Dự án nhiệt điện giúp Nhật dẫn đầu vốn ngoại vào Việt Nam đầu năm 2021
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Tính đến ngày 20-2 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỉ đô la Mỹ, trong đó Nhật Bản dẫn đầu chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư. TPHCM, Hà Nội, Bình Dương lọt khỏi tốp 3 thu hút đầu tư trong khi Cần Thơ tạm vươn lên dẫn đầu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu số vốn ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Hùng Lê |
Theo báo cáo nhanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỉ đô la, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỉ đô la, tương ứng giảm 74,8% và giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Về vốn điều chỉnh, có 115 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,61 tỉ đô la, tương ứng giảm 23,8% và tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 71,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 543,1 triệu đô la, giảm 34,4% so với cùng kỳ.
Theo đối tác đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 1,64 tỉ đô la, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy, sau một thời gian bị mất ngôi vương dẫn đầu số vốn đầu tư vào Việt Nam, giờ đây nhà đầu tư Nhật Bản bắt đầu gia tăng vốn trở lại để dẫn đầu số vốn cam kết vào Việt Nam.
Trong năm 2020, cả nước có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỉ đô la; Hàn Quốc đứng thứ hai đạt trên 3,9 tỉ đô la; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 đạt 2,46 tỉ đô la. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… |
Bên cạnh những nhà đầu tư hiện hữu gia tăng vốn vào Việt Nam thì trong tháng 2 này, Nhật Bản còn có dự án liên danh thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II ở TP Cần Thơ giữa Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietrancimex) vốn khoảng 1,3 tỉ đô la. Đây cũng là dự án có vốn đăng ký cao nhất trong 2 tháng đầu năm nay được cấp phép đầu tư.
Lần này, nguồn vốn đầu tư đăng ký từ Singapore xuống vị trí thứ hai với tổng vốn đạt 1,07 tỉ đô la, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 đô la, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ,…
Nhật Bản dẫn đầu nguồn vốn ngoại cam kết vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Bên cạnh sự "đảo ngôi" về vị trí quốc gia có nhà đầu tư cam kết vốn nhiều thì vị trí các địa phương dẫn đầu thu hút vốn ngoại trong 2 tháng đầu năm nay cũng thay đổi so với trước đây.
Nếu TPHCM, Hà Nội, Bình Dương,... trong nhiều năm qua luôn nằm trong tốp dẫn đầu vốn cam kết của nhà đầu tư ngoại thì hai tháng đầu năm nay những địa phương này đều không có trong danh sách tốp 3 vốn đăng ký dẫn đầu. |
Cụ thể do dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Ô Môn II đặt ở thành phố Cần Thơ nên đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long này đã vượt qua nhiều tỉnh thành khác để dẫn đầu với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.
Đây cũng là lần hiếm hoi mà Cần Thơ đã dẫn đầu vốn ngoại cam kết, đạt 1,31 tỉ đô la, chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 2 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu này của Cần Thơ theo giới phân tích khó có thể được giữ bền lâu vì vốn ngoại vào Cần Thơ hiện vẫn chưa nhiều so với các địa phương khác như TPHCM, Hà Nội và các tỉnh xung quanh của hai thành phố này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 918 triệu đô la, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư. Bắc Giang đứng thứ ba với gần 573 triệu đô la, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Thời gian này, vốn ngoại cam kết vào TPHCM còn thấp hơn cả Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỉ đô la, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,44 tỉ đô la, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 485 triệu đô la và gần 153 triệu đô la. |