“Tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng với tầm nhìn chiến lược, vượt tầm giới hạn “tư duy nhiệm kỳ” của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đủ sức hội tụ nguyên khí quốc gia để tạo lập nên kỷ nguyên nông nghiệp thông minh vào dịp đất nước kỷ niệm 100 năm ngày độc lập (1945-2045)”- GS.TS.Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân - nhà nông học đẳng cấp quốc tế - chia sẻ.
* Khi đón nhận thông tin về sự kiện này, GS cảm xúc thế nào?
- GS.TS.AHLĐ Võ Tòng Xuân: Trước hết, với tư cách công dân, tôi rất vui vì lần đầu tiên Đảng ta đã mạnh dạn vượt qua tầm giới hạn “tư duy nhiệm kỳ” trong xây dựng nội dung văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc. Với tư cách là người làm công tác khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp, tôi càng vui hơn. Bởi tầm nhìn ra trông rộng này là “khung thời gian vàng” đủ sức hội tụ nguyên khí quốc gia để ngành đặc thù như nông nghiệp có điều kiện xác lập lộ trình, tạo ra cuộc bứt phá phát triển xứng tầm sự kiện lịch sử trọng đại Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu mới của xu thế phát triển xã hội đã được Chính phủ khởi động tích cực bằng Nghị quyết 120. Đó là xây dựng nền nông nghiệp thông minh.
* Nông nghiệp thông minh - có vẻ như đây là khái niệm không mới, thưa GS?
- Đúng là thời gian qua đã xuất hiện khái niệm này và có khá nhiều cách hiểu về “nông nghiệp thông minh”. Chính điều này đã làm chậm lại tiến độ...
Nhưng theo tôi, nói cách dễ hiểu, đó là sản xuất thông minh, tạo ra sản phẩm thông minh và phân phối thông minh. Thông minh ở đây được hiểu là phát huy tối đa trí tuệ để thực hiện công cuộc xây dựng nền nông nghiệp phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng... với mức đầu tư kinh phí thấp nhất. Nói cách khác là biết tận dụng lợi thế tự nhiên, lợi thế địa lý để chọn giống cây con phù hợp sinh thái, sinh học, thích ứng tự nhiên và nuôi, trồng theo quy trình sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn. Đặc biệt là việc tiêu thụ diễn ra theo nguyên tắc liên kết trách nhiệm và quyền lợi giữa người trồng, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
* Cụ thể là thế nào, thưa GS?
- Thời gian qua, chúng ta làm nông nghiệp với hạt lúa là trung tâm. Nói cách khác “tư duy lúa” đã ăn sâu vào ngóc ngách chính sách nông nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu khi chúng ta từ đi lên từ cây lúa.
Chỉ sau 14 năm (1975-1989), từ quốc gia thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo thế giới. Nhưng trong xã hội phát triển, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng nâng cao. Vì thế sẽ sai lầm lớn nếu cứ mãi tự mãn với thành tích này để tiếp tục việc trồng lúa mọi lúc, mọi nơi đến mức lại bất chấp lợi thế tự nhiên, lợi thế địa lý, thậm chí là đối đầu với thiên nhiên. Thay vì phát triển cây, con bản địa để cho ra đặc sản, bán được giá cao, nhưng chính cái tư duy... lúa “mọi lúc, mọi nơi” đã khiến nhiều địa phương đưa cây lúa lên vùng cao, hay ngọt hóa bằng mọi giá vùng ven biển để trồng lúa, thậm chí là phát triển lúa 2 vụ, 3 vụ... Điều này không chỉ “giết chết” thế mạnh cây bản địa, mà còn tiếp tay cho nạn lạm dụng hóa chất để điều khiển cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện môi sinh “lạ” không chỉ gặm nhấm lợi nhuận ít ỏi, bấp bênh của người trồng lúa mà còn làm khánh kiệt môi trường nông nghiệp. Thậm chí còn cuốn cả hệ thống chính trị vào giải cứu lúa gạo vì thường xuyên khủng hoảng thừa.
* Nhưng thưa GS, chúng ta chưa đủ giàu để mở rộng đầu tư sau khi đã dồn sức đầu tư cho lĩnh vực cây lúa.
- Đúng là chúng ta chưa giàu. Nhưng như đã trình bày, nông nghiệp thông minh là sử dụng các giải pháp ít tốn kém về tài chính, ít tác động đến môi trường, nhưng cho ra sản phẩm đáp ứng hưởng thụ ngày một khôn ngoan hơn của người tiêu dùng. Vì thế, trong trường hợp này, “chìa khóa” nằm chỗ xây dựng chính sách thông minh mà Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đặt nền móng hết sức quan trọng: Đó là tư duy sản xuất nông nghiệp thuận thiên. Do vậy, rất mong trong lần Đại hội này, Đảng ta sẽ sáng suốt bàn thảo, vạch ra lối đi để các địa phương, ban ngành triển khai thực hiện một cách quyết liệt, chiến lược...
* Cụ thể như thế nào, thưa GS?
- Thay vì kêu gọi Trung ương rót tiền làm biện pháp công trình như xây dựng hồ chứa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa - cây trồng đòi hỏi rất nhiều nước - vào mùa khô trong bối cảnh thiếu hụt nước ngọt thời biến đổi khí hậu toàn cầu, một cách đầy tốn kém và khó khả thi vì nhiều lý do giới hạn đất đai, ngân sách, nhưng hiệu quả lại không cao... tôi đề xuất nên áp dụng bằng biện pháp thông minh hơn, ít tốn kém, nhưng khả thi và hiệu quả hơn: Cơ cấu lại vùng nuôi trồng theo nguyên tắc thuận thiên.
