Rất nhiều người trên phố Wall đã dự đoán những cú đặt cược vào 1 thế giới trở lại trạng thái bình thường hậu đại dịch sẽ tạo ra những thay đổi lớn trên thị trường tài chính trong năm 2021. Tuy nhiên ít ai có thể dự báo rằng "tái mở cửa" lại có thể tạo ra "sóng" quá lớn như hiện nay.
Tất cả các loại tài sản, từ cổ phiếu đến trái phiếu và hàng hóa đều đang diễn biến dựa trên niềm tin rằng chiến dịch vaccine tham vọng nhất trong lịch sử sẽ nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc và dẫn đến lạm phát.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm – chỉ số được coi là đo lường kỳ vọng lạm phát – hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ 2014. Giá kim loại tăng vọt trong khi các cổ phiếu công nghệ vốn đã bùng nổ khi các thành phố đang bị phong tỏa giờ đang giảm sâu. Tuy nhiên, theo giới phân tích thì cơn bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu mới là thứ "mê hoặc" phố Wall và có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho các tài sản rủi ro.
"Đây chính là 1 cơn cuồng nộ", Mike Riddell, người đang quản lý 9,5 tỷ USD tại Allianz Global Investors (London) phát biểu trong 1 cuộc hội thảo năm 2013, khi lợi suất trái phiếu tăng vọt bởi vì các nhà đầu tư nghĩ rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ rút lại các gói kích thích. "Bài học là nếu như thị trường trái phiếu có vấn đề thì đó cũng là rắc rối đối với mọi loại tài sản".
"Nỗi đau" của các thị trường trái phiếu
Trái phiếu nổi tiếng là một trong những tài sản an toàn nhất mà tiền có thể mua được, nhưng tài sản này lại có 1 điểm yếu lớn: lạm phát. Vì thế, khi thị trường đặt cược rằng lạm phát sẽ tăng, thị trường nợ chao đảo.
Ở Mỹ, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng gần 40 điểm cơ bản trong tháng 2, mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây. Đường cong lợi suất – một trong những thước đo thuần túy nhất để đánh giá lạm phát đang được thị trường định giá như thế nào – thì đang ở trạng thái dốc nhất kể từ 2015.
Đó cũng là xu hướng đang bao trùm toàn cầu. Tại Australia, lợi suất trái phiếu 10 năm cũng đang cao nhất trong 1 năm trở lại đây, bất chấp NHTW Úc tăng mua tài sản.
Thời gian sắp tới có lẽ thị trường sẽ có nhiều sóng gió hơn nữa. Các chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng.
Kỳ hạn, thước đo liệu các loại trái phiếu nhạy cảm với lãi suất sẽ tăng giá bao nhiêu khi lãi suất tăng, đang phát đi những dấu hiệu đáng lo ngại. Tổng lượng trái phiếu có lợi suất âm – là loại đặc biệt nhạy cảm với rủi ro về kỳ hạn – đã sụt giảm hơn 4.000 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng
Lợi suất tăng đang tác động đến cả những trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng an toàn nhất. Ở châu Âu, chỉ số gồm các trái phiếu xếp hạng "đáng để đầu tư" đã giảm 0,6% kể từ đầu năm đến nay, đánh dấu khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ 1999.
"Các nhà đầu tư đang sợ hãi", Andrea Seminara, CEO của quỹ Redhedge nhận định. "Về lý thuyết, nên mua những trái phiếu này nhưng trên thực tế thì các nhà quản lý danh mục sẽ chờ đợi cho đến khi thị trường ổn định hơn".
Cổ phiếu giá trị thắng thế trước cổ phiếu tăng trưởng
Nhà đầu tư đang chuyển tiền mặt sang những cổ phiếu có mức định giá thấp hơn. Trong các cổ phiếu của chỉ số S&P 500, nhóm cổ phiếu giá trị đang hướng đến tháng tốt nhất kể từ thời kỳ bong bóng dot-com nếu đặt trong tương quan so sánh với các cổ phiếu tăng trưởng.
Thị trường hàng hóa
Giá nguyên vật liêu thô đang bùng nổ dựa trên suy đoán khi đại dịch chấm dứt, các cỗ máy tăng trưởng sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Giá đồng gần tiến tới mức kỷ lục được lập cách đây 1 thập kỷ, giá dầu tăng vọt lên cao nhất hơn 1 năm và giá nông sản cũng tăng cao.
Tham khảo Bloomberg