vĐồng tin tức tài chính 365

Thời khắc phù hợp để dừng lại, tái hiệu chỉnh...!

2021-02-27 10:03

Thời khắc phù hợp để dừng lại, tái hiệu chỉnh...!

Nguyễn Khắc Giang

(TBKTSG XUÂN) - Tháng 11 năm ngoái lần đầu tiên tôi lên máy bay, từ sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai được dập tắt ở New Zealand hồi tháng 7. Sân bay quốc tế Wellington vắng vẻ như những ga tàu miền quê lúc cuối tuần. Khi bước ra cửa khởi hành, nhân viên hàng không yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trước khi lên máy bay. Tôi ngồi ngay ngắn bên cửa sổ, hồi hộp như chuyến bay đầu tiên trong đời. Chúng ta thường quên mất đặc ân cho đến khi đánh rơi nó.

Vấn đề sai phạm ở Thủ Thiêm có lẽ đã không kéo dài tới hơn 20 năm nếu đối thoại diễn ra sớm hơn. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Với tôi, hàng không vẫn luôn là điều kỳ diệu: cỗ máy bằng sắt khổng lồ, bay lượn như loài chim bằng trong Nam Hoa kinh, đưa loài người đi đến tận cùng thế giới chỉ trong một giấc ngủ say. Nhưng như những điều kỳ diệu khác, chúng ta thường quên mất đặc ân cho tới khi đánh rơi nó. Thế giới thời Covid-19, những chuyến bay không cách ly, những cái ôm chặt, biển người cuồng nhiệt ở sân bóng đá, những con phố mua sắm đông đúc, hay những lần gặp gỡ bạn bè, trở thành xa xỉ.

Với nhiều người, 2020 là một năm đáng quên. Dịch Covid-19 là tai ương lớn nhất, nhưng ngoài ra chúng ta còn phải hứng chịu hàng loạt biến cố khác thường. Đã lâu lắm rồi miền Trung mới trải qua những đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão gây thiệt hại về người và của lớn đến như vậy. Ở ngoài biên giới Việt Nam, cháy rừng ở quy mô chưa từng có diễn ra ở Amazon và Úc. Biểu tình và bất ổn với số người tham gia ở mức kỷ lục diễn ra triền miên ở Mỹ và Pháp, bất chấp nguy cơ dịch bệnh.

Nhưng năm 2020, với tất cả những tai ương nó mang đến, lại là thời khắc phù hợp để chúng ta dừng lại và “tái hiệu chỉnh” thái độ và cách ứng xử với những vấn đề lớn: tự nhiên, công nghệ, và mô hình quản trị công.

Làm lành với tự nhiên

Việt Nam vẫn là một trong những nước sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã nhiều nhất thế giới, và biên niên sử của Covid-19 đã có thể không bắt đầu ở Vũ Hán, mà là tại một quán đặc sản thú rừng nào đó ở Hà Nội hay TPHCM.

Đầu tiên là với tự nhiên. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ vĩ đại vào cuối thế kỷ 20 tiếp diễn đến ngày nay mang đến sự tự tin thái quá về khả năng khống chế thiên nhiên của loài người.

Dân số bùng nổ, đô thị lan rộng, máy móc đưa con người khám phá gần như từng mét vuông trên toàn địa cầu, khiến chúng ta tin rằng không còn kẻ thù đáng kể nào mà loài người không biết đến. Sự phát triển của khoa học và y tế cũng khiến chúng ta tin vào khả năng dập tắt bất kỳ nguồn bệnh nguy hiểm một cách dễ dàng.

Một dịch bệnh mang quy mô toàn cầu như cúm Tây Ban Nha 100 năm trước, hay xa hơn là dịch hạch hơn 600 năm trước, là điều không tưởng, trước năm 2019.

Nhưng tốc độ lây lan và sức tàn phá kinh hoàng của dịch Covid-19 cho thấy điều ngược lại: càng mở rộng, con người lại càng gặp nhiều rủi ro khi tiến đến những lãnh địa chưa được khai phá của tự nhiên. Nguồn bệnh như những quái vật ngủ đông, thức dậy khi loài người lấn tới để khai thác gỗ, mở ra khu định cư mới, hay săn tìm động vật quý hiếm. Toàn cầu hóa với thế giới siêu kết nối khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trở thành nhiệm vụ khó khăn hơn bao giờ hết.

