Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và một số địa phương sáng 24-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Theo ông Long, kết quả giải trình tự gen của bệnh nhân người Nhật Bản (tử vong trong khách sạn ở Hà Nội) và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể nhóm 20C của virus SARS-CoV-2.
“Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Đoàn Loan và Ấn Độ. Tốc độ lây nhiễm không cao nhưng cần lưu ý vì mức độ tăng nặng chưa rõ ràng” – ông Long nói và giải thích đó là lý do tại sao Bộ Y tế nói rằng có những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng và có thể lây nhiễm.
Còn chùm ca bệnh ở Hải Dương, ông Long cho biết đây là chủng lưu hành phổ biến ở nước Anh. “Đã tiến hành xét nghiệm và phân lập virus với 28 mẫu của Hải Dương và 8 mẫu ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, đối với TP Hải Dương chúng tôi phát hiện ra mẫu là chủng của Nam Phi và đang xét nghiệm diện rộng để xem tại sao lại có chủng này ở TP Hải Dương” – ông Long nó.
Cũng theo ông Long, sau khi phát hiện ra mẫu chủng của Nam Phi Bộ Y tế đã trao đổi với Bí thư tỉnh Hải Dương để khoanh vùng, cách ly và triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
“Qua hai trường hợp này, chúng tôi nhận định rằng việc các mầm bệnh có thể vẫn tồn tại trong cộng đồng. Cho nên phải luôn luôn nâng cao các giải pháp phòng chống dịch” – ông Long nói.
Như vậy, đây là biến thể virus Corona thứ 5 được ghi nhận tại Việt Nam. Các chủng được ghi nhận trước đó gồm biến thể từ Anh (ghi nhận trên bệnh nhân COVID-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh), biến thể từ Nam Phi (ghi nhận đầu tiên trên chuyên gia nhập cảnh Sân bay Nội Bài) và biến thể từ Rwanda (ghi nhận trên các ca bệnh làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất).