Giá lúa vụ Đông Xuân tại ĐBSCL đang ở mức trung bình 7.000 đồng/kg - mức giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Mặc dù được giá nhưng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1 năm nay giảm mạnh tới 30% so với cùng kỳ. Nông dân phấn khởi nhưng doanh nghiệp lại đang đau đầu khi khó đàm phán hợp đồng mới. Vậy mức giá cao liệu có làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam?
Triển vọng 2021 của các nước xuất khẩu gạo lớn
Đối với mặt hàng gạo tấm 5%, trong 3 nước xuất khẩu lớn nhất, gạo Thái Lan đang ở mức cao nhất 520 USD/ tấn nhưng lượng giao dịch lại rất ít. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải lo lắng, khi giá gạo Việt Nam liên tục tăng và hiện tiến sát so với Thái Lan. Trong khi đó, gạo Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh khi giá vẫn thấp hơn. Bối cảnh này đang tạo ra những bước đi khác nhau của những cường quốc xuất khẩu gạo.
Sau khi sụt giảm sản lượng xuất khẩu tới gần 1/4 trong năm 2020, giới chức Thái Lan đang kỳ vọng sẽ tăng nhẹ lên mức khoảng 6 triệu tấn năm nay. Đây được đánh giá là một mức hợp lý, tuy nhiên hiện giá gạo của nước này đang cao hơn của Ấn Độ và Việt Nam, gây khó khăn cho xuất khẩu. Tỷ giá đồng Baht hiện được xem là yếu tố then chốt để nhằm đạt mục tiêu trên.
Những yếu tố khác khiến gạo Thái Lan đứng trước thách thức trong năm nay đó là tình trạng thiếu container rỗng để xuất khẩu, cũng như việc một số thị trường truyền thống như Nam Phi chịu cạnh tranh lớn từ các đối thủ như Trung Quốc, bất chấp việc gạo Thái Lan vẫn có lợi thế về chất lượng ổn định và giao hàng đúng hạn.
Trong khi Thái Lan thận trọng thì Ấn Độ đang tỏ ra lạc quan về triển vọng năm 2021. Hồi giữa tháng 2, giá gạo của nước này đã lên mức 402 - 408 USD/tấn, cao kỷ lục trong vòng 2 năm qua, nhờ nhu cầu ổn định, đặc biệt sau khi nước láng giềng Bangladesh nới lỏng chính sách nhập khẩu lương thực.
Lợi thế lớn của gạo Ấn Độ là mức giá rẻ hơn các nước xuất khẩu khác ngay cả khi nhu cầu gia tăng mạnh, giúp nước này tiếp cận được nhiều đối tác tại khu vực châu Á và châu Phi. Nhằm đón đầu nhu cầu tăng cao, Chính phủ Ấn Độ vừa cho phép thêm một cảng nước sâu tại bang vựa lúa Andhra Pradesh dùng cho xuất khẩu gạo. Bước đi này được kỳ vọng có thể giúp tăng khoảng 20% sản lượng gạo xuất khẩu của bang.
Xuất khẩu gạo giảm tốc do mức giá cao
Có thể thấy, 2 quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại châu Á là Thái Lan và Ấn Độ đang đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu năm nay. Với Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm dù nhu cầu nhập khẩu từ các nước có chiều hướng tăng nhưng việc xuất khẩu gạo của Việt Nam lại đang giảm tốc.
Thống kê từ Tổng cục Hải Quan, những tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu ước đạt khoảng 608.000 tấn, mang về hơn 336 triệu USD. Con số này có giảm hơn 34 % về khối lượng và gần 22% về kim ngạch so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp cho biết, thời điểm này khó có giao dịch lớn, trong khi giá lúa vẫn ở mức cao.
Giá lúa trong nước tại ĐBSCL đang ở mức cao. Ảnh minh họa - Báo Nhân dân.
Đầu năm chưa phải là thời gian cao điểm của xuất nhập khẩu gạo. Cộng thêm giá lúa trong nước tại ĐBSCL đang ở mức cao nên các doanh nghiệp thu mua và khách hàng nước ngoài đều có tâm lý chờ giá hạ nhiệt. Đây được xem những nguyên nhân lý giải giảm tốc của xuất khẩu gạo.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp chia sẻ hiện nay cũng chỉ bán lượng rất ít và chưa có giao dịch mạnh.
"Các loại lúa không phải là lúa thơm, trung bình đang là 7.000 đồng/kg. Nếu các doanh nghiệp bình thường rất khó xuất khẩu", ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho hay.
Một số doanh nghiệp nhận định, ví dụ như loại gạo Việt Nam đang rao bán ở mức 590 USD/tấn sẽ bán được nhiều hơn nếu ở mức giá 570 USD/tấn, còn loại gạo thơm chào giá 630 USD/tấn cũng sẽ dễ được khách hàng chấp nhận hơn nếu rẻ hơn khoảng 30 USD.
Nhiều dự báo cho rằng tình hình trên có thể chỉ là ngắn hạn bởi tháng 4 mới là thời điểm các doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng nhiều vì hiện nay vụ Đông Xuân vẫn chưa thu hoạch rộ. Khi nguồn cung trong nước dồi dào, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng giá lúa gạo sẽ hợp lý hơn.
Gạo Việt Nam tăng cạnh tranh bằng chất lượng
Từ giữa năm 2020 tới nay, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam liên tục đứng ở mức cao và kéo dài sang năm 2021. Trong tháng 1/2021, giá gạo của Việt Nam ở mức trung bình 550 USD/ tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng hơn 13% so với cùng kỳ 2020.
Trước lo ngại về việc tăng giá liệu có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của gạo Việt Nam, Bộ Công thương cho rằng mặc dù giá gạo năm nay khó dự đoán, nhưng chất lượng gạo mới là yếu tố cạnh tranh quyết định.
Cụ thể, năm nay dự báo, sản lượng gạo sản xuất có thể đạt hơn 27,4 triệu tấn, xuất khẩu gạo được kỳ vọng tăng nhẹ, tăng 1,6% so với năm 2020. Bộ Công Thương khẳng định giá gạo Việt Nam đang trong xu hướng tăng trong tháng đầu năm và vẫn sẽ tiếp tục canh tranh tốt với gạo Thái Lan và Ấn Độ.
Từ giữa năm 2020 tới nay, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam liên tục đứng ở mức cao và kéo dài sang năm 2021. Ảnh minh họa - Dân trí.
Còn theo các chuyên gia, doanh nghiệp gạo Việt Nam muốn cạnh tranh về giá với gạo Ấn Độ và Thái Lan thì một mặt mua trước bán sau để luôn chủ động được nguồn hàng, một mặt tiết giảm khâu trung gian, liên kết trực tiếp với bà con nông dân, để hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do đã ký vừa qua cũng được coi là tiền đề tốt để gạo Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào những thị trường cao cấp như châu Âu, Anh, Singapore….
Dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines tăng 13%, Ghana tăng 5,6% và EU tăng 2,1%. Đây là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.
VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48304841252201202-teiv-oag-tah-ohk-mal-oac-aig/et-hnik/nv.vtv