Bảo hiểm xe lại gặp khó
Trong quý I/2023, thị trường ghi nhận lượng xe mới bán ra giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước vì nhiều nguyên nhân nhu cầu mua xe tập trung vào tháng 12/2022 cũng là tháng kết thúc chương trình hỗ trợ 50% đối với xe lắp ráp trong nước; nửa cuối tháng 1/2023 trùng với kỳ nghỉ Tết dài ngày…
Còn theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2023 giảm 22% so với thời điểm cuối năm 2022, trong đó xe ô tô du lịch giảm 26%; xe thương mại giảm 5%; xe chuyên dụng giảm 48%...
Lượng xe hơi bán mới trong quý đầu năm giảm mạnh khiến tình hình khai thác doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới gặp khó khăn. Chưa có số liệu thống kê chính thức toàn thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ước tính mức giảm trong quý I/2023 là hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử, tại PTI - hãng bảo hiểm có thị phần lớn nhất nhì thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, doanh thu nghiệp vụ này ước giảm hơn 10% trong quý I/2023. Bảo hiểm Bảo Việt cũng ước giảm tương tự. PJICO hay BIC ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng, nhưng chỉ ở mức dưới 10%...
Ngoài ra, việc tỷ lệ bồi thường của năm 2022 tăng lên khá nhanh buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải để phí bảo hiểm xe cơ giới ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới giảm trong quý đầu năm 2023. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cân đối khách hàng để đảm bảo cân đối thu chi bồi thường, thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận tăng phí bảo hiểm, “lựa chọn” khách hàng tốt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thay vì chạy theo doanh thu như trước.
Về sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tăng phí dựa trên căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe và năng lực chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp, mức tăng tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định, song rất ít doanh nghiệp bảo hiểm tăng phí ở dòng sản phẩm này, mà chủ yếu là ở bảo hiểm vật chất xe ô tô. Đây là dòng sản phẩm có sức cạnh tranh lớn nên tăng phí sẽ càng khó bán, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có cách thu hút khách hàng bằng các dịch vụ gia tăng khác. Theo quy định đối với phí bảo hiểm vật chất xe cơ giới, Bộ tài chính chỉ quy định mức phí sàn.
“Thực tế, phí bảo hiểm vật chất xe không hẳn tăng cao hơn, mà các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ giữ mức phí chuẩn, không giảm để cân đối thu chi bồi thường”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Nút thắt thủ tục bồi thường
Chưa có số liệu thống kê chính thức toàn thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ước tính mức giảm trong quý I/2023 là hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Bảo hiểm xe cơ giới luôn được coi là sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nên hầu hết đều muốn khai thác tối đa. Dù vậy, theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, chỉ tính riêng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, hiện mới có hơn 30% chủ xe mô tô, xe máy tham gia, tỷ lệ này đạt khoảng 90% đối với xe ô tô. Trong khi đó, đối với bảo hiểm vật chất xe ô tô, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng chỉ có khoảng 60-70% chủ xe mua để bảo vệ xe.
Vì thế, việc khơi thông dòng sản phẩm chủ lực này luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp phi nhân thọ, nhất là trong bối cảnh nhiều chủ xe phản ánh thủ tục bồi thường nhiêu khê và thời gian kéo dài là rào cản chính để họ mua sản phẩm.
Trên một diễn đàn về bảo hiểm xe cơ giới, một chủ xe kinh doanh taxi công nghệ kể, anh từng mua bảo hiểm vật chất (thân vỏ xe) 5-6 năm nay với tổng số tiền phí hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một lần yêu cầu bồi thường, phía bảo hiểm duyệt nhiều lần và đưa ra mức bồi thường hơn 4 triệu đồng, dù mức giá này thấp hơn so với báo giá sửa chữa của gara là khoảng 8 triệu đồng, nhưng anh phải mất nhiều thời gian làm thủ tục và tính cả thời gian xe nằm chờ bảo hiểm tới giám định thì chi phí cũng gần bằng con số mà gara đưa ra, nên hết năm anh quyết định không mua bảo hiểm vật chất xe nữa.
“Bảo hiểm vật chất xe phù hợp cho những tài xế mới, thường hay va quệt hoặc cho những xe có chi phí sửa chữa đắt, nên tùy vào nhu cầu mà chủ xe sẽ cân nhắc mua”, anh chia sẻ thêm.
Một chủ xe khác cho biết, dù đã sở hữu xe ô tô từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ mua bảo hiểm thân vỏ xe, mà chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.
“Về cơ bản, mua bảo hiểm tức là chấp nhận rủi ro. Tôi nghĩ bản thân đủ tỉnh táo để xử lý các tình huống trên đường nên không mua bảo hiểm vật chất cho xe”, vị chủ xe này nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không mua bảo hiểm mới là chấp nhận rủi ro, còn mua là hình thức kiểm soát rủi ro. Việc giải quyết hậu quả sau tai nạn khó hay dễ tùy theo từng công ty bảo hiểm. Mua bảo hiểm tự nguyện thân vỏ xe là để phòng ngừa rủi ro, nếu xe không gặp sự cố là điều tốt, nhưng không nhiều lái xe dám khẳng định mình lái xe luôn an toàn và sẽ không bao giờ xảy ra sự cố đáng tiếc…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề này, đại diện diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói rằng, khi mức phí và các sản phẩm bảo hiểm giữa các doanh nghiệp không có nhiều sự khác biệt thì chất lượng dịch vụ, chế độ chăm sóc khách hàng sẽ là yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm sẽ đầu tư mạnh hơn nữa vào công nghệ để minh bạch và đơn giản hóa quy trình bồi thường. Khi đó, khách hàng có thể tự tra cứu hồ sơ khi xảy ra tổn thất, thông tin và số tiền bồi thường được thông báo thường xuyên qua tin nhắn, giúp khách hàng chủ động nắm bắt…
Trong một diễn biến khác, liên quan tới việc giảm bớt thủ tục bồi thường bảo hiểm đối với xe máy, hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc để đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, một số giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ bồi thường bảo hiểm đối với xe máy được đưa vào dự thảo như bổ sung quy định giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro (trước đây không có quy định về giảm phí); mở rộng phạm vi chi hỗ trợ nhân đạo, bao gồm cả các trường hợp không thuộc phạm vi bảo hiểm; tăng mức hỗ trợ cho các trường hợp thương tật toàn bộ nhằm đẩy mạnh hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo, tăng cường hiệu quả chính sách; chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (theo quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm)…
Cùng với đó, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chuyển đổi công nghệ số trong thực hiện giám định tổn thất để đẩy nhanh thời gian giải quyết bồi thường bảo hiểm và bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ ghi âm cuộc gọi đến đường dây nóng… cũng sẽ giúp quy trình bồi thường bảo hiểm đơn giản và minh bạch hơn.