vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều vật tư tiếp tục bị tráo

2021-02-25 12:55

BÀN GHẾ CHỈ LÀ GỖ XẤU VÀ SẮT

Một giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm đưa chúng tôi qua mấy chục phòng học, toàn bộ bàn ghế có khung bằng sắt hộp mỏng sơn xanh, chỉ mặt bàn ghế là bằng gỗ. "Khung sắt mỏng nên ngồi không vững và có lẽ cũng không bền. Sau ít năm không khéo lại phải thay mới còn không học sinh ngồi bị té”, giáo viên than thở.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước khu vực V ngày 28-10-2020 đã phát hiện "bàn ghế chất lượng không đạt theo thiết kế, hợp đồng đã ký”. Cụ thể, thiết kế gỗ Thao Lao thuộc nhóm III nhưng thực tế qua kiểm toán "giám định 4 mẫu bàn ghế là gỗ Gáo Trắng, nhóm VIII và gỗ Bạch Dương, nhóm VII". Tổng trị giá 2.285 chiếc bàn ghế gỗ theo thiết kế là 2.070.744.000 đồng, dù đã thay khung sắt nhưng vẫn nghiệm thu thanh toán giá gỗ.

Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 TP.Cần Thơ (gọi tắt là Ban 2). Vụ việc bị phát hiện, Giám đốc Ban 2 Nguyễn Chí Hùng giải thích, bàn ghế có mấy nghìn cái, giám sát thi công kiểm tra không xuể để lọt mấy mẫu gỗ xấu là khó tránh khỏi, khi phát hiện sẽ buộc nhà thầu khắc phục. Thế nhưng bây giờ phát hiện bàn ghế thay khung gỗ bằng khung sắt. Nhà trường và đơn vị kiểm toán có cho biết không được tiếp xúc đầy đủ hồ sơ thiết kế nên không phát hiện sớm hơn sự tráo đổi nghiêm trọng này.

Trong hồ sơ, "Hợp đồng cung cấp lắp đặt thiết bị” ký ngày 8-11-2017 giữa Giám đốc Hùng với Liên danh nhà thầu (Cty TNHH hai thành viên Sản xuất Thương mại Dịch vụ DAZHU và Cty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Thành Phát) trị giá 4,49 tỷ đồng thì hầu hết bàn ghế học sinh, giáo viên và bàn vi tính đều bằng gỗ Thao Lao (chỉ một ít bàn ghế đơn lẻ là bằng đá, sắt, nhựa hoặc nệm bọc da). Số lượng nhiều có 680 cái bàn học sinh "bàn làm bằng gỗ Thao Lao, khung bàn gỗ", 1.360 cái ghế học sinh đơn "khung gỗ", 40 bàn giáo viên và 30 bàn vi tính giáo viên "bằng gỗ Thao Lao"...

Bàn ghế học sinh thiết kế hoàn toàn bằng gỗ nhưng làm khung bằng sắt

Ngày 20-3-2019, "Biên bản nghiệm thu hoàn thành cung cấp lắp đặt thiết bị đưa vào sử dụng" ký giữa lãnh đạo Ban 2 và Liên danh nhà thầu có phần "Đánh giá về chất lượng" đã ghi "đúng theo thiết kế". Phần này còn ghi rõ "kiểm tra chứng chỉ xuất xưởng; xuất xứ tất cả máy móc thiết bị bàn ghế do liên danh nhà thầu lắp đặt thiết bị vào công trình". Trong khi thực tế, khung bàn ghế làm bằng sắt. Việc thanh toán cũng được thực hiện theo hợp đồng đã ký là bàn ghế bằng gỗ.

TRÁO NHIỀU VẬT TƯ XÂY DỰNG

Hiện ở Ban 2 có nhiều đơn thư của tập thể và cá nhân gửi nhiều nơi đề nghị làm rõ việc tráo vật tư trong xây dựng lại Trường THPT Châu Văn Liêm. Một vị lãnh đạo Ban 2 cho biết, mới đây nhất, giữa tháng 2-2021 nhận được công văn của phòng chuyên môn nêu 14 chủng loại vật tư bị tráo, từ chất lượng cao sang chất lượng thấp. Chẳng hạn, từ thép mạ kẽm sang thép đen, ngói Vĩnh Xuân sang ngói Đồng Nai, xi-măng Hà Tiên sang xi-măng Cần Thơ, ống nhựa Bình Minh sang ống nhựa Đồng Nai, gạch men Taicera sang gạch men Viglacera.

