Nhiều người hẳn đã nghe đến câu "Thành Rome không được xây trong một ngày". Nhưng các nhà đầu tư nên chú ý đến vế thứ hai của thành ngữ này: "Nhưng Rome bị thiêu rụi chỉ trong một hôm".
Ngay cả những nhà đầu tư nổi tiếng nhất cũng từng bị "cháy tài khoản" một hoặc vài lần trong quá trình xây dựng đế chế của họ.
Nhìn về mặt tích cực, sai lầm của các huyền thoại Phố Wall có thể mang đến bài học cho nhà đầu tư thông thường. Dưới đây là tổng hợp của tờ Money Wise về những sai lầm đau đớn nhất của các nhà đầu tư nổi tiếng.
Warren Buffett
Hối hận: Mua công ty của chính mình
Warren Buffett lần đầu tiên đầu tư vào Berkshire Hathaway vào năm 1962. Khi đó Berkshire chỉ là một công ty dệt đang bên bờ vực phá sản. Ông nhìn thấy cơ hội kiếm lời từ việc ngày càng nhiều nhà máy đóng cửa và quyết định tích trữ cổ phiếu này.
Vài năm sau CEO Berkshire đưa ra đề nghị mua lại cổ phiếu từ Warren Buffett và hai bên thống nhất về giá. Nhưng khi văn bản được gửi đến qua thư, giá vị CEO đưa ra thấp hơn 1/8 điểm so với mức hai người đồng ý trước đó. Warren Buffett nổi giận và quyết tâm mua thêm cổ phiếu, giành quyền kiểm soát công ty để sa thải kẻ gian dối. Rốt cuộc, ông tự trói chân mình vào một công ty đang thất bại.
Warren Buffett ước tính sai lầm này khiến ông mất 200 tỷ USD trong 45 năm tiếp theo.
Bài học: Đừng để cảm xúc lấn át lý trí
Warren Buffett, người nổi tiếng với phương pháp đầu tư giá trị chậm và ổn định, đã để cơn nóng giận làm ông bỏ lỡ hàng trăm tỷ USD. Ngày nay, Warren Buffett khuyên những người mới tham gia thị trường chứng khoán chỉ rót tiền cho những công ty họ tin tưởng và tập trung phát triển danh mục đầu tư với cái nhìn dài hạn.
Jim Cramer
Hối hận: Bán cổ phiếu ông tin tưởng
Jim Cramer là cựu giám đốc quỹ đầu cơ, người dẫn chương trình chứng khoán nổi tiếng Mad Money của CNBC. Năm 2012, quỹ ủy thác từ thiện của ông quyết định mua cổ phiếu hãng bán lẻ Bed, Bath & Beyond. Cramer đã nghiên cứu, tin tưởng công ty này và mua vài nghìn cổ phiếu.
Trong giai đoạn này, các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải vật lộn để cạnh tranh với Amazon và nhiều nhà quan sát lo rằng Bed, Bath & Beyond sẽ sớm lụi tàn. Cramer vẫn nắm giữ số cổ phiếu của ông dù giá liên tục sụt giảm.
Nhưng Cramer đổi ý khi giá Bed, Bath & Beyond rớt xuống thấp hơn nhiều giá ông mua vào. Đến lúc này, Cramer quyết định cắt lỗ. Sau một thời gian, cổ phiếu này quay trở mức giá ông mua vào và tăng hơn thế nhiều.
Bài học: Giữ vững quan điểm của mình
Cramer cho biết nếu ông kiên gan hơn thì cổ phiếu này đã trở thành khoản đầu tư sinh lời nhất cả năm của quỹ ủy thác.Thử tưởng tượng khoản lãi của Cramer sẽ khủng đến đâu nếu ông nắm giữ Bed, Bath & Beyond cho đến khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên Reddit kéo cổ phiếu này tăng điên cuồng hồi đầu tháng 2.
Giờ đây, Cramer khuyên những người theo dõi ông kiên định với niềm tin của bản thân. Nếu bạn đã nghiên cứu kỹ và thật sự tin tưởng về một cổ phiếu, đừng bỏ cuộc dù cho số đông nghĩ khác. Rất có thể bạn mới là người đúng.
Suze Orman
Hối tiếc: Bán Amazon
Nữ phù thủy tài chính Suze Orman lần đầu mua Amazon vào năm 1997 chỉ vì thích tên công ty. Vài năm sau, khi Amazon bắt đầu cất cánh, Orman bán hết lượng cổ phần bà sở hữu. Dù khoản lãi thu về không hề nhỏ nhưng bây giờ Orman nói rằng bà cảm thấy tiếc đến phát ốm mỗi khi nghĩ về giá trị của số cổ phiếu này hiện nay.
Bài học: Đừng rút chân sớm
Orman thường không khuyên mọi người mua từng cổ phiếu riêng lẻ, nhưng bà nói rằng nếu một cổ phiếu thực sự tốt thì bạn nên nắm giữ nó trong thời gian dài.
Dave Ramsey
Hối tiếc: Cách sử dụng nợ
Dave Ramsey là doanh nhân, nhà tư vấn tài chính và tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về quản lý tài chính cá nhân, dạy mọi người cách tiết kiệm và đầu tư.
Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 12 tuổi, nhưng sau 15 năm, mọi chuyện bắt đầu đổ vỡ. Trong những năm đầu của độ tuổi 20, Ramsey kiếm được những khoản tiền đáng kể từ việc kinh doanh bất động sản, nhưng ông dựa vào vay nợ để tài trợ các khoản đầu tư.
Khi chủ nợ lớn nhất của Ramsey bị thâu tóm, ngân hàng mới yêu cầu Ramsey thanh toán nợ nần trong vòng 90 ngày. Khi đó Ramsey nợ ngân hàng này hơn 1 triệu USD. Ông cố gắng giải quyết nhưng cuối cùng vẫn còn gần 400.000 USD nợ quá hạn. Ở độ tuổi 28, Ramsey phải nộp đơn xin phá sản. Sự kiện này khiến ông "trắng tay và tan nát".
Bài học: Xây dựng "mạng lưới an toàn"
Sau khi nộp đơn phá sản, Ramsey thay đổi cách tiếp cận đầu tư. Ông vẫn đầu tư vào bất động sản nhưng không dựa vào nợ. Ông khuyên nhà đầu tư tránh vay nợ, xây dựng quỹ khẩn cấp để dành cho hưu trí và làm việc với cố vấn tài chính.