Chuyện 'thuận ông trời' ở Nam bộ
Vũ Kim Hạnh
(TBKTSG XUÂN) - Tháng 7 năm rồi, tôi có chuyến đi về các tỉnh đồng bằng để “tuyển sinh” cho đủ 100 em học sinh nghèo - hiếu học về dự trại hè “Đại sứ hàng Việt tí hon”. Đi qua nhiều xóm làng vắng vẻ, tôi thấy không ít những mái nhà nghèo xơ, ở đó chỉ có ông, bà và một hay hai cháu nhỏ. Nhiều ông bà ngoại, nội già yếu từ chối cho đứa cháu tham gia, vì “nó còn phải làm việc nhà, và đi bán vé số kiếm thêm”.
Bà con lối xóm chung quanh rủ nhau qua thuyết phục đủ điều, cuối cùng, đứa cháu mới được thuận cho đi. Rõ ràng có rất nhiều cảnh nhà và rất nhiều người lối xóm dù cũng nghèo khó, luôn sẵn sàng “hạt muối cắn làm đôi” đúng nghĩa “tình làng nghĩa xóm” của người Nam bộ.
TS. Dương Văn Ni (phải) và ThS. Nguyễn Hữu Thiện (trái) nghiên cứu vùng lúa sen - du lịch ở Đồng Tháp. Ảnh: HOÀNG TUYÊN |
TS. Dương Văn Ni và nông dân ở một ruộng lúa tại ĐBSCL. Ảnh: HOÀNG TUYÊN |
Chiều cuối năm 2020, gặp nhà nghiên cứu Dương Văn Ni, người được nông dân gọi đùa là Tiến sĩ chăn trâu vì “lý lịch” ông đã đi chăn trâu thiệt sự, ở Cần Thơ, anh say sưa nói về đặc điểm văn hóa chia sẻ của dân đồng bằng. Giàu, họ thường nghĩ cách chia bớt cho người nghèo, mà nghèo thì...cũng lá rách đùm lá nát luôn.
Anh nói thêm, mong sao Nghị quyết 120 được thực hiện theo đúng tinh thần Thuận Thiên. Hỏi anh mong điều gì cụ thể hơn đi, thì anh nói một câu giản dị: “Chỉ mong sao còn thấy cảnh các con sông ở đồng bằng còn “con nước lớn, con nước ròng”.
Sông có nước lớn nước ròng và đừng bị ngăn với biển
Trời đất, thủy triều luôn còn, thì sao mà sông không có nước lớn nước ròng? Tôi cười kha kha đùa với anh là, anh nói khiến tôi chợt nghĩ đến câu vọng cổ “tán gái” rất điệu nghệ của một anh chàng Nam bộ, mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết trong một cảnh chuyển thể cải lương: “Em ơi, con sông kia còn có nước ròng nước lớn, chứ tình anh thương em thì cứ mãi mãi dâng... tràn”.
Nói vậy nhưng tối về, chợt đọc thấy tin “mấy ngày đầu năm 2021, “siêu” công trình cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam Cái Lớn - Cái Bé, kinh phí xây dựng trên 3.300 tỉ đồng vẫn đang gấp rút thi công”, tôi thôi cười và thấy câu nói ngắn nhẹ tênh của anh Ni sao mà nó nặng!
Còn chúng ta. Không vội được đâu. Xuống đồng đi, sẽ nghe râm ran các xã viên hợp tác xã bàn chuyện trà dư tửu hậu rằng, các đại công trình, siêu dự án đã được duyệt rồi, đã sắp xếp “chia chác” gian khổ mới xong thì sẽ được “mần tiếp đến kỳ cùng”, bằng mọi cách, mọi giá. |
Và tôi nhớ ngay đến chuyện xây cống đập Ba Lai. Cống được xây năm 2000. Nông dân Bình Đại, Bến Tre kể rằng: trước khi cống đập được xây, dân cứ theo con nước tự nhiên, mặn vô thì nuôi tôm, ngọt vào thì trồng lúa.
Từ khi có đập, nước mặn bị ngăn để trữ ngọt cho toàn khu vực Bắc Bến Tre. Dân đang nuôi tôm phải đào giếng lấy nước mặn ngầm. Tính ra, trong vùng ngọt hóa Bắc Bến Tre có đến hàng ngàn cây khoan nước mặn nuôi tôm như vậy.
