Trong văn bản vừa gửi đến UBND TP Hải Phòng và Hải Dương, Bộ GTVT đề nghị hai địa phương này phối hợp phòng chống dịch COVID-19 nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Bộ này cũng đề nghị Sở GTVT Hải Dương nắm bắt nhu cầu xét nghiệm tài xế, phụ xe vận chuyển hàng hóa trên địa bàn và phối hợp với đơn vị chức năng xét nghiệm nhanh cho đối tượng này.
Hải Dương tổ chức liên hệ với các doanh nghiệp thu mua nông sản cho nông dân. Ảnh: VIỆT ANH
Cạnh đó, lên phương án sử dụng số tài xế, phụ xe bên ngoài vùng cách ly, phong tỏa thay thế cho lái xe và phụ xe đang bị cách ly. Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT Hải Phòng nghiên cứu, xem xét giải quyết kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vận tải hàng hóa giữa tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tổ chức phun khử khuẩn xe chở hàng hóa và giám sát quản lý chặt tài xế, phụ xe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người khác.
Song song đó, buộc tài xế phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện hàng ngày... nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua vận tải hàng hóa.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao phối hợp với Sở GTVT Hải Dương và Hải Phòng thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về thực hiện phân luồng giao thông trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương để phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Do sợ dịch COVID-19 lây lan, vừa qua TP Hải Phòng đưa ra các quy định khắt khe đối với tài xế vận chuyển hàng hàng hóa vào địa phương này. Vì vậy, xe của nhiều doanh nghiệp xếp hàng dài nhưng không có tài xế do doanh nghiệp vận tải Hải Phòng sử dụng đến 30% tài xế là người Hải Dương.
Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản kiến nghị UBND TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương lựa chọn địa điểm đủ điều kiện làm nơi xử lý các biện pháp phòng chống dịch đối với tài xế, xe và hàng hóa; thực hiện việc đổi tài xế đủ điều kiện để điều khiển phương tiện vào địa bàn.
Đối với xe vận tải hàng xuất nhập khẩu vào các cảng của Hải Phòng, cần có quy định hành lang lưu thông của phương tiện; đăng ký danh sách tài xế đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mới được điều khiển phương tiện. Tài xế nếu ở lại Hải Phòng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, ăn uống, nghỉ ngơi tại nơi có đủ điều kiện phòng chống dịch.
Hiện trên địa bàn Hải Dương đang tồn đọng khoảng 30.700 tấn cà rốt đã đến kỳ thu hoạch và 10.000 tấn đang được bảo quản trong kho mát tương đương với khoảng gần 15.000 container.
Cạnh đó, tỉnh này cũng có khoảng 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch và 3.000 tấn đang bảo quản trong kho mát, 1.000 tấn lợn sữa và rau chế biến trong kho đông.
Theo kế hoạch, 80% số lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… theo hợp đồng mà các doanh nghiệp đã ký kết.