Sau một thời gian say mê với đà tăng giá mạnh mẽ của các loại tài sản nhờ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những gói kích cầu khổng lồ, giờ là lúc nhà đầu tư trên toàn cầu bừng tỉnh vì mối lo mới: lợi suất trái phiếu tăng và nguy cơ trở lại của lạm phát.
Lợi suất trái phiếu tính bằng tiền lãi trái phiếu hàng năm tính theo lãi suất cuống phiếu (coupon rate) chia cho giá trái phiếu. Khi trái phiếu hút vốn từ nhà đầu tư, giá trái phiếu tăng, thì lợi suất giảm; và ngược lại, khi trái phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh, giá trái phiếu giảm, lợi suất sẽ tăng. Tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên gần 1,4%, ngưỡng cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Điều này cho thấy trái phiếu - loại tài sản được ưa chuộng trong môi trường lạm phát thấp - đang mất đi sức hấp dẫn, đồng thời phản ánh kỳ vọng lạm phát đang gia tăng.
KINH TẾ HỒI PHỤC VÀ NỖI LO LẠM PHÁT
Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã bắt đầu từ cuối tháng 1, dẫn tới lo ngại rằng các điều kiện vay vốn sẽ dần bị thắt chặt, lãi suất sẽ nâng lên, đảo ngược môi trường tài chính thuận lợi mà các chính phủ và ngân hàng trung ương đã cố gắng tạo ra để đưa nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19. Triển vọng lạm phát và lãi suất như vậy cũng có thể chặn đứng xu hướng tăng kéo dài của thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là chứng khoán Mỹ - nơi cả ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq liên tục lập đỉnh cao mới thời gian gần đây.
Một cơ sở cho lợi suất trái phiếu tăng nhanh là kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc nhờ việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh trên diện rộng. Tuần trước, hãng dược Pfizer đã cam kết tăng gấp đôi lượng vaccine Covid-19 phân bổ cho Mỹ, dù hiện đang cung cấp 5 triệu liều vaccine mỗi tuần cho Chính phủ nước này. Loại vaccine Covid-19 chỉ cần tiêm một mũi của hãng dược Johnson & Johnson có thể sắp được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua, có tiềm năng trở thành một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Cùng với đó, hàng loạt quốc gia khác trên thế giới cũng đã phê chuẩn vaccine Covid và rục rịch đưa vào tiêm.
Kỳ vọng vào phục hồi kinh tế dựa trên vaccine vốn là một nhân tố quan trọng đưa chứng khoán toàn cầu tăng điểm suốt thời gian qua. Tuy nhiên, đây là một kỳ vọng mang tính chất hai mặt. Về lý thuyết, khi các hoạt động kinh tế tăng tốc, lạm phát sẽ tăng theo, buộc lãi suất phải tăng. Lãi suất tăng tạo ra nguy cơ mất giá đối với những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Kỳ vọng lãi suất tăng thể hiện ở lợi suất trái phiếu tăng.
Đến thời điểm này, kỳ vọng Mỹ sớm trở lại với các hoạt động kinh tế bình thường đã bắt đầu mang đến cho nhà đầu tư một lý do để đẩy nhanh những dự báo về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt nâng lãi suất đầu tiên từ ngưỡng 0-0,25% hiện nay.
"Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là một kết quả của kỳ vọng khởi sắc của nền kinh tế. Thách thức đặt ra đối với các tài sản rủi ro là giá các tài sản đã tăng quá nhiều và mức định giá tài sản đã bị đẩy lên quá cao", nhà phân tích Gregory Faranello thuộc AmeriVet Securities nói về nguy cơ mà lợi suất trái phiếu tăng đặt ra đối với thị trường chứng khoán.
Một số lãnh đạo ngân hàng trung ương đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ lo ngại về đà tăng của lợi suất trái phiếu. Đầu tuần này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói bà "đang theo dõi chặt chẽ đường đi của lợi suất trái phiếu dài hạn".
