Người dân đi lễ trong khuôn viên chùa Ngọc Hoàng (Q.1, TP.HCM) ngày đầu xuân theo hướng dẫn nhằm hạn chế tiếp xúc đông người - Ảnh: THANH HẰNG
Chúng tôi ở Hội An, Quảng Nam. Như một nét văn hóa của gia đình, bao năm chúng tôi vẫn đi xin lộc mỗi sáng mùng 1 tết. Năm nay đã khác, không còn suy nghĩ sau giao thừa, xuất hành đầu năm nhất định phải cùng nhau đi xin lộc để mong cho tâm được an.
Chúng tôi hành lễ ở nhà, giờ phút nghiêm cẩn, tôi thầm nhủ lòng biết ơn vì cả nhà được khỏe mạnh, an ổn bên nhau và nguyện chăm chút nhiều hơn cho đức tin của mình bằng hành động mỗi ngày.
Người quê tôi, bạn bè tôi cũng chọn cách tương tự vậy. Kể cả việc phát tâm từ thiện giờ cũng chuyển đổi phương cách. Thông qua lời kêu gọi của một người bạn, nhóm bạn tôi cùng nhau hỗ trợ một hoàn cảnh thương tâm đang chống chọi với hệ lụy của bệnh uốn ván.
Chúng tôi thường chọn cách hướng đến những ai đó đang cần được cộng đồng tiếp sức. Việc làm phước thiện ý nghĩa nhất khi cùng nhau khuyến khích người người san sẻ những điều thiết thực đến người thật việc thật. Vì Covid chúng tôi chỉ cần đồng tâm, không cần tụ tập.
Năm nay, người quê tôi phần nhiều đã chọn phút giao thừa lặng lẽ tại gia. Một cuộc vui bất cẩn có thể phải trả giá bằng sự bất tiện, nỗi lo âu với hàng nghìn, hàng triệu người.
Đã trải qua phong tỏa, giãn cách xã hội 3-6 tuần hồi tháng 7-2020, người Hội An, Đà Nẵng ai nấy đều thận trọng, nhất là thời gian nhiều tỉnh thành khác dịch bùng phát mạnh. Thay đổi các kiểu cúng, lễ đầu năm, không tụ tập chính là cách cầu bình an thời dịch bệnh.
Những cơ sở tôn giáo lớn nhỏ trong thành phố đều không còn tình trạng chen chân không lọt như mọi năm. Gần đến rằm tháng giêng, mùa của những buổi lễ cầu an đầu năm cũng diễn ra yên ắng. Chính quyền địa phương đã đưa ra những quyết định hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động giải trí, tôn giáo, lễ hội để không chỉ người dân và các tổ chức dân sự được nắm rõ và tuân theo.
Theo đó, tục cúng xóm đầu năm năm Tân Sửu đến 13-14 âm lịch quê tôi cũng thay đổi tích cực. Theo tục lệ xưa nay, bà con lối xóm cùng nhau chuẩn bị lập bàn thờ cúng ơn trên, chư vị linh thiêng của xóm, rồi sau đó cùng ngồi lại với nhau chung vui dịp đầu năm. Càng về sau càng biến tướng thành dịp nhậu nhẹt, hát karaoke inh ỏi, nhiều năm nhưng chưa dẹp được.
Năm nay không còn cảnh những ngả đường được khoanh lại, kê bàn, đặt lễ, trước cúng sau nhậu diễn ra rầm rộ ở mọi thôn xóm từ mùng 10 tháng giêng như mọi năm.
Nhiều bạn bè tôi ở TP.HCM và các đô thị khác năm nay cũng đã không đến chùa, nhà thờ thắp hương tro cốt người thân do nhiều cơ sở tôn giáo tự hạn chế đông người mùa dịch. Mùa Covid, việc hướng đến người đã khuất được quy về việc của mỗi nhà vốn dĩ lúc nào cũng đã hướng đến trong mâm cơm tất niên.
Hơn lúc nào hết, tình làng nghĩa xóm được giữ bằng những lời chào hỏi mỗi buổi chiều cùng nhau tưới rau, làm vườn, người cách người mươi mét, nhìn nhau qua cái khoảnh sân thay vì chén chú chén anh trên bàn nhậu vẫn đủ ấm lòng năm mới.
Đừng lo rằng người Việt vì thế sẽ xa mặt cách lòng, nét văn hóa chăm nhau vẫn còn đó. Như kiểu nhờ dịch mà mọi người bắt đầu ý thức hơn về vệ sinh như việc có một đôi đũa dùng chung trên bàn ăn gặp mặt ngày xuân, nhắc nhau rửa tay, cùng đeo khẩu trang nơi công cộng... ấy là biết quan tâm đến người khác.
TTO - Đó là dặn dò của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và chúc tết bà con tỉnh Quảng Nam sáng 6-2. Thủ tướng dặn dò người dân vui xuân đón tết xong phải tổ chức sản xuất ngay.
Xem thêm: mth.73032930152201202-aig-iat-el-hnah-gneig-gnaht/nv.ertiout