Nghị định 79/2019 cho phép người dân được ghi nợ tiền sử dụng đất (TSDĐ) trước ngày 1-3-2016 thanh toán khoản nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hạn chót đến ngày 28-2-2021. Sau ngày này, các trường hợp còn nợ sẽ phải thanh toán theo bảng giá đất tại thời điểm trả nợ. Có nghĩa là nếu trễ hạn, người dân sẽ phải đóng một khoản tiền lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, trong những ngày này, người dân nhiều nơi đang cố gắng xoay xở để hoàn thành nghĩa vụ tài chính của mình.
Người dân đến làm thủ tục trả nợ TSDĐ tại VPĐKĐĐ Chi nhánh
quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ
Hà Nội làm việc hết công suất
Một tuần nay, nhiều chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội phải hoạt động hết công suất. Ghi nhận cuối giờ chiều 26-2, tại chi nhánh VPĐKĐĐ số 10 Đặng Dung, nơi nhận hồ sơ của ba quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa) vẫn còn nườm nượp người ra vào. Toàn bộ hơn 40 nhân viên của chi nhánh phải làm việc tăng ca, thuê thêm bàn ghế, làm cả cuối tuần để kịp chốt hồ sơ cho bà con.
“Hôm nay chúng tôi nhận gần 60 hồ sơ, ít hơn so với các ngày trước khoảng 100-200 hồ sơ/ngày” - một nhân viên tại đây cho biết.
Theo ghi nhận của PV, mặc dù người dân đến nộp hồ sơ đông nhưng khá trật tự. Mỗi người dân vào lấy số sẽ được cán bộ của chi nhánh hướng dẫn chi tiết, làm thủ tục nhanh chóng.
Tương tự, tại VPĐKĐĐ Chi nhánh Hai Bà Trưng cũng rất đông người dân đến nộp TSDĐ theo Nghị định 79. Ông LVL trú phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho biết ông nhận hồ sơ đất đai hoàn thiện từ năm 2008 nhưng chưa có tiền đóng nên ông phải nợ lại. Sau tết, ông nhận được thông báo của phường về việc trả TSDĐ còn nợ, nếu không sẽ bị tính theo giá mới. “Số tiền tôi đóng lần này khoảng 600 triệu đồng. Mấy hôm nay phải chạy đi vay mượn mới đủ” - ông L. nói.
Nhiều người dân cũng gặp khó khăn như ông L. Không ít người phải thế chấp vay ngân hàng để có tiền trả nợ. Không ít người dân cầm tập hồ sơ kẹp theo tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trị giá bạc tỉ mà gương mặt vẫn đầy lo âu.
Trước tình trạng nhiều người dân dồn dập nộp hồ sơ, nhiều chi nhánh VPĐKĐĐ tại Hà Nội đã thông báo sẽ làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để tiếp nhận, giải quyết cho bà con.
Đà Nẵng, Cần Thơ thong thả
Trong khi đó, ghi nhận tại TP Đà Nẵng cho thấy một bầu không khí dễ thở hơn. Dù chỉ còn hai ngày nữa là đến hạn chót, Chi cục Thuế tại các khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vẫn có rất ít người dân đến nộp hồ trả nợ. Đa số họ đến làm các thủ tục thuế khác liên quan đến doanh nghiệp, đất đai...
Bà Lê Thị Kim Liên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cho biết công tác giải đáp vướng mắc cho người dân đã được TP chỉ đạo làm rất quyết liệt suốt hơn một năm qua. Nhờ vậy, thời điểm hiện tại không có cảnh quá tải.
“Hiện nay, toàn địa bàn quận Sơn Trà tất cả trường hợp đều đã được thông báo về thuế. Người dân chỉ còn phương án xoay tiền để đi nộp chứ không thể kéo dài để tránh bị thiệt hại” - bà Liên nói. Những trường hợp chưa nộp tiền phần lớn có những vướng mắc về đất đai vô cùng phức tạp, chủ yếu là từ phía gia đình người dân. Đến hết ngày 26-2, quận Sơn Trà chỉ còn 38 trường hợp, quận Ngũ Hành Sơn còn 32 trường hợp chưa trả nợ TSDĐ.
Tương tự, đại diện Chi cục Thuế khu vực Thanh Khê - Liên Chiểu cho biết công tác tuyên truyền, đốc thúc người dân đến hạn trả nợ đã làm từ đầu nên trong một tuần qua chỉ có một vài trường hợp đến nộp hồ sơ. “Mỗi ngày chỉ có 2-3 trường hợp đến trả nợ. Càng đến cuối thời hạn thì số lượng người đến càng ít dần. Hiện tại, ở quận Thanh Khê hồ sơ đang được xử lý, không còn tình trạng tồn đọng” - vị này thông tin. Tuy nhiên, các đơn vị cho biết vẫn sẽ làm cả thứ Bảy, Chủ nhật tuần này để giải quyết cho tất cả người dân cần trả nợ.
Trước đó, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết về việc ủy thác 200 tỉ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội TP để cho các hộ dân vay trả nợ đúng thời hạn. Tính đến ngày 18-2-2021, đã có 2.250 hồ sơ trong tổng số 3.573 hồ sơ trên toàn TP đã trả nợ TSDĐ theo nghị định trên.
Tương tự, tại TP Cần Thơ, ông Cáp Quý Phúc, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, cũng cho biết những ngày này không có hiện tượng người dân ồ ạt đến đóng TSDĐ như một số địa phương khác.
“Từ khi Nghị định 79 có hiệu lực, ngành thuế thành phố đã triển khai thực hiện, đôn đốc người dân việc thanh toán nợ TSDĐ từ rất sớm. Đa số người dân thực hiện theo đúng quy định. Chỉ có Chi cục Thuế ở quận Cái Răng và Bình Thủy thì số lượng người dân đến trả nợ nhiều hơn bình thường song cũng không quá tải. Chúng tôi cũng sẽ làm việc luôn cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để tiếp nhận hồ sơ cho bà con” - ông Phúc thông tin.•
Không cho gia hạn thời gian trả nợ Trước đó, cử tri TP Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị xin gia hạn, kéo dài thêm khoảng một năm để người dân có điều kiện trả nợ TSDĐ theo Nghị định 79. Lý do là năm 2020, TP và khu vực miền Trung xảy ra đại dịch COVID-19, thiên tai liên tục làm đời sống người dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, ngày 18-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị TP cần phải khẩn trương thực hiện chính sách thu TSDĐ đối với các đối tượng còn ghi nợ theo đúng quy định tại Nghị định 79. |
Thông báo hướng dẫn nộp hồ sơ trả nợ TSDĐ của Cục Thuế TP Hà Nội đề nghị các hộ gia đình, cá nhân lưu ý rà soát, xem kỹ trên giấy chứng nhận của gia đình có còn được ghi nợ TSDĐ không. Trường hợp có ghi nợ mà chưa thanh toán thì đề nghị các hộ gia đình, cá nhân liên hệ với VPĐKĐĐ chi nhánh các quận, huyện, thị xã để được hướng dẫn trước ngày 28-2-2021. Tránh trường hợp thanh toán trả nợ sau ngày 28-2-2021 sẽ bị tính TSDĐ theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất của năm 2021 trở đi cơ bản cao hơn giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận). |