vĐồng tin tức tài chính 365

Cải cách pháp luật để tồn tại bền vững

2021-02-27 10:03

Cải cách pháp luật để tồn tại bền vững

LS. Nguyễn Tiến Lập(*)

(TBKTSG XUÂN) - Nếu trong năm 2020, thế giới hứng chịu đại dịch Covid-19 thì Việt Nam còn phải trải qua một thiên tai khủng khiếp khác là bão lũ ở miền Trung. Trong những hoàn cảnh cụ thể ấy, mỗi người dường như nỗ lực tìm cách để tồn tại hơn là phát triển.

Và có lẽ sau hơn 2.000 năm vắt kiệt bầu sữa tài nguyên để cưu mang và giúp loài người đi tới nền văn minh vật chất, bà mẹ hiền trái đất đã không còn đủ sức; chẳng những thế, phải nổi giận để tự cứu lấy mình. Do vậy, đã đến lúc chính con người cũng phải tự nhìn lại để thay đổi.

Bão lũ miền Trung mới chỉ là những chuỗi phản ứng ban đầu của trái đất đối với sự mất cân bằng sinh thái do con người gây ra.

Tôi có một anh bạn Việt kiều là giảng viên đại học tại Mỹ, thành viên một quỹ bảo tồn thiên nhiên, vừa cung cấp một thông tin thú vị. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, trong con suối bên bìa rừng gần nhà anh ở bang Connecticut, đàn cá mà anh thường cho ăn mỗi khi rảnh rỗi bỗng gia tăng và kéo theo cả đàn vịt và gà rừng tụ đến, vốn là chuyện chưa bao giờ xảy ra.

Tôi nói: phải chăng là “nhờ” dịch Covid-19? Anh nói: đúng, và cho biết giới quan sát khí hậu đã xác nhận lượng khí thải carbon năm nay tụt xuống, dự kiến 7-10% so với năm 2019 do tác động của việc cắt, giảm các hoạt động công nghiệp và sinh hoạt của con người.

Có một hiện tượng khác rất đời thường được chú ý. Đó là trong việc chào bán iPhone 12, tập đoàn Apple đã chủ động cắt bỏ các phụ kiện vốn luôn được đính kèm: cục sạc, tai nghe và cả sách hướng dẫn. Nhiều nhà phân tích cho rằng điều này là động thái khôn ngoan của nhà sản xuất nhằm giảm giá sản phẩm. Tôi chia sẻ một đánh giá khác: đó là phản ứng tích cực và nhanh nhạy của Apple nhằm bảo vệ môi trường, thông qua việc giảm bớt sử dụng nguyên liệu và tác động điều chỉnh hành vi, khuyến khích tiết kiệm đối với người dùng.

Ở thời điểm này, trên căn bản nhận thức rằng vận mệnh của mỗi quốc gia và con người không thể thoát ly khỏi môi trường tự nhiên, đồng thời các hiện tượng bất thường như đại dịch Covid-19 hay bão lũ miền Trung mới chỉ là những chuỗi phản ứng ban đầu của trái đất đối với sự mất cân bằng sinh thái do con người gây ra, rất cần thiết phải đặt ra những bài toán mới về cải cách theo một tinh thần và định hướng khác.

Vậy, phải chăng những con người văn minh và thông thái đã thức tỉnh? Không phải chỉ là nhận biết các hậu họa của thiên tai để phòng chống như trước, mà còn hiểu ra một điều căn bản và lớn lao hơn. Đó là cả động cơ và lối sống của mình đã sai, khi ích kỷ chỉ biết mình mà quên ơn người Mẹ thiên nhiên là trái đất và khí quyển?

Tôi muốn nói đến khẩu hiệu và mô típ hành động nào cho mỗi người chúng ta trong năm mới khi chia tay với năm 2020 đầy vật vã. Thay vì “thay đổi để phát triển” như một chủ đề muôn thuở thì có lẽ cần “thay đổi để tồn tại bền vững”.

Từ góc độ môi trường chính sách và thể chế, các bài toán về cải cách hơn 30 năm qua để tăng trưởng kinh tế lấy GDP làm mục tiêu bằng khai thác cả tài nguyên, sức người và các biên độ tới hạn của thể chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dường như đã được giải hết.

