Liên quan đến vụ án "Giết người", "Cướp tài sản" xảy ra ở Bắc Ninh vào tháng 2/2020 vừa qua, luật sư Nguyễn Đức Thịnh - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, ông là người bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Hưng (SN 1991, trú tại thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Nhiều lần khai sát hại bác ruột vì cần tiền "chạy án"
Đáng chú ý, theo luật sư Thịnh, khi tiếp cận bị cáo Hưng trong Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh và có sự tham gia của điều tra viên, đại diện VKS ở giai đoạn tố tụng, bị cáo này đã nhiều lần khai về nguyên nhân, động cơ sát hại bà N.T.N. (bác ruột Hưng, trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vì cần tiền "chạy án" ở Hà Nội.
"Hưng cho biết do trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội "Trộm cắp tài sản" nên cuối năm 2019 bị một tòa án ở Hà Nội xử phạt 30 tháng tù giam. Để được hưởng mức án này, Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ công an và thẩm phán thụ lý, giải quyết. Sau đó, Hưng cần tiền để chạy chấp hành án ở Hà Nội nên đã thực hiện hành vi phạm tội tại nhà bà N." - ông Thịnh thông tin thêm.
Lý giải về việc động cơ của bị cáo Hưng - cần tiền để "chạy án" không được nêu rõ trong bản án sơ thẩm, luật sư Thịnh cho rằng do đây chỉ là lời khai một phía từ bị cáo này.
"Lời khai này đã được cán bộ điều tra ghi chép đầy đủ trong các bản cung cùng với các tài liệu liên quan và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã chuyển đến Công an TP Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền. Do thông tin này cần phải xác minh, chưa có kết luận chính thức nên tòa đã rất thận trọng khi nhận định động cơ gây án của bị cáo Hưng.
Việc bản án chỉ nêu bị cáo cần tiền nên đã có hành vi phạm tội là phù hợp, đầy đủ với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đúng bản chất tại thời điểm xét xử sơ thẩm" - ông Thịnh nêu quan điểm.
Nếu đã "chạy án" thì có dấu hiệu của tội "Đưa hối lộ"?
Tiếp tục chia sẻ với PV Dân trí, luật sư Thịnh cho biết, nếu trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm vụ án của Hưng mà các cơ quan pháp luật làm rõ, kết luận được lời khai cần tiền chạy án nên đã giết người cướp tài sản là đúng và có cơ sở thì tại phiên tòa phúc thẩm, ông sẽ đề nghị HĐXX cần xem xét đến nguyên nhân, động cơ và mối quan hệ nhân quả để làm sáng tỏ vụ án sát hại bà N.
Tuy nhiên, đây là hai vụ việc khác nhau nên dù làm rõ động cơ gây án của Hưng thì về bản chất, bản án sơ thẩm đã được TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên hồi tháng 1/2021 cũng "không thay đổi nhiều".
Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Bắc Ninh, để "chạy án" trộm cắp tài sản vào năm 2019, Hưng đã đưa hơn 600 triệu đồng 2 cán bộ công an (1 vị Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự và 1 cán bộ công an khác) tại trụ sở một cơ quan công an ở Hà Nội.
Tuy nhiên sau đó, khi cáo trạng được Viện KSND tỉnh Bắc Ninh ban hành đã không còn thể hiện danh tính người được gã chi tiền để chạy án. Đồng thời, cáo trạng còn cho biết ngoài các cán bộ công an còn có thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ trộm cắp tài sản đã được Hưng đưa tiền.
Chia sẻ quan điểm về nội dung nêu trên, theo luật sư Thịnh, nếu thông tin Hưng đã đưa khoảng 600 triệu đồng cho một số cán bộ công an và thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ án xảy ra vào năm 2019 ở Hà Nội là sự thật thì hành vi này có dấu hiệu của tội "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ" hoặc trong nhóm tội Xâm phạm hoạt động tư pháp quy định ở Bộ luật Hình sự 2015.
"Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao phải vào cuộc quyết liệt, điều tra làm rõ, truy tố, xét xử nghiêm minh nếu lời khai của Hưng là sự thật. Việc tiêu cực ra ngay lĩnh vực hoạt động tư pháp nếu có sẽ gây hậu quả xấu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và giảm sút lòng tin của nhân dân" - luật sư Thịnh bày tỏ.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nếu việc ngày 29/11/2019 tòa án ở Hà Nội xử phạt Hưng 30 tháng tù, nhưng chưa chấp hành hình phạt để Hưng đi gây án vào ngày 21/2/2020 thì vụ việc còn có dấu hiệu tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp từ người có thẩm quyền thi hành án hình sự đối với bị cáo này.
"Nếu người có thẩm quyền thi hành án cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không thi hành án".
Trường hợp xác định có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở việc thi hành án" - ông Tiền nêu quan điểm.
Nguyễn Trường - Tiến Nguyên