Bến Tre giáp biển Đông nên những tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), nước mặn xâm thực vào đất liền hơn ba phần tư diện tích toàn tỉnh. Cống đập muốn tạo một hồ nước ngọt khổng lồ với trữ lượng 90 tỉ mét khối, phục vụ tiêu úng, rửa phèn 115.000 héc ta đất tự nhiên, 88.500 héc ta đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản và phục vụ sinh hoạt cho hơn hai phần ba dân số của Bến Tre!
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về hệ tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói: “Ngọt hóa bằng cách biến những dòng chảy liên thông với biển bằng các công trình khép kín, theo thời gian sẽ dần biến bên trong thành một vùng tù đọng, ô nhiễm, dù có xả nước định kỳ”.
Anh khẳng định, nếu như vội vã xem tình hình hạn mặn năm 2016 là tình hình chung, làm cơ sở quy hoạch để từ đó xây dựng công trình kiểm soát mặn ở các cửa sông lớn như sông Cái Lớn, sông Cái Bé (sông lớn nhất biển Tây, cửa như nắm rễ đước từ Rạch Giá xuôi vô, tỏa chằng chịt nhiều nhánh khắp mấy tỉnh),... thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Khi nào bỏ “ngăn sông cấm chợ”, “ngăn sông với biển” thì mới đúng cái bụng ông trời. Đó là văn hóa chia sẻ của người đồng bằng. Đó là “tình làng, nghĩa xóm” giữa các cá nhân trong cộng đồng người nông dân đồng bằng. |
Các dòng sông ở ĐBSCL nhờ ăn thông với biển mà có nước lớn, nước ròng, nhờ đó dòng sông được làm sạch, có cá tôm và hình thành nền văn hóa sông nước.
Khi có công trình thì sẽ không còn nước lớn, nước ròng mà bên trong sẽ tù đọng, ô nhiễm, không còn cá tôm, ảnh hưởng văn hóa sông nước. Ngoài ra, sinh thái biển cũng sẽ bị ảnh hưởng. Biển sẽ nghèo đi khi không còn giao lưu sinh thái được với đất liền qua các cửa sông.
Vì thế mà ngày nay, chuyện đời thường “sông thì có nước lớn nước ròng” bỗng thành khó, vì sự liên thông giữa sông với biển đang dần bị cắt đứt.
Mà nói ĐBSCL ít được đầu tư hạ tầng cũng không đúng hẳn. Mấy năm gần đây và hiện nay, vẫn tăng đầu tư đó chứ, nhưng có phù hợp và hiệu quả không, hay càng đầu tư càng xa dần cái lẽ... thuận thiên?
Nói thuận thiên, nhưng làm, đâu dễ như trở bàn tay...
Ta vẫn thường đọc được những báo cáo tổng kết dễ khiến người nhạy cảm bị... ngây ngất: ĐBSCL trên đà phát triển rất mạnh; năng suất lúa đã đạt mức 7-8 tấn/héc ta và vòng quay của đất cũng hết mức khi có nơi sản xuất tới 7 vụ lúa/2 năm.
Số thống kê năm 2020 cũng đủ “tự sướng”: xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,74 triệu tấn với 2,85 tỉ đô la, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện có tám nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la; trong đó có các nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 2 tỉ đô la (cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ chế biến).
Dự kiến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5-42 tỉ đô la, là một trong những nước dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản.
Vậy mà, sao người nông dân vẫn nghèo, sao thu nhập của nông dân đồng bằng vẫn bấp bênh và mười năm qua, đã có 1,3 triệu người ở độ tuổi lao động rời đồng bằng kiếm sống nơi khác?
Đồng bằng cũng tự thấy phải thay đổi, nhất là từ sau cơn hạn nặng năm 2016. Khi diện tích không thể tăng, năng suất đã đụng trần và vòng quay của đất cũng không thể hơn nữa, muốn tăng thu nhập cho nông dân thì phải... tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và chuyển sang trồng cây và nuôi con khác.
Một thời gian rất dài, ĐBSCL được gắn cho “định mệnh” là phải lo “an ninh lương thực” cho cả nước. Đầu tư hạ tầng quy mô nhất vẫn chỉ là cho lúa gạo. Ngoài đầu tư, còn kèm theo chính sách khuyến khích tạm trữ, khoanh nợ, giãn nợ một cách liên tục.