Ở thời điểm này, trên căn bản nhận thức rằng vận mệnh của mỗi quốc gia và con người không thể thoát ly khỏi môi trường tự nhiên, đồng thời các hiện tượng bất thường như đại dịch Covid-19 hay bão lũ miền Trung mới chỉ là những chuỗi phản ứng ban đầu của trái đất đối với sự mất cân bằng sinh thái do con người gây ra, rất cần thiết phải đặt ra những bài toán mới về cải cách theo một tinh thần và định hướng khác.

Với mục tiêu tồn tại và tồn tại bền vững cho con người, nội hàm của các bài toán cải cách mới đó cần thể hiện những thay đổi gì cả về tư duy và hành động?

Thứ nhất, chính sách bảo vệ môi trường cần gắn liền với bảo đảm và thực thi công lý môi trường (environmental justice). Trên phạm vi toàn cầu, trong suốt 30 năm qua, song hành với việc Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới và siêu cường kinh tế thứ hai là quá trình chuyển dịch các ngành công nghiệp chế tạo gây tổn hại môi trường từ các nước phát triển sang các nước thuộc “thế giới thứ ba”.

Còn ngay tại các nước đang phát triển hay “thế giới thứ ba” này, các chính phủ thực hiện chính sách tương tự, đó là di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm ra bên ngoài các đô thị, đồng thời xem nhẹ, thậm chí bỏ qua các tác động gây hại và biến đổi môi trường ở các khu vực nông thôn.

Hậu quả sau quá trình đó là sự khơi dậy các làn sóng di cư hay tị nạn môi trường (environmental migration) ở cả hai cấp độ: người giàu ở các nước nghèo chuyển sang sống ở các nước phát triển, trong khi người dân ở các vùng nông thôn của các nước nghèo, hoặc cam chịu sống chung với ô nhiễm, hoặc phải bỏ quê hương để đến sống ở các đô thị, không chỉ bởi môi trường ô nhiễm mà còn vì các điều kiện tự nhiên cho sinh kế đã bị phá hủy.

Tình trạng bất công xã hội về môi trường đã xảy ra và ngày càng hiện hữu một cách phổ biến. Gần đây, truyền thông trong nước đã cảnh báo xu hướng này, theo đó ví dụ điển hình là khu vực đồng bằng sông Cửu Long từng rất trù phú đã bị giảm hơn 1,3 triệu dân số sau mười năm có nguyên nhân quan trọng từ biến đổi về môi trường và khí hậu.

Như vậy, nhu cầu cập nhật chính sách và pháp luật không chỉ xuất phát từ mục tiêu bảo vệ các tác động của công nghiệp đối với môi trường, mà còn cần hướng đến bảo vệ con người là nạn nhân của ô nhiễm và tác động môi trường. Rất may, trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2020 đã có một điều khoản phù hợp xu hướng này.

Đó là quy định về nghĩa vụ chứng minh quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật môi trường và thiệt hại do ô nhiễm gây ra không còn thuộc nghĩa vụ của bên khởi kiện (là nạn nhân) mà được chuyển sang cho bên gây ra ô nhiễm. Mặc dù thế, sẽ còn nhiều chính sách và quy định thi hành khác cần được Chính phủ ban hành để hiện thực hóa tiêu chí này.

Qua những hiện tượng như đại dịch Covid-19 và đợt bão lụt miền Trung năm 2020, bài toán mới đặt ra cho mỗi cá nhân rõ ràng không chỉ là phát triển mà còn là sống sót và tồn tại.

Thứ hai, thay vì tăng cường dân chủ cơ sở như trước, cần có chủ trương về phát triển cộng đồng và thực thi dân chủ cộng đồng. Khi nói tới “cơ sở” là đề cập tới mối quan hệ trên dưới về quản lý nhà nước, theo đó, “cơ sở” là cấp triển khai cuối cùng của mọi chính sách do “cấp trên” ban hành. “Dân chủ cơ sở” thực chất là sự phản hồi chính sách từ mỗi cá nhân người dân trong đời sống hàng ngày.