Cụ thể, với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chia thành 3 vùng: Vùng ven biển - nhiều nước ngọt thuộc đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp... thì quy hoạch chuyên trồng lúa 3 vụ/năm để tạo ra lương thực cho cả nước. Vùng giữa thì lên liếp trồng cây ăn trái, có giá trị kinh tế cao. Hệ thống mương nhỏ bên dưới các liếp sẽ là tiểu vùng trữ nước cho mùa khô.
Vùng ven biển nên cơ cấu theo mô hình lúa - tôm. Tận dụng nước trong mùa mưa để trồng lúa, sau đó tận dụng rạ lúa như loại giá thể độc đáo để nuôi tôm vào mùa hạn. Cách làm này không chỉ đảm bảo hạn chế được chi phí đầu tư, nhưng lại mang đến giá trị cao cho nhà nông do không còn bị khủng hoảng thừa khi thu hoạch như sản xuất theo tư duy lúa mọi lúc, mọi nơi trong thời gian qua.
Riêng với miền Bắc, do thời tiết khắc nghiệt, địa lý đặc thù... Đồng bằng Sông Hồng cũng như các tỉnh miền núi không có nhiều lợi thế để trồng lúa như ĐBSCL. Nhưng bù lại, nơi đây có thế mạnh để trồng nhiều loại rau màu, cây ăn trái bản địa có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, nên mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang chuyên canh rau phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nguồn thu này sẽ dùng để mua gạo từ ĐBSCL được đầu tư gieo trồng chuyên canh với kỹ thuật an toàn...
* Nhưng nông sản Việt thời gian qua khó mở rộng đầu ra, liệu cách làm này có đưa nông dân đến tình cảnh khó khăn hơn vì khó bảo quản lâu như lúa, thưa GS?
- Đúng là nông sản Việt thời gian bị hẹp đầu ra cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có nhiều nguyên nhân, như chưa tạo sự an tâm cho khách hàng về an toàn vệ sinh thực phẩm... nhưng sâu xa là do ảnh hưởng tư duy sản xuất nông nghiệp nặng về phong trào. Tâm lý chạy theo phong trào đã khiến nhiều địa phương triển khai nuôi trồng bất chấp sự thích ứng tự nhiên.
Và việc dùng biện pháp hóa học để bù đắp cho sự khác biệt sinh thái đó là nguyên nhân hình thành thói quen bón phân, thuốc không cân đối, bón thừa đạm... khiến nông dân vừa tiêu tốn nhiều tiền mà sản phẩm lại kém an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này không chỉ “thải” vào môi trường lượng lớn hóa chất “thừa” mà còn trực tiếp buộc cây trồng phải vắt kiệt lòng đất để tự cân đối những vi chất không được người trồng cung cấp... khiến đất bạc màu. Cứ thế cái vòng lẩn quẩn này đã làm đất bạc màu nhanh hơn, hóa chất nhiều hơn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, nông dân cũng là nạn nhân của phương thức sản xuất “mù”. Rất ít doanh nghiệp liên kết đặt hàng về chủng loại, thời gian, khối lượng nông sản... nên nông dân phải sản xuất “tự bơi”. Vì vậy, để củng cố niềm tin, chúng ta cần xây dựng cơ chế liên kết thực chất để thực thi việc gieo trồng khôn ngoan, cho ra đời nông sản thông minh, từng bước chinh phục khách hàng trong nước và quốc tế.
Trong đó, xây dựng liên kết: Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng, điều phối doanh nghiệp và nông dân phối hợp nhịp nhàng dưới sự trợ giúp của nhà khoa học bằng những chính sách hấp dẫn và thiết thực. Cụ thể như tổ chức cho các doanh nghiệp khai thác thị trường để ghi nhận và hợp tác cụ thể sau đó về đặt hàng nông dân tổ chức sản xuất đúng theo quy định, quy trình của khách hàng. Đặc biệt là Nhà nước phải thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kiến thức để doanh nghiệp, doanh nhân đủ sức đứng vững trên ao nhà và vươn ra biển lớn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư quy hoạch tích hợp, trong đó ưu tiên cơ sở hạ tầng cho thủy lợi, giao thông...
* Theo đề xuất này, kinh phí đầu tư cũng không ít. Trong bối cảnh ngân sách có hạn, đây sẽ là trở ngại để thực thi không, thưa GS?
- Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Hiện tại và sau sự kiện 100 năm Ngày Độc lập, nông nghiệp vẫn là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy thiết nghĩ, Trung ương cần mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp theo phương thức “so bó đua, chọn cột cờ” để cả nước chung tay thực hiện thắng lợi di nguyện Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”.
GS.TS, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân (SN 1940 - An Giang) - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ - là nhà nông học hàng đầu trong nước và quốc tế. Ông từng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế: Viện Lúa quốc tế (IRRI), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế (Australia), Quỹ Rockerfeller (Mỹ), Trung tâm Khoai tây CIP (Peru), Viện Quản trị (Canada), Học viện Quản trị Á Châu (Philippines).
Ông được trao nhiều phần thưởng cao quý: Ramon Magsaysay (1993; Bằng tưởng lệ - Canada 1995); “Kỵ mã Nông nghiệp - Pháp (1996); Cựu sinh viên xuất sắc nhất - ĐH Philippines (2001); Giải Nikkei Châu Á (2002); Giải Derek Tribe - Australia (2005); Giải UMALI (Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo nông nghiệp Đông Nam Á- 2008).
Xem thêm: odl.846388-hnim-gnoht-peihgn-gnon-neyugn-yk-gnov-tahk/et-hnik/nv.gnodoal