Cho nên năm 2017, Thủ tướng ra Nghị quyết 120.
Tiến sĩ Dương Văn Ni phấn chấn: “Tư duy mới của Nghị quyết 120 là xem các nguồn nước đều là tài nguyên. Điều này này hoàn toàn khác với tư duy trước đó: hễ thấy nước mặn là phải có một công trình nào đó ngăn chặn. Bây giờ công nhận nước mặn như một tài nguyên để mà khai thác nó dưới diện nào đó cho có hiệu quả về kinh tế. Tôi cho rằng sự thay đổi đó rất là căn cơ”.
Cũng không còn ép nông dân trồng càng nhiều lúa càng tốt. Nhiều năm qua, chúng ta đẩy diện tích lúa ra sát bờ biển, trong khi vùng sát bờ biển này đâu có thuận lợi để trồng lúa. Dân đồng bằng ai mà không biết, năm nào khi dứt mưa, thì chắc chắn là sông rạch vùng này đều bị nhiễm mặn. Nhờ đợt hạn mặn 2015-2016 cho thấy nỗ lực đưa cây lúa ra vùng duyên hải là chuyện mua lấy sự bấp bênh... Đến năm 2017, Nghị quyết 120 đã giúp người dân điều chỉnh lại sản xuất của họ: vùng bị mặn đe dọa và xâm nhập như vậy, tốt nhất là nên chọn loại cây trồng, vật nuôi nào phù hợp hơn.
Chuyển từ tập trung trồng lúa qua trồng cây và nuôi con khác, phải chuyển hạ tầng kỹ thuật (hệ thống dẫn nước, tưới tiêu...). Kế đó là hạ tầng về xã hội và kinh tế. Người dân biết rõ về tiêu chuẩn cho từng loại cây, con và quy trình cần thiết để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính an toàn mà thị trường yêu cầu chưa? Bên cạnh, dịch vụ phục vụ từ máy móc, thiết bị, vật tư đã có, phù hợp chưa?
Quan trọng nhất vẫn là lực lượng lao động chính có đủ kiến thức và kỹ năng chưa và Nhà nước cùng các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến có giúp nông dân tìm được thị trường chưa? Một câu hỏi ngắn nhưng đó là tất cả kế hoạch quy mô hiệu quả gồm hàng chuỗi hoạt động mà những nước sản xuất kinh doanh nông sản giỏi như Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan... tập trung hết sức người sức của, có chiến lược, kế hoạch và thực thi tận lực.
Còn chúng ta. Không vội được đâu. Xuống đồng đi, sẽ nghe râm ran các xã viên hợp tác xã bàn chuyện trà dư tửu hậu rằng, các đại công trình, siêu dự án đã được duyệt rồi, đã sắp xếp “chia chác” gian khổ mới xong thì sẽ được “mần tiếp đến kỳ cùng”, bằng mọi cách, mọi giá.
Cho nên, có thể nói, mặc dầu Nghị quyết 120 đã tháo gỡ những nút thắt, nhưng để chuyện đó thành hiện thực, đem lại thay đổi trong đời thực thì cần sự quyết tâm và sự sáng tạo của người dân và chính quyền địa phương nơi đó.
Như vậy, nói Nghị quyết 120 là coi ngang nhau mọi tài nguyên nước nhưng chúng ta có tôn trọng vai trò “liên kết” của nước không? Bởi vì nước không chỉ liên kết về mặt môi trường sinh thái mà còn là liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau nhờ vào phong tục tập quán, liên kết giữa các cộng đồng sống rất xa nhau nhờ vào giao thương kinh tế, và nói rộng hơn là liên kết giữa các quốc gia nhờ vào việc sử dụng cùng một dòng sông.
Khi nào bỏ “ngăn sông cấm chợ”, “ngăn sông với biển” thì mới đúng cái bụng ông trời. Đó là văn hóa chia sẻ của người đồng bằng. Đó là “tình làng, nghĩa xóm” giữa các cá nhân trong cộng đồng người nông dân đồng bằng.
Xem thêm: lmth.ob-man-o-iort-gno-nauht-neyuhc/779213/nv.semitnogiaseht.www