Với Việt Nam, yêu cầu hài hòa với tự nhiên còn gắn với nỗi lo hiện hữu của biến đổi khí hậu. Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long một mặt phải chống chịu với những cơn hạn hán lịch sử rồi xâm nhập mặn, mặt khác lại có nguy cơ chìm dưới nước biển vào cuối thế kỷ 21. Ở những địa phương khác, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và khó đoán hơn, nhiều khi đi ngược lại với những kinh nghiệm dân gian mà cha ông truyền lại.

Đây đương nhiên không hoàn toàn là vấn đề riêng của Việt Nam. Hơn nữa, dù có cấp tiến đến mấy, thay đổi chính sách ở riêng nước ta cũng khó lòng đảo ngược ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nếu các quốc gia khác không đồng lòng. Tuy nhiên, thái độ tích cực và chủ động “sống hài hòa” vẫn sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực trong quá trình giao thoa với tự nhiên.

Việt Nam vẫn là một trong những nước sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã nhiều nhất thế giới, và biên niên sử của Covid-19 đã có thể không bắt đầu ở Vũ Hán, mà là tại một quán đặc sản thú rừng nào đó ở Hà Nội hay TPHCM. Những trận lũ ở miền Trung và Tây Nguyên sẽ bớt khốc liệt hơn nếu rừng đầu nguồn không bị tận diệt và các công trình thủy điện được quy hoạch phù hợp hơn.

Chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo gần đây là chỉ dấu khả quan, tuy nhiên, thay đổi không thể chỉ đến từ chính quyền. Doanh nghiệp cần hướng tới mô hình kinh doanh xanh và bền vững. Khách hàng - với quyền lực từ chiếc ví - cần thay đổi nhu cầu của chính mình để điều tiết hành vi kinh doanh.

Những việc làm đơn giản như tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng túi nylon, hay sử dụng phương tiện công cộng sẽ đem đến kết quả tích cực nếu thực hiện trên quy mô đủ lớn. Phát triển bền vững không chỉ là tạo ra những sản phẩm bền vững, mà còn là hướng đến nhu cầu bền vững: mỗi người chỉ sử dụng vừa đủ những thứ mình cần.

Thái độ với công nghệ

Điểm sáng của thế giới trong năm 2020 là phát triển công nghệ, đặc biệt là các nền tảng truyền thông Internet. Nhờ có Zoom, Facebook, hay Google, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội vẫn tiếp diễn dù địa lý bị ngăn cách bởi lệnh cấm bay và đóng cửa biên giới.

Các cuộc họp được tổ chức trực tuyến (theo một hướng tích cực, giúp tiết kiệm khoản lớn kinh phí và giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ máy bay), gia đình và bạn bè cũng dần quen với những cuộc hội ngộ qua mạng. Cổ phiếu của những hãng công nghệ tăng chóng mặt, phản ánh kỳ vọng về vai trò không thể thay thế của nó trong xã hội loài người.

Vấn đề hiện tại không còn là có nên ưu tiên phát triển công nghệ hay không, mà là phát triển nó như thế nào. Công nhận vai trò của chúng, nhưng công nghệ không phải là liều thuốc vạn năng mà không có hiệu ứng phụ. Vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook vào năm 2018, khi thông tin của hàng triệu người dùng bị rò rỉ và sử dụng cho các cuộc vận động chính trị, cho thấy mức độ nguy hiểm khi công nghệ không được kiểm soát.

Với số người dùng Internet chiếm một phần ba dân số và hầu như ai cũng có tài khoản mạng xã hội, bảo mật thông tin đáng lẽ cần được đề cao hơn. Tuy nhiên, từ nhà chức trách, doanh nghiệp, cho đến người dùng, dường như đây vẫn chưa phải là chuyện đáng để tâm. Năm ngoái, hơn 50 triệu tài khoản Facebook của Việt Nam bị lộ số điện thoại. Năm nay, thông tin cá nhân của hai triệu người dùng Facebook được chia sẻ miễn phí trên một diễn đàn hacker.

Trong những năm qua, đặc biệt khi nguyên chủ tịch tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng “cầm trịch” quản lý thông tin - viễn thông, nhiều chính sách liên quan đến vấn đề bảo mật - an ninh mạng được thông qua. Điều này bước đầu tạo cơ sở để thiết lập môi trường công nghệ lành mạnh và an toàn hơn.

