Hãng thông tấn Kyodo News dẫn lời các quan chức chính phủ Nhật ngày 25-2 cho biết lực lượng tuần duyên Nhật có thể trực tiếp nổ súng đối phó tàu công vụ nước ngoài cố tiếp cận quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/ Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) ở biển Hoa Đông.
Trong cuộc họp về chính sách quốc phòng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) hôm 25-2, các quan chức chính phủ đã thông báo về cách diễn giải mới này về các luật hiện hành của Nhật.
Trước đó, giới chức chính phủ Nhật cho biết lực lượng tuần duyên Nhật chỉ được phép nổ súng trực tiếp vào tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ và trốn thoát khẩn cấp.
Cách diễn giải mới trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày 22-1 ban hành luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2013. Ảnh: REUTERS
Theo các quan chức chính phủ Nhật, cách diễn giải mới đã được xác nhận tại cuộc họp của ban hội thẩm hôm 25-2, theo đó lực lượng tuần duyên Nhật có thể khai hỏa nhằm đối phó tàu công vụ nước ngoài cố tiếp cận quần đảo Senkaku với cáo buộc “bạo lực”.
Một thành viên LDP tham dự cuộc họp dẫn lời giới chức chính phủ cho biết: “Cách diễn giải một phần dựa trên việc áp dụng quyền lực cảnh sát theo luật cảnh sát đối với lực lượng tuần duyên”.
Cách diễn giải này được đưa khi việc sử dụng vũ lực đối phó các tàu thuyền nước ngoài được coi là đi ngược lại với Điều 9 Hiến pháp về từ bỏ chiến tranh và chính sách quốc phòng của Nhật.
“Đây là lần đầu tiên các quan chức chính phủ đề cập việc lực lượng tuần duyên có thể nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài cố tiếp cận lãnh thổ Nhật” - ông Taku Otsuka, người đứng đầu Ban Phòng vệ quốc gia của LDP – cho biết tại cuộc họp.
Nhật ngày càng lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku.
Năm 2020, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với tần suất khoảng hai lần một tháng.
Theo Cảnh sát biển Nhật, kể từ khi luật hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-2, tần suất hoạt động của lực lượng hải cảnh tại khu vực đã tăng lên hai lần một tuần.
Phản ứng với luật hải cảnh, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trước đó đã tuyên bố: “Việc Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông đã truyền đạt “những quan ngại nghiêm trọng” tới Trung Quốc.
Ông Suga ngày 25-2 cho biết môi trường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở nên nghiêm trọng, bày tỏ lo ngại rằng "việc mở rộng khả năng quân sự thiếu minh bạch và nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức đang tiếp diễn trong khu vực”. Tuy nhiên, ông Suga không đề cập trực tiếp Trung Quốc.
Ông Suga cũng cho biết: "Tôi tin chắc rằng 'một trật tự tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền', không phải 'vũ lực hay cưỡng bức', sẽ mang lại hòa bình và sự thịnh vượng cho khu vực và thế giới".