Những mẫu máu được lấy để xét nghiệm
Một buổi sáng năm trước, tôi đến Bệnh viện Hòa Hảo để xét nghiệm máu theo chỉ định của phòng khám. "Chị để tay lên bàn, đọc rõ tên tuổi địa chỉ" - cô điều dưỡng trong phòng xét nghiệm máu tiếp nhận tôi như bao nhân viên lấy máu khác nhưng khi dò thông tin, đọc chẩn đoán "rối loạn lo âu" của bác sĩ gửi đến, cô ấy ngừng lại nói: "Có nhiều chuyện lo lắng hả chị, chị ngủ không đủ hay sao, mặc dù chị đeo khẩu trang nhưng em vẫn thấy mắt chị không khỏe".
Cô gái khá trẻ nhẹ nhàng nói tiếp: "Mỗi ngày mình đi đường nhiều khói bụi, việc này việc kia đều dễ bức xúc, mình phải tìm cách vượt qua, nếu không cũng stress lắm. Chị thử nghe em đi, mỗi sáng dậy sớm chị mở audio lên nghe các câu chuyện khuyên mình sống vui vẻ, nhiều audio lắm, luyện suy nghĩ hằng ngày sẽ thấy không có gì quá lo, chị cố gắng lên nha". Sau khi nói những câu rất tình cảm này, cô ấy mới bắt đầu quy trình lấy máu.
Tôi bất ngờ, khi cảm ơn cô ấy và đứng dậy, tôi vẫn còn băn khoăn rằng dạo này bệnh viện đào tạo nhân viên kỹ năng giao tiếp tốt như vậy hay là tôi gặp được một cô gái sâu sắc riêng có. Là gì, thì bằng việc nhín chút thời gian, cô gái trẻ cũng đã ‘chạm’ vào tâm trí tôi trong buổi sáng đó.
Đối với người thầy thuốc, "chạm" vào bệnh nhân - chắc hẳn bao hàm rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, phải học chuyên sâu, nhưng ở góc độ người bệnh, dường như chỉ gói trọn trong hai chữ "mong muốn". Mong được thầy thuốc quan tâm. Có lúc là những "cái chạm" vật lý để cảm nhận về bệnh chính xác nhưng cũng có khi chỉ cần "chạm" vào một nỗi lo cũng đủ làm bệnh nhân bước ra khỏi bệnh viện thấy hạnh phúc cả ngày.
Trên mạng mới đây lan tỏa câu chuyện xúc động của bác sĩ Phạm Nguyên Quý: "Khi tôi sờ vào cục u (ác tính) trên da để thăm khám, bà đột nhiên bật khóc. Tôi hơi hoảng, liền hỏi ngay tại sao. "Bàn tay bác sĩ ấm làm tôi dễ chịu quá", bà kể đi khám ở các bệnh viện bốn tháng qua, bà không được ai chạm tới chỗ đau đó" (trích Vnexpress). Bác sĩ Quý kể khi cụ bà bật khóc, trong lòng anh cũng khóc thầm.
Có người chắc sẽ cười, sờ vào hay nói lời dịu ngọt thì có chữa được 100% bệnh không mà "đòi"?! Đúng là sờ vào chưa chắc chữa được bệnh, nghe lời hỏi han không chắc hết lo nhưng thời gian được thăm khám kỹ lưỡng, được bác sĩ nhìn vào mắt, thời gian nộp sổ lấy số không bị quát nạt - chắc chắn là khoảng thời gian giúp bệnh nhân thanh thản hơn để góp phần… tự chữa lành nhiều triệu chứng cho chính mình.
Khoa học cũng đã xác nhận tầm quan trọng của việc tự chữa lành, kéo giảm stress để tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch chính là cùng nhau góp sức chữa trị, kể cả trong chữa trị nan y.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam - GS.TS Nguyễn Chấn Hùng từng canh cánh tìm phương cách giao tiếp tốt hơn với người bệnh: "Tôi võ vẽ làm thơ để nói cho bà con dễ nghe, dễ hiểu hơn về bệnh ung thư. Bà con chắc sẽ nhớ lâu những câu như: "Ai ơi nhớ lấy câu này/Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui"".
An ủi người bệnh để giúp họ sống vui - suy cho cùng chính là việc thiện, là món quà mà nhiều người thầy thuốc đã trao tặng cho bệnh nhân.
Điều đáng ghi nhận là ngày càng nhiều bệnh viện, nhân viên y tế đã ý thức hơn về sức mạnh "những cú chạm" bằng cách cải thiện các thủ tục hành chính và thái độ giao tiếp.
Phân tích dữ liệu từ các kiốt khảo sát đặt tại các bệnh viện năm 2020 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy giảm gần 20.000 (50%) lời than phiền so với năm 2019, giảm 51% lời than phiền về cách hỏi bệnh, nói chuyện của y bác sĩ. Đó không phải là nỗ lực nhỏ, khi bệnh viện còn quá tải, chính sách quyền lợi còn bất cập, các thói quen… đều có thể tác động trực tiếp đến hành vi người làm ngành y.
Nhưng vẫn còn đó 50% lời than phiền. Vẫn còn nhiều bệnh nhân "thấy sợ" khi gặp bác sĩ.
Đó chắc chắn sẽ là thử thách để đội ngũ y tế tiếp tục thay đổi. Ai cũng có thể làm người bệnh trong cuộc đời, nên bệnh nhân không gì hơn mong có thật nhiều tình cảm tốt đẹp với người thầy thuốc. Mong gặp nhiều nụ cười, cái nhìn ấm áp, giọng nói sẻ chia, mong mỗi lần khám bệnh đều gặp cô gái dễ thương như cô điều dưỡng lấy máu xét nghiệm ở Bệnh viện Hòa Hảo tôi đã gặp, mấy tháng rồi tôi vẫn chưa quên cách mà em đã "chạm" vào những lo lắng của tôi.
Cảm ơn em.
TTO - Năm 2020 là năm không có lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 do toàn ngành y tế phải tập trung cao độ phòng chống dịch COVID-19 mới bùng phát lúc đó.
Xem thêm: mth.21993317162201202-oah-aoh-neiv-hneb-o-meihgn-tex-uam-yal-gnoud-ueid-oc-no-mac/nv.ertiout