Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, số phận của dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD hiện đang nằm trong tay Thượng viện. Giới quan sát nhận định tầm ảnh hưởng của gói cứu trợ này đến người tiêu dùng vẫn là điều khó đoán định, nếu được thông qua.
Phía Dân chủ, bao gồm Tổng thống Joe Biden, tin rằng chính quyền liên bang nên lập tức chi nhiều hơn để hỗ trợ người dân Mỹ, vực dậy nền kinh tế đang đình trệ cũng như giải quyết gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình.
Phát biểu vào ngày 27-2, ông Biden tuyên bố chào đón quyết định thông qua dự luật trị giá 1.900 tỉ USD của Hạ viện. Ông cho rằng quyết định này sẽ đưa nước Mỹ đến gần hơn với mục tiêu hồi phục kinh tế và tối đa hóa tiêm chủng COVID-19.
“Chúng ta không có thời gian để hoang phí. Nếu chúng ta hành động ngay, quyết tâm, tức thời và chắc chắn, chúng ta cuối cùng mới có thể dẫn trước virus này”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
Dự luật này sẽ dành ra đến 1.400 tỉ USD trong gói 1.900 tỉ USD là để chi trả trực tiếp cho người dân.
Hạ viện thông qua dự luật trên lúc 2h sáng ngày 27-2, theo giờ Mỹ, với 219 phiếu ủng hộ, 212 phiếu phản đối. Không một thành viên Đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ.
Khoản thâm hụt kéo dài một thập kỷ
Theo Cục Quản lý hành chính và ngân sách Mỹ (OMB), Washington sẽ buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi khác vì gói cứu trợ khổng lồ mới. Điển hình, việc cắt giảm theo đó sẽ đẩy chi phí của các khoản vay dành cho sinh viên.
Hỗ trợ của liên bang trong chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare có thể bị cắt giảm sẽ khiến một số bệnh viện và bác sĩ từ chối nhận loại bảo hiểm này. Bên bán bảo hiểm cũng sẽ đẩy các chi phí phát sinh về phía khách hàng.
Giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Phillip Swagel cảnh báo hôm 25-2 rằng gói cứu trợ sẽ đẩy thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ lên 1.900 tỉ USD trong vòng một thập kỷ tới. Kết quả là nguồn tài trợ cho Medicare sẽ giảm 4%, tức 36 tỉ USD, từ năm 2022.
Theo CNBC, 345 tỉ USD khác sẽ bị cắt giảm từ nhiều khoản chi “bắt buộc” của liên bang, nghĩa là những khoản chi không cần Quốc hội thông qua mỗi năm.
Ngoài hỗ trợ cho sinh viên, những khoản chi có nguy cơ bị cắt giảm lớn nhất sẽ là các chương trình nhà ở, thu thuế, bảo vệ nhà đầu tư và hoạt động hỗ trợ người thất nghiệp quốc gia.
Việc cắt giảm này nhìn chung sẽ lấy đi khoảng vài triệu đô, có khi ít hơn, từ những khoản chi này. CBO cũng cảnh báo khoản thâm hụt ngân sách từ gói cứu trợ mới cuối cùng sẽ quét sạch nguồn quỹ dành cho các chương trình kể trên.
Các chương trình an ninh xã hội, hỗ trợ bảo hiểm cho người có thu nhập thấp (Medicaid) và trợ giá lương thực sẽ được miễn cắt giảm.
Dân biểu Cộng hòa Jason Smith, thành viên Ủy ban Ngân sách Hạ viện, nhận định “dự luật này sẽ phương hại trực tiếp đến tầng lớp lao động của Mỹ”.
TTO - Sáng sớm ngày 27-2 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD, với 219 phiếu ủng hộ, 212 phiếu phản đối.