Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của viện trưởng VKSND Tối cao cho biết công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các trường hợp truy tố oan giảm mạnh.
Báo cáo dẫn chứng số bị cáo tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội được kéo giảm qua các năm: Năm 2016 là 14 bị cáo; 2017 là 12 bị cáo; 2018 là sáu bị cáo; 2019 là sáu bị cáo và 2020 có ba bị cáo.
765 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh
Cũng theo báo cáo, ngành kiểm sát đã chủ động rà soát, kiểm tra và giải quyết dứt điểm những vụ án có dấu hiệu oan, sai, các vụ án có đơn khiếu kiện kéo dài hoặc đơn khiếu nại cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Cạnh đó, kịp thời kháng nghị để xem xét minh oan cho người vô tội, khắc phục bỏ lọt tội phạm.
Dưới góc độ của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đánh giá trong nhiệm kỳ qua, VKSND các cấp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
Đặng Thanh Tuấn (giữa) trở về trong vòng tay ba mẹ sau khi được tòa hai cấp tuyên không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Ảnh: HY
“Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên (KSV) tại các phiên tòa được nâng lên, nhiều KSV đã chủ động tham gia xét hỏi, tranh tụng để làm rõ nội dung vụ án, đặc biệt là tại nhiều phiên tòa xét xử các vụ án lớn được cử tri ghi nhận và đánh giá cao”- báo cáo thẩm tra nêu.
Ủy ban Tư pháp cũng ghi nhận số bị can bị VKS truy tố được tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm nhiều. Ngoài ra, tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm được tòa án chấp nhận năm 2019, năm 2020 và tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được tòa án chấp nhận trong nhiệm kỳ vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng chất lượng thực hành quyền công tố trong một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn tới việc còn để xảy ra 41 trường hợp bị truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội. Cạnh đó, có 765 trường hợp VKS truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến tòa án phải xét xử về khoản khác hoặc tội danh khác tội danh VKS đã truy tố; 178 trường hợp VKS phải rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
“Chất lượng tranh tụng của một số KSV tại phiên tòa còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa chủ động tranh luận, đối đáp, đi đến cùng các ý kiến của người bào chữa nên chưa thuyết phục” - Ủy ban Tư pháp nhận định.
Ngoài ra, một số kháng nghị thiếu căn cứ, sau đó VKSND cấp trên phải rút kháng nghị của VKSND cấp dưới. Số bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị VKSND cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm ít hơn so với trước đây khi VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền này.
Một số vụ bồi thường bị kéo dài
Cũng theo báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, trong kỳ ngành kiểm sát thụ lý 94 trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm giải quyết (đã giải quyết 79 trường hợp). Trong số này, VKS có trách nhiệm trực tiếp giải quyết 60 trường hợp; đã thương lượng thành và ra quyết định giải quyết bồi thường 45 trường hợp. Có một trường hợp hết thời hiệu yêu cầu bồi thường, VKS đã tiến hành các thủ tục công khai xin lỗi.
Ngành đang tiếp tục giải quyết 14 trường hợp, trong đó năm trường hợp đang xác minh và chín trường hợp đang thương lượng. Ngoài ra, VKS cũng tham gia giải quyết 34 trường hợp. Những trường hợp này đã giải quyết nhưng đương sự không chấp nhận nên đã khởi kiện và tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục án dân sự…
Báo cáo khẳng định công tác giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự tiếp tục được VKSND Tối cao quan tâm chỉ đạo thực hiện, bảo đảm đúng quy định. Việc lập hồ sơ giải quyết bồi thường bảo đảm đúng trình tự, thủ tục; việc chi trả tiền bồi thường bảo đảm khẩn trương.
Tuy nhiên, viện trưởng VKSND Tối cao thừa nhận một số vụ, việc còn bị kéo dài thời gian giải quyết. Nguyên nhân do một số việc phức tạp xảy ra đã lâu, việc thu thập tài liệu, xác minh thiệt hại khó khăn; thiếu tài liệu chứng minh thiệt hại; việc cấp kinh phí qua nhiều trình tự, thủ tục; giữa VKS và đương sự không thống nhất được mức bồi thường… Báo cáo dẫn chứng ở TP.HCM là trường hợp bà Trần Thị Thuận và ông Trần Hoàng Minh.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp cho rằng mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng các vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm và kéo dài qua nhiều năm đã gây dư luận không tốt, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
19 yêu cầu bồi thường thuộc tòa án Báo cáo chánh án TAND Tối cao khẳng định trong nhiệm kỳ 2016-2021, công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 1-10-2015 đến 30-9-2020, các tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án và giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Đây là các trường hợp oan sai xảy ra trước đó. Cạnh đó, các tòa án cũng đã thụ lý 76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong đó, 42 vụ yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường trong hoạt động TTHS, 15 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước; 18 vụ yêu cầu bồi thường trong thi hành án dân sự và một vụ yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Các tòa án đã giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật 60 vụ, còn lại 16 vụ đang được xem xét, giải quyết. Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp đánh giá trong nhiệm kỳ, các tòa án đã đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết các yêu cầu bồi thường và các vụ án dân sự yêu cầu bồi thường do người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước. Việc giải quyết bảo đảm khách quan, thận trọng, công bằng, minh bạch, đặc biệt đã khẩn trương hoàn thành việc giải quyết bồi thường đối với một số trường hợp oan xảy ra từ lâu, được dư luận đồng tình. |