Tại sao điều này lại liên quan đến phát triển hay tồn tại bền vững? Bởi về khách quan, mỗi đơn vị dân cư ở dưới luôn là các cộng đồng độc lập tương đối xét theo các phạm trù sở hữu, năng lực và lợi ích.

Do đó, đứng trước mọi thách thức và rủi ro khách quan như thiên tai, dịch họa, quyền và khả năng ứng phó tự chủ một cách tập thể của các cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Phát triển cộng đồng là tăng cường các năng lực ấy, còn dân chủ cộng đồng là bảo đảm trao quyền chính trị và pháp lý cho cộng đồng để người dân tự giải quyết các vấn đề của chính mình.

Do đó, một đề xuất của tôi trong bài toán cải cách mới là xây dựng một đạo luật về dân chủ cộng đồng để thay thế cho Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tồn tại từ năm 2007.

Thứ ba, bên cạnh hai trụ cột của tồn tại xã hội là Nhà nước và thị trường, rất cần phát triển một “cái chân” thứ ba là khu vực các tổ chức xã hội phi lợi nhuận. Qua những hiện tượng như đại dịch Covid-19 và đợt bão lụt miền Trung năm 2020, bài toán mới đặt ra cho mỗi cá nhân rõ ràng không chỉ là phát triển mà còn là sống sót và tồn tại. Dựa trên thực tế truyền thống, nếu thị trường có sứ mệnh giải quyết các vấn đề của phát triển thì Nhà nước đóng vai trò bảo đảm sự tồn tại của quốc gia.

Tuy nhiên, liệu rằng năng lực của Nhà nước có là vô tận để đương đầu và xử lý thành công mọi thách thức đặt ra trong bối cảnh mới đầy rủi ro của mất cân bằng sinh thái và biến đổi khí hậu? Việt Nam đã từng có nhiều khả năng chịu đựng và ứng phó với dịch họa, nhưng e rằng đang có những thiếu hụt khá nghiêm trọng trong quản trị rủi ro và quản trị khẩn cấp (emergency management).

Lấy ví dụ trong đợt bão lụt miền Trung vừa qua, nếu mọi năng lực xã hội đã được huy động khá hiệu quả cho việc cứu mạng và cứu đói các nạn nhân, thì một câu hỏi lớn vẫn còn đó: làm sao giải quyết các vấn đề hậu thiên tai một khi mọi cơ sở hạ tầng căn bản của đời sống kinh tế và dân sinh đã bị tàn phá?

Chính vì vậy, sự thức tỉnh cần có qua các thảm họa thiên nhiên đã và đang trải qua, giúp chúng ta nhận ra các hạn chế của chính quyền nói riêng và Nhà nước nói chung, đi theo đó là nhu cầu hỗ trợ và bù đắp bằng sự sẵn sàng, tính chủ động và khả năng tiếp ứng về vật chất và tinh thần nhanh chóng, linh hoạt của người dân và cộng đồng.

Năm cũ 2020 với đầy biến động tiêu cực về thiên nhiên, xã hội đã qua đi nhưng các hậu quả cũng như nguy cơ vẫn còn nguyên đó. Tính khẩn cấp của các phản ứng về thể chế đòi hỏi các cơ quan chức năng của Chính phủ không chỉ xem xét điều chỉnh các quy định cụ thể ngăn cản việc tiếp nhận và phân phối tài trợ từ thiện của cá nhân mà hơn thế, cần xây dựng để sớm trình ra Quốc hội một đạo luật chung về các tổ chức phi lợi nhuận và hoạt động thiện nguyện.

Đánh giá hiện trạng từ góc nhìn nói trên, thông điệp gửi đến mọi người khi bước vào năm mới 2021 của tác giả là sự sẵn sàng ứng phó với mọi biến động để tồn tại bền vững. Cải cách thể chế với các đề xuất lập pháp và thực thi pháp luật cụ thể có lẽ là một hành động cần thiết để đáp ứng nhu cầu lớn này.

(*) Thành viên NHQuang và cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Xem thêm: lmth.gnuv-neb-iat-not-ed-taul-pahp-hcac-iac/859213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cải cách pháp luật để tồn tại bền vững”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools