Nhiều YouTuber viện vào thông tư 67 của Bộ Công an - quy định người dân được quyền giám sát lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ.
Một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết đã được báo cáo về nhóm người thường xuyên đến các chốt CSGT đang làm nhiệm vụ rồi quay phim, livestream đòi kiểm tra chuyên đề hoặc kiểm tra các thiết bị nghiệp vụ.
Vô tình lọt vào ống kính nên nổi nóng
Trong một lần "giám sát" như nói trên, một vụ xích mích giữa 2 nhóm thanh niên xảy ra khuya 21-2 đã gây xôn xao trên mạng.
Được biết, đêm 21-2 tổ tuần tra thuộc đội CSGT Phú Lâm (PC08, Công an TP.HCM) làm nhiệm vụ tại khu vực cổng Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) thì một nhóm người xuất hiện, dùng nhiều điện thoại quