Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống quan trọng nhất trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử - Ảnh: Chinhphu.vn
Dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ "hồ sơ giấy" sang "hồ sơ điện tử".
Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính tại Hà Nội, 63 điểm cầu công an các tỉnh, thành phố và các điểm cầu kéo dài đến một số xã, phường tại Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng và TP.HCM.
Ngay sau khi bấm nút kích hoạt hệ thống sẽ là các hoạt động trải nghiệm dịch vụ tại một số điểm cầu. Lãnh đạo các bộ, ngành địa phương sẽ ký cam kết điện tử trong việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin.
Hai hệ thống trên khi chính thức đưa vào khai thác sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt của đất nước, giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ.
Tính sơ bộ toàn nền kinh tế, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai gần 370 tỉ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai tiết kiệm hơn 4.200 tỉ đồng/năm; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân tiết kiệm khoảng 246 tỉ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỉ đồng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống quan trọng nhất trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Để triển khai dự án, Bộ Công an đã bố trí 100% công an xã chính quy tại các địa bàn xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ chiến sĩ, qua đó nâng cao hiệu quả thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư. Đào tạo gần 24.000 cán bộ tại địa phương sử dụng hệ thống.
Ngày 3-9-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là thuận lợi cơ bản để lực lượng công an khẩn trương triển khai song song với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến trước ngày 1-7-2021 cấp 50 triệu thẻ đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ.
Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân sẽ lấy vân tay lăn thay cho vân tay phẳng, sử dụng thẻ chip điện tử vì tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn so với các loại khác, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng; đầu tư ứng dụng nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng tàng thư phòng chống tội phạm.
Đối với ứng dụng nhận dạng tròng mắt, ADN và giọng nói sẽ có thiết kế mở để khi điều kiện phù hợp sẽ thực hiện đầu tư.
Theo Luật cư trú (sửa đổi), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ chấm dứt vai trò khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.
TTO - Công an TP Hà Nội sẽ thành lập các tổ lưu động để triển khai cấp căn cước công dân trên toàn thành phố, từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học... cho đến các địa bàn dân cư từ ngày 1-1 đến 1-7-2021.