Chuyên gia kinh tế Peter Foley thuộc Credit Suisse cho rằng lạm phát sẽ tăng lên ở nhiều nền kinh tế lớn ngay trong mùa xuân năm nay. Trong đó, Mỹ có thể sẽ là nền kinh tế đứng trước sức ép tăng giá lớn nhất. "Kịch bản chính của chúng tôi là lạm phát tăng lên ở các nền kinh tế lớn sẽ không dẫn tới sự thay đổi lớn về chính sách tiền tệ trong trung hạn", ông Foley nhận định. "Nhưng nếu những rủi ro quan trọng trở thành hiện thực, mối lo lạm phát có thể trở nên lớn hơn nữa, và Fed có thể sẽ xem xét rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn dự kiến".
THỊ TRƯỜNG ĐANG "NHÁO NHÀO"
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ ngày 23/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra một góc nhìn bớt u ám hơn. Ông Powell bác bỏ những lo ngại cho rằng lạm phát sẽ bùng lên từ việc triển khai một gói kích cầu lớn tiếp theo, hay từ sự giải phóng nhu cầu đang bị dồn nén trong lúc ngày càng có nhiều người Mỹ được tiêm vaccine ngừa Covid. Khi được hỏi về đợt leo thang gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, ông Powell nói đó là "một sự khẳng định niềm tin" vào triển vọng kinh tế khởi sắc, chứ không phải vì nỗi lo lạm phát.
"Theo một cách nào đó, đây là một sự khẳng định niềm tin từ phía thị trường rằng chúng ta sẽ đến lúc có được một sự phục hồi mạnh mẽ và hoàn toàn", ông nói. "Tôi thực sự không cho rằng chúng ta đang ở trong một tình thế mà lạm phát tăng lên tới mức đáng lo ngại"
Một báo cáo của Cornerstone Macro nhận định, trong phiên điều trần này, ông Powell "tuyệt nhiên không đưa ra một tín hiệu nào rằng Fed đang nghĩ đến việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ đang rất mềm mỏng".
Nhưng dù Chủ tịch Fed có nói gì, các diễn biến trên thị trường toàn cầu đều cho thấy giới đầu tư đang "nháo nhào" vì kỳ vọng lạm phát tăng.
Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây đã có những phiên "run rẩy" khi lợi suất trái phiếu lập đỉnh, giá tiền ảo Bitcoin - một trong những tài sản hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp và kích cầu - sụt giá. Trái lại, giá hàng hóa cơ bản - một lớp tài sản thường được xem như công cụ tốt để chống lại lạm phát - tăng lên mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây. Giới đầu tư đang mạnh tay gom mua mọi thứ từ dầu lửa đến ngô với niềm tin vào sự bùng nổ của nhu cầu tiêu thụ hàng hàng hóa cơ bản.
Đầu tuần này, chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index đo diễn biến giá của 23 hàng hóa cơ bản đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2013 và đã tăng 67% kể từ khi rớt xuống mức đáy 4 năm vào tháng 3 năm ngoái. Trong đó, giá đồng đạt mức giá trên 9.000 USD/tấn lần đầu tiên trong 9 năm, giá dầu đạt đỉnh hơn 1 năm, giá cà phê và giá đường cũng đi lên.
Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase vào đầu tháng nói rằng hàng hóa cơ bản có vẻ như đã bắt đầu một siêu chu kỳ mới - một thời kỳ kéo dài trong đó giá hàng hóa sẽ cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn. Nhận định này trùng hợp với quan điểm của các tổ chức dự báo khác như ngân hàng Goldman Sachs. Trong vòng 100 qua, giá hàng hóa cơ bản đã trải qua 4 siêu chu kỳ như vậy. Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng sự leo thang của giá hàng hóa cơ bản sẽ là một câu chuyện lớn của cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Xem thêm: mth.57490226142201202-ym-cab-ohk-ueihp-iart-taus-iol-gnat-ad-ut-nihn-tahp-mal-po-oagn/nv.ymonocenv