Ông Pompeo đã gia nhập Viện Hudson, một trung tâm nghiên cứu có quan điểm bảo thủ, cho phép ông tích cực thảo luận chính sách và tiếp cận với luồng quan điểm chủ đạo đương có của Đảng Cộng hòa - Ảnh: AFP
Xuất hiện trong một chương trình của Đài Fox News ngày 25-2 (giờ Mỹ), ông Pompeo cho rằng vụ tấn công nên nhắm vào chính xác các lực lượng đe dọa người Mỹ ở khu vực. "Anh phải biết cách bảo vệ lính, phải làm sao thiết lập được sự răn đe. Chúng tôi đã làm vài lần và lần nào cũng hiệu nghiệm", cựu ngoại trưởng Mỹ đặt vấn đề.
Truyền thông Mỹ trước đó loan tin Tổng thống Biden đã chấp thuận không kích vào một số cơ sở của các lực lượng dân quân thân Iran trên lãnh thổ Syria. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đây là các lực lượng thường xuyên bắn rocket nhắm vào những nơi có binh sĩ và người Mỹ ở Iraq.
"Tôi không biết họ đánh trúng cái gì hay mục tiêu họ đang theo đuổi nằm ở đâu. Hi vọng họ đừng có ném đại xuống hoang mạc. Phải đánh trúng lực lượng đã đe dọa Mỹ, chứ nếu không thì cũng vô dụng", ông Pompeo nêu quan điểm.
Cựu ngoại trưởng kế đó ngầm ca ngợi chính quyền Donald Trump mà ông từng phục vụ, cho rằng vụ không kích ngày 25-2 là hệ quả của việc chính quyền đương nhiệm đã lơ là Iran.
"Không cần phải sa lầy ở đó. Tôi tự tin chúng tôi dính vào được nhưng cũng dứt ra được. Chúng tôi răn đe Iran ở mọi nơi. Yếu kém và nhân nhượng với Iran sẽ chỉ được đổi lại bằng các hành động khủng bố từ Iran", ông Pompeo nêu quan điểm cá nhân.
Theo Hãng tin Reuters, vụ tấn công đã được tính toán kỹ với quy mô nhỏ để không kích động làn sóng trả đũa Mỹ ở khu vực. Tổng cộng Mỹ đã sử dụng 7 quả bom để phá hủy các mục tiêu khiến ít nhất 17 tay súng thiệt mạng, theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria và báo New York Times.
Vụ không kích được cho là đòn trả đũa của chính quyền Biden sau các vụ tấn công bằng rocket khiến 7 người Mỹ thương vong ngày 15-2. Chính quyền Biden không trực tiếp cáo buộc nước nào đứng sau sự việc nhưng theo New York Times, vụ không kích ngày 25-2 cho thấy Washington đang tin Iran là hung thủ.
Giới quan sát nhận định phản ứng của Tổng thống Biden là cần thiết, kể cả trong bối cảnh Mỹ đang muốn hồi sinh một thỏa thuận quốc tế ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Washington được cho là đã liên lạc với Tehran để thảo luận về việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 năm 2015. Vụ không kích được xem là một thông điệp của chính quyền Biden tới Iran, rằng Mỹ sẵn sàng đáp trả nếu các lợi ích của nước này bị tổn hại dù đang trong quá trình thương thảo với Iran.
TTO - Vụ không kích của Mỹ ngày 25-2 nhắm vào các công trình ở biên giới Syria - Iraq, sử dụng 7 quả bom. Các nguồn tin cho rằng đây là một kế hoạch tấn công 'khôn ngoan', kiểu 'một mũi tên trúng nhiều đích'.