Giả danh là những doanh nghiệp, nhà sản xuất đang tuyển cộng tác viên bán hàng hay mở các đại lý phân phối với cam kết lợi nhuận cao, trả lại hàng khi không bán được, sau khi tuyển được cộng tác viên các đối tượng lại đóng giá là những khách hàng đặt mua hàng với số lượng lớn.
Vì hàm lời mà nhiều người đã bị "xù" đơn hàng và phải ôm đống hàng kém chất lượng với trị giá hàng chục thậm chỉ hàng trăm triệu đồng. Thời gian gần đây, phóng viên VTV nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về hành vi trên.
Vài tuần trước, chị Trần Thanh Nga (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhận làm công tác viên bán hàng online cho một hãng mỹ phẩm trên mạng. Sau khi chuyển gần 300 triệu đồng tiền đặt cọc mua hàng, sản phẩm nhận về đều là hàng kém chất lượng và đối tượng cũng đã cắt liên lạc.
"Khi nhận hàng tôi cũng đã bỏ ra kiểm tra nhưng tất cả đều là hàng nhái", chị Nga nói.
Sau khi chuyển gần 300 triệu đồng tiền đặt cọc mua hàng thì sản phẩm chị Nga (phải) nhận về đều là hàng kém chất lượng.
Để làm cho con mồi tin, những đối tượng lừa đảo thường đăng lên Facebook, Zalo tuyển cộng tác viên, mở đại lý bán và phân phối hàng hóa online. Cộng tác viên chỉ cần đặt một số tiền cọc sẽ được nhận sản phẩm về bán.
Ngoài lợi nhuận thu được trong việc mua rẻ bán đắt, mỗi tháng cộng tác viên còn nhận được hàng chục triệu đồng từ tiền hoa hồng đại lý.
Anh Trần Ngọc Huấn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi đã nhập hàng về khoảng 700 - 800 triệu đồng nhưng tất cả đều không bán được cho ai".
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, hiện có khoảng 100 group đăng tải tuyển cộng tác viên, mở đại lý bán hàng online với sự tham gia của khoảng 90.000 người. Phần lớn những lời quảng cáo hấp dẫn để lôi kéo người tham gia. Sau đó các đối tượng lừa đảo đóng giả khách mua hàng với số lượng lớn để dụ cộng tác viên "sập bẫy". Khi nhận được tiền các công ty và khách hàng đều biến mất.
Hiện có khoảng 100 group đăng tải tuyển cộng tác viên, mở đại lý bán hàng online với sự tham gia của khoảng 90.000 người.
Trong 2 tháng gần đây, công ty luật hợp danh Thiên Thanh đã nhận hỗ trợ pháp lý của gần chục nạn nhân trong các vụ lừa đảo trên. Người ít thì vài chục triệu, nhiều lên đến cả tỷ đồng.
"Nó có dấu hiệu của tội lừa đảo hay tội lạm dụng. Những người làm đại lý phải nhập hàng giả hàng kém chất lượng thì còn ảnh hướng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người nếu họ cố tình tiêu thụ ra", Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh cho hay.
Cũng theo luật sư Truyền, một trong những dấu hiệu của cá đối tượng lừa đảo này là thường sử dụng sim rác để liên lạc, thông tin đăng tải không rõ ràng, giấy tờ không đầy đủ và đặc biệt là những cam kết lợi nhuận cao bất thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!