Tại công văn "Đề xuất bổ sung chủng loại vật tư” ngày 26-9-2017 của Liên danh thi công xây lắp (Cty TNHH Xây dựng Thương mại Vạn Thịnh Phát và Cty Cổ phần Xây dựng Trần Gia) đề nghị thay đổi 30 chủng loại vật tư. Bên cạnh những vật tư mà phòng chuyên môn của Ban 2 vừa nêu trên, còn có cả cát, đá, gạch bê-tông tự chèn, tôn lợp, cửa nhôm, ống điện, dây cáp điện... Chẳng hạn "thương hiệu theo hồ sơ dự thầu" là đá Cô Tô sang "thương hiệu đề xuất bổ sung" đá Vũng Tàu; tôn lợp Đông Á, Hoa Sen sang Motilen, Jacs, Phương Nam; cửa nhôm Tungsin, Ynghua sang Tiger, CS.

Trong lúc các "thương hiệu theo hồ sơ dự thầu" vốn được Liên danh thi công đăng ký cụ thể khi trúng thầu. Vào ngày 10-5-2017, Liên danh thi công xây lắp có "Bảng đăng ký vật tư, thiết bị cung cấp cho công trình" với 23 chủng loại vật tư của các thương hiệu chất lượng và ghi thêm là "loại 1". Thế nhưng, chỉ 4 tháng sau, Liên danh thi công đã đề nghị bổ sung các thương hiệu kém hơn để tráo đổi. Một số vật tư được Ban 2 cho thay đổi, đơn cử, đổi thép mạ kẽm sang thép đen được Ban 2 chấp thuận bởi Công văn số 44/BQLDA2-BĐH ngày 6-6-2018.

Việc thay đổi chủng loại vật tư khi thực hiện so với thiết kế và đấu thầu như trên, theo chuyên gia quản lý đầu tư xây dựng, dù nhà thầu tự ý hay được Ban 2 chấp thuận đều là "tráo đổi" không được phép. Bởi lẽ, dự án này được UBND TP.Cần Thơ phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán công trình ngày 17-4-2017 bằng Quyết định số 1055/QĐ-UBND. Quá trình thi công, muốn thay đổi, phải báo cáo UBND TP.Cần Thơ tổ chức thẩm định, phê duyệt lại, mới được thực hiện. Và đã thực hiện sự thay đổi, khi nghiệm thu quyết toán phải theo quyết định phê duyệt lại, làm khác đi là vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công.

Một câu hỏi đang được đặt ra, tại sao xảy ra tráo vật tư lớn như vậy mà quá trình thực hiện, quyết toán và cả kiểm toán hầu như không phát hiện? Dư luận nghi vấn, ai đứng đằng sau sai phạm tại Ban 2 nên nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự lại chỉ xem xét xử lý hành chính? Trong khi hàng loạt tiêu cực xảy ra tại ban chưa giải quyết dứt điểm thì có quyết định giải thể để "chìm xuồng". Rất mong cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý theo đúng pháp luật.

Cần Thơ: Hàng loạt sai phạm trong dự án trùng tu ngôi trường 100 tuổi
(CATP) Kiểm toán Nhà nước khu vực V vừa có thông báo kiểm toán về việc sử dụng ngân sách Nhà nước năm 2019 của TP.Cần Thơ. Ngoài nhiều vấn đề có liên quan, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc thực hiện Dự án (DA) trùng tu ngôi trường Châu Văn Liêm thuộc quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. DA sai sót từ khi thực hiện cho đến khi xây dựng.
 
Thiện Thảo - Ngọc Huyền

Xem thêm: lmth.388701_oart-ib-cut-peit-ut-tav-ueihn/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Nhiều vật tư tiếp tục bị tráo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools