Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết cựu Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ Google Eric Schmidt hôm 23-2 đã kêu gọi chính phủ Mỹ nhanh chóng phát triển các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), để mở rộng khoảng cách, chặn đường tiến của Trung Quốc đến vị trí dẫn đầu thế giới về AI.
“Nước Mỹ hiện chỉ đang đi trước Trung Quốc một hoặc hai năm, chứ không còn phải năm hay 10 năm. Mà người Trung Quốc lại đang dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ khác như nhận dạng khuôn mặt” - ông Schmidt cho biết tại phiên điều trần do Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ tổ chức.
“Do sự phổ biến của công nghệ, bất cứ thứ gì được phát minh ra liên quan đến AI sẽ ngay lập tức được Trung Quốc áp dụng. Đây là một mối đe dọa rất lớn” - Ông Schmidt - người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo (NSCAI), trình bày.
Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo Eric Schmidt phát biểu tại phiên điều trần hôm 23-2. Ảnh: AP
Ngay sau phiên điều trần, Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tuyên bố ông đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo các biện pháp củng cố lĩnh vực công nghệ của Mỹ và chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc.
Ông Schumer tiết lộ ông đã chỉ đạo các ủy ban soạn thảo một dự luật lưỡng đảng dựa trên luật mà ông đề xuất vào tháng 5-2020 nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ 100 tỉ USD để thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ AI đến máy tính lượng tử và chất bán dẫn.
Những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực AI của Trung Quốc một phần là do chính sách hỗ trợ của nước này bao gồm “Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo” được giới thiệu vào năm 2017, nhằm đưa Trung Quốc thành siêu cường về AI vào năm 2030, vượt qua các đối thủ để trở thành “nước đứng đầu thế giới về trung tâm đổi mới AI”.
Việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng công nghệ AI cũng đồng thời thúc đẩy sức mạnh quân sự của nước này, đưa khoảng cách về khả năng quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc thu hẹp một cách nhanh chóng, theo SCMP.
Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo Eric Schmidt (bên trái) và chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith tại phiên điều trần hôm 23-2. Ảnh: AP
Ngoài ra, ông Schmidt nhận định rằng các bình luận gần đây của các nhà lãnh đạo châu Âu đang tạo thêm mối lo ngại cho khả năng cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây đã tuyên bố rằng ông quyết tâm cải thiện quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc "bất kể những khó khăn chính trị thường xuyên xảy ra", SCMP đưa tin.
“Đây là một điềm xấu cho những gì sắp xảy ra. Chúng ta phải tạo điều kiện để chia sẻ công nghệ của Mỹ với các liên minh quan trọng của chúng ta. Tôi lo lắng rằng chúng ta đang không hiểu rõ mối đe dọa cạnh tranh từ Trung Quốc đối với những gì chúng ta đang cố gắng làm” - ông Schmidt nói.
“Đây là cuộc thi về giá trị cũng như sự đầu tư. Và điều quan trọng nhất chính là đưa các giá trị của nước Mỹ đến với toàn thế giới, những điều chúng ta nắm giữ và trân trọng vô cùng. Như thế chúng ta mới là người chiến thắng trong tất cả các lĩnh vực công nghệ này” - ông nói thêm.