Nhưng những tranh luận xung quanh Luật An ninh mạng - thông qua vào năm 2018 đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn - cho thấy tình thế lưỡng nan giữa yêu cầu quản lý và phát triển. Buông lỏng giám sát thì mất an toàn, nhưng siết chặt quá mức sẽ làm mất đi sự tự do cần thiết cho sáng tạo công nghệ.

Thêm vào đó, việc dữ liệu được quản lý bởi Nhà nước không nhất thiết đi liền với mức an toàn cao hơn. Việc các hacker đột nhập vào cơ sở dữ liệu do Nhà nước nắm giữ không phải là chuyện hiếm. Nghiêm trọng hơn, dữ liệu cá nhân được thu thập thậm chí còn có thể bị sử dụng để hạn chế quyền tự do của người dân, đặc biệt trong những thể chế không minh bạch. Điều này dẫn tới vấn đề đáng quan tâm thứ ba - thái độ với quản trị công.

Chính quyền tương tác

Trong giới nghiên cứu quản trị, câu chuyện được tranh luận nhiều nhất trong năm qua là “chính quyền hiệu quả”. Từ sau khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã vào đầu thập niên 1990, dòng chính thống của khoa học chính trị luôn coi thể chế dân chủ phương Tây là khuôn thước của quản trị công.

Tuy nhiên, một loạt các sự cố trong hơn chục năm đổ lại khiến niềm tin này bị lung lay: từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 cho đến sự kiện Anh rời Liên hiệp châu Âu (Brexit), và gần đây nhất là những hỗn loạn ở chính trường Mỹ. Khủng hoảng Covid-19 một lần nữa đưa vấn đề này lên bàn cân, khi nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất là các nước phương Tây.

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào tình hình mỗi khu vực, có thể thấy thực tế phức tạp hơn vậy: hình mẫu phòng chống dịch - ngoại trừ các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á như Việt Nam, Hàn Quốc, hay Đài Loan - bao gồm cả các nước khác như New Zealand, Úc, hay Đức. “Chính quyền hiệu quả” dường như không có đường biên rõ ràng về thể chế chính trị.

Chiến dịch chống Covid-19 thành công ở các quốc gia trên có ba đặc điểm chung: cùng với chính quyền đủ năng lực, thông tin minh bạch, sự đồng lòng và hiệp lực từ người dân giữ vai trò hết sức quan trọng. Ở nước ta, người dân không chỉ tự giác chấp hành mà còn phát giác những ai vi phạm quy định, đồng thời hỗ trợ tối đa cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch.

Không chỉ trong cuộc chiến với Covid-19, người dân cũng góp phần không nhỏ trong các hoạt động cứu trợ nạn nhân thiên tai ở miền Trung trong mùa mưa bão vừa qua. Điều này cho thấy nguồn lực dồi dào của người dân, mà nếu biết cách tận dụng, sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm được điều này, quản trị công cần mang tính “tương tác” với người dân nhiều hơn, theo nghĩa quá trình làm chính sách luôn có sự tham gia của người dân. Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội 13 gọi đó là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Một chính quyền tương tác phải là một chính quyền minh bạch, bởi khi không có thông tin chính xác và đầy đủ thì người dân không thể hỗ trợ. Đó là bài học lớn đúc kết từ thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Thêm vào đó, để “tương tác”, chính quyền cần thiết lập những kênh đối thoại thường xuyên và hiệu quả với người dân, thay vì chỉ xử lý theo sự vụ. Vấn đề sai phạm ở Thủ Thiêm có lẽ đã không kéo dài tới hơn 20 năm nếu đối thoại diễn ra sớm hơn.

Nói một cách tích cực, năm 2020 không phải là thời điểm để chúng ta tiếc nuối những gì đã mất (vì Covid-19), mà là để trân trọng những gì đang có. Những cuộc khủng hoảng lớn luôn đi kèm với biến chuyển lớn trong đời sống loài người, và thường là sau đó, cuộc sống của nhân loại trở nên tốt đẹp hơn trước. Tất nhiên, những thứ tốt đẹp không tự dưng mà có. Thế giới hậu Covid-19 định hình thế nào phụ thuộc trước tiên vào thái độ và hành động của từng chủ thể: Chính phủ, doanh nghiệp, và mỗi người dân. 

Xem thêm: lmth.hnihc-ueih-iat-ial-gnud-ed-poh-uhp-cahk-ioht/659213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thời khắc phù hợp để dừng lại, tái hiệu chỉnh...!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools