Đà Nẵng nỗ lực thu hút nhà đầu tư Mỹ, Nhật
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Đã có thêm nhiều 'đại bàng' từ Mỹ và Nhật Bản đến Đà Nẵng - nơi đang biến khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành những điểm đến chất lượng cao.
Trụ sở chính của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA). Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang thu hút được các nhà đầu tư công nghệ trên thế giới. Ảnh: Nhân tâm |
Trong số ba dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chiều 23-2 tại trụ sở Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA), có một dự án đến từ Hoa Kỳ và hai dự án đến từ Nhật Bản.
Đó là dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu đô la Mỹ của hai nhà đầu tư đến từ công ty Hayward Quartz Technology và Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) với vốn đầu tư 35 triệu đô la Mỹ, đầu tư vào Khu công nghệ cao; trong khi dự án còn lại, nhà máy EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (thuộc EPE International Corporation Nhật Bản) đầu tư vào KCN Hòa Khánh mở rộng với vốn đầu tư 300.000 đô la Mỹ.
Ngoài ra, trong dịp này Đà Nẵng còn trao chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Arevo Inc. (Hoa Kỳ) để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D với tổng vốn đầu tư là 135 triệu đô la vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Tính chung, Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đến nay đã thu hút 125 nhà đầu tư Nhật Bản và 7 nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Trong 3 năm gần đây ngày càng có nhiều nhà đầu tư từ Mỹ và Nhật Bản đến Đà Nẵng để xây dựng các nhà máy sản xuất với hàm lượng công nghệ cao.
Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise là dự án có vốn đầu tư cao thứ hai tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dẫn đầu hiện nay là dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) đầu tư có tổng vốn 170 triệu đô la Mỹ. Nhà máy Sunshine đã hoàn thành giai đoạn 1 trong tháng 7-2020 và đã xuất những lô hàng mẫu đầu tiên cho đối tác quốc tế. Cả hai dự án có vốn đầu tư lớn nhất này đều đến từ Hoa Kỳ.
Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, cho biết đầu tư của UAC vào Khu công nghệ cao có thể là một phần nguyên nhân, tạo sức hút để các công ty công nghệ vệ tinh khác vào theo như Hayward Quartz Technology hay Arevo là ví dụ.
“Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng căn cứ vào vị trí chiến lược, môi trường sống, khả năng cung cấp nhân lực và môi trường đầu tư để đưa ra quyết định đầu tư”, ông Sơn nói và chia sẻ Đà Nẵng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu này.
Ông Sơn cũng đang kỳ vọng về một hệ sinh thái đầu tư chất lượng cao tại Khu công nghệ cao cũng như các khu công nghiệp Đà Nẵng trong thời gian tới sau nhiều năm trầm lắng. Và để một hệ sinh thái đầu tư chất lượng như vậy, theo người đứng đầu của DHPIZA, cần nhiều yếu tố, bao gồm khả năng cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng, hậu cần và logistic phát triển.
“Xét về các yếu tố đó thì Đà Nẵng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có khả năng thu hút đầu tư các dự án quy mô và có chất lượng”, ông Sơn chia sẻ.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được xây dựng tại xã Hòa Liên và xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), có tổng diện tích quy hoạch hơn 1.128ha, trong đó, có 6 phân khu chức năng, gồm: Khu sản xuất, Khu R&D (nghiên cứu và phát triển), Khu hậu cần - logistics - dịch vụ, Khu nhà ở, Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối và Khu hành chính. Đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1, giai đoạn 2 và đang triển khai giai đoạn 3. Lũy kế đến hết năm 2020, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 22 dự án, trong đó có 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 6.291 tỉ đồng và 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu đô la Mỹ. |
Xem thêm: lmth.tahn-ym-ut-uad-ahn-tuh-uht-cul-on-gnan-ad/900413/nv.semitnogiaseht.www