nằm trong số hàng triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài, gửi về nước hơn 30 tỉ USD kiều hối mỗi năm.
Năm 2019, theo dữ liệu của chính phủ, có 17.000 y tá của Phillipines ký hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ý tưởng đổi y tá lấy vaccine cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, Reuters cho biết.
Tổng thư ký Hội Y tá Philippines Jocelyn Andamo bày tỏ: “Chúng tôi thấy ghê tởm vì cách các y tá và nhân viên y tế bị chính phủ coi như tài sản hay hàng xuất khẩu”.
Hiện Anh là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ sáu trên thế giới và là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch. Trong khi đó, Đức có số ca mắc COVID-19 cao thứ 10 trên toàn cầu.