Tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 được dự báo sẽ khó bứt tốc khi cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp chững lại do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng với mức lợi nhuận khủng. Vậy tăng trưởng của ngân hàng dựa vào đâu?
CẦU TÍN DỤNG VẪN TRONG XU HƯỚNG GIẢM
Báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố của VPBank cho thấy, lãi trước thuế cả năm 2020 của công ty cho vay tài chính FE Credit đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 16,3% so với năm 2019. Trong năm qua, doanh số giải ngân của FE Credit đạt 63.000 tỷ đồng, giảm khoảng 14%. Mặc dù giải ngân giảm song FE Credit đóng góp tới 28,5% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng.
Không chỉ là sự sụt giảm trong các công ty cho vay tài chính có phần sở hữu của các ngân hàng, dư nợ tín dụng tiêu dùng trong chính các ngân hàng cũng sụt giảm đáng kể. Tại OCB, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm qua tăng thấp, chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng dư nợ. Đại diện OCD cho biết sự sụt giảm này một phần do thực hiện tái cấu trúc phân khúc khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, một phần do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, nên nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng bị hạn chế.
Điều đáng nói, không chỉ mảng tín dụng tiêu dùng cho các khách hàng cá nhân bị giảm sút, tín dụng chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động do đứt gãy nguồn nguyên liệu, thực hiện giãn cách xã hội hay khó khăn trong xuất khẩu. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và bùng phát đợt dịch mới, nhiều chuyên gia lo ngại cầu tín dụng nhiều khả năng vẫn chững lại khi nhu cầu vay từ cả khu vực khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp cùng giảm. Điều này dự báo sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của khu vực ngân hàng trong năm 2021.
NHIỀU NGÂN HÀNG VẪN ĐẶT MỨC LỢI NHUẬN CAO
Tuy vậy, công bố về kế hoạch kinh doanh năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn đặt ra mức lợi nhuận kỳ vọng. Vietcombank cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2020, tín dụng tăng 12% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho hay, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20% và tín dụng tăng 8-11%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Tương tự, các ngân hàng khối thương mại cổ phần cũng đặt ra nhiều kỳ vọng về chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2021. Chẳng hạn như OCB, ngân hàng này dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng khoảng 15%, đạt 5.560 tỷ đồng. Dù xác định nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài song với mức lợi nhuận trước thuế 4.414 tỷ đồng trong năm 2020, OCB cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 vẫn khả quan khi kinh tế vẫn được duy trì ổn định nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
Hay như LienVietPostBank, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cho rằng bước sang năm 2021, dù còn nhiều thách thức mới ở phía trước, nhưng với thế và lực mới cũng như nền tảng vững chắc, dự báo ngành ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục có tăng trưởng khả quan. Theo đó, mục tiêu lợi nhuận của LienVietPostBank cũng được kỳ vọng tăng trưởng.
Ngoài ra, MBBank cũng đặt mục tiêu kinh doanh 2021 với mức tăng khá cao với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 25-30% so với năm 2020, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng khoảng 15% lên 545.000 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước) giao, nhưng phấn đấu ở mức cao nhất, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%...
LỰC ĐẨY NÀO CHO TĂNG TRƯỞNG?
Trong bối cảnh cầu tín dụng đang có xu hướng chững lại do những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khu vực ngân hàng vẫn được đánh giá là sẽ có những lợi thế nhất định so với phần còn lại. Song với mục tiêu tăng trưởng khá cao giữa lúc khó khăn, đâu sẽ là lực đẩy cho mức tăng trưởng này?
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tăng trưởng kinh tế vẫn khó dự báo khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong khi nguồn cung vaccine còn hạn chế so với nhu cầu. Vì vậy, nhu cầu vay vốn sẽ chững lại, ít nhất là cho tới nửa đầu năm nay khi doanh nghiệp phục hồi một phần sản xuất. "Theo đó, tăng trưởng của khu vực ngân hàng sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự dịch chuyển của ngân hàng để phù hợp với bối cảnh và khoản thu từ phí dịch vụ", ông Hiếu cho biết.
Còn theo ông Huỳnh Ngọc Huy, ngân hàng sẽ tập trung đẩy mạnh quản trị tín dụng tốt, chú trọng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo ra "rào chắn" an toàn khi Thông tư 01 hết hiệu lực, thậm chí lợi nhuận còn có thể được cộng thêm nhờ hoàn nhập dự phòng.
"Năm 2021, LienVietPostBank sẽ triển khai các gói tín dụng, sản phẩm cho vay phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng", ông Huy nói. Ngoài ra, để đón đầu xu thế trong lĩnh vực ngân hàng, năm 2021, LienVietPostBank tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng, tiện ích ưu việt trên nền tảng ngân hàng số.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những ngân hàng đang "nổi" về chuyển đổi số, có nhiều bước thành công trong chuyển đổi số thời gian qua có thể gọi tên như: TPBank, MB, VPBank, Vietcombank... sẽ là những ngân hàng có lợi thế trong cạnh tranh, có động lực tăng trưởng trong năm 2021.
Bên cạnh đó, những nhà băng có lĩnh vực bán lẻ, bán chéo các sản phẩm dịch vụ tốt, đặc biệt là Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), cũng sẽ có những lợi thế trong kinh doanh năm nay. Trong năm qua, thu nhập từ mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh, tuy nhiên thu nhập lãi ngoài lại đột phá, nhờ đó lợi nhuận cả năm của nhà băng vẫn tăng trưởng cao.
Chẳng hạn như VietinBank là ngân hàng có con số tăng trưởng đột biến với thu nhập ngoài lãi đột phá ở mức 32,5% so với cùng kỳ năm 2019. Theo tính toán được SSI Research đưa ra, VietinBank có thể thu 350 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với Manulife được ký kết vào cuối năm 2020. Hay như Vietcombank, ngân hàng này đang hoạch toán những khoản lợi nhuận phát sinh từ hợp đồng bancassurance trị giá khủng so với trên toàn ngành mà họ cùng FWD đã ký kết trong năm 2020. Dự tính con số này có thể lên tới gần 1 tỷ USD.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, trong chiến lược những năm tới, ngân hàng vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu và sửa đổi một số sản phẩm như cho vay cầm cố bất động sản, cho vay kinh doanh hộ gia đình.
"Điểm mới nữa, năm 2021, ngân hàng sẵn sàng có cơ chế mở thông thoáng hơn tạo điều kiện để khách hàng dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chủ động giảm lãi suất để cạnh tranh, giữ chân khách hàng. Song song với đó là mở rộng mạng lưới kinh doanh. Điều này sẽ góp phần giúp tăng trưởng năm 2021 của ngân hàng được duy trì", ông Tùng nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.96404440052201202-1202-nauhn-iol-oav-nit-ut-nav-gnah-nagn-cot-tub-ohk-gnud-nit/nv.ymonocenv