Nhức nhối nạn phá rừng làm nương rẫy - Video: HẢI NIÊ
Ngày 26-2, tại Hội nghị bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk năm 2021, các đại biểu là lãnh đạo địa phương, chủ rừng nêu lên thực trạng nan giải là rừng liên tục bị phá do áp lực dân di cư tự do, sự buông lỏng quản lý ở một vài nơi…
Khó ngăn chặn… người của mình (!)
Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có khoảng 515.000ha đất có rừng, phần lớn là rừng tự nhiên nhưng độ che phủ chỉ hơn 38%. Trong năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 716 vụ phá rừng, tịch thu gần 740m3 gỗ, hơn 500 phương tiện các loại, xử phạt hành chính tổng số tiền gần 4,5 tỉ đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng thụ lý 248 vụ/215 đối tượng vi phạm về các hành vi phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép…
Tuy nhiên, theo các đại biểu, những số liệu trên chỉ là ‘phần nổi’, những vụ phát hiện được, tình trạng phá rừng ngày càng nhức nhối, có dấu hiệu tăng dần.
Ông Bùi Quốc Tuấn - giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông - cho biết đơn vị đóng chân trên địa bàn có hơn 11.000 người di cư tự do, gây áp lực rất lớn cho công tác bảo vệ rừng.
Nếu năm 2017 đơn vị phát hiện 117 vụ thì đến năm 2020 là 204 vụ phá rừng. Đặc biệt, chỉ 2 tháng đầu năm 2021 có 94 vụ, trong đó 88 vụ là phá rừng lấy đất sản xuất.
Rừng pơmu bị xâm phạm - Ảnh: MINH VÕ
Tại hội nghị, ông Lê Đình Chiến - phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar - cho biết dù lãnh đạo huyện liên tục tuần tra, kiểm soát, truy quét nhưng nạn phá rừng vẫn có chiều hướng tăng. Theo ông Chiến, ngoài việc lực lượng mỏng, lương thấp nên cán bộ lơ là thì lực lượng dân di cư tự do phá rừng lấy đất là một áp lực quá lớn, rất khó xử lý.
"Bên cạnh đó, việc ngăn chặn phá rừng gặp khó bởi có việc… người của mình báo tin để lâm tặc trốn tránh cơ quan chức năng. Có những xưởng gỗ bị nghi ngờ sử dụng nhiều gỗ lậu nhưng mỗi lần kiểm tra đột xuất thì chủ xưởng luôn khóa cửa, để lại "vườn không nhà trống" cho đoàn kiểm tra (?)", ông Chiến ngao ngán.
Lắp camera để ngăn chặn phá rừng?
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng pơmu tại huyện Krông Bông - Ảnh: MINH VÕ
Cũng theo phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar, do địa phương có diện tích rừng khá lớn, ở trên các địa bàn giáp ranh, địa hình khá phức tạp nên việc ngăn chặn phá rừng có gặp khó khăn. Theo ông Chiến, có tình trạng người vi phạm đốn gỗ bên Ea Kar rồi thả suối trôi về Phú Yên để vận chuyển đi trong đêm, khiến việc ngăn chặn hết sức khó khăn.
Để ngăn chặn tình trạng này, ông Chiến cho rằng nên thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát tại những vị trí trọng yếu, phức tạp. "Nếu được lắp đặt khoảng 10 vị trí trọng yếu trên địa bàn phức tạp với chi phí không lớn, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản sẽ cơ bản được ngăn chặn", ông Chiến tự tin.
Trong khi đó, ông Bùi Quốc Tuấn lại xin thêm kinh phí duy trì "chốt kiểm soát rừng đặc thù" để bảo vệ pơmu, bách xanh.
Theo ông Tuấn, năm 2020 công ty thành lập chốt kiểm soát với 14 cán bộ, thường xuyên thay ca để trực 24/24 giờ. Việc duy trì lực lượng này góp phần giảm việc phá rừng nhưng chi phí trả lương, phụ cấp đến 1,62 tỉ đồng/năm, trong khi tổng nguồn thu của công ty chỉ hơn 500 triệu đồng.
Nói về những vấn đề này, ông Y Giang Gry Knơng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho rằng việc ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất kém là ‘chuyện cũ cứ nói lại hoài’. Phải đặt câu hỏi thật chính xác là tại sao dân đã được cấp đất tái định cư, định canh vẫn quay lại phá rừng là do quản lý, tuyên truyền hay do đất cấp cho dân không đảm bảo?…
"Cần mạnh tay với đầu nậu, xã hội đen thâu tóm đất rừng rồi bán lại, nhất là việc có cán bộ tiếp tay, sang nhượng đất rừng trái phép cho dân. Ngoài ra, phải chấm dứt việc thu hồi đất rừng của doanh nghiệp này rồi giao cho doanh nghiệp khác nhưng việc mất rừng vẫn tiếp diễn", ông Y Giang Gry Knơng chỉ đạo.
TTO - Bộ NN&PTNT vừa phát công văn gửi các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và Bình Thuận có nội dung không đồng tình với các dự án xin phá rừng tự nhiên ở các địa phương nói trên.
Xem thêm: mth.60561506162201202-cat-mal-augn-gnohp-gnur-tas-maig-ed-aremac-pal-taux-ed/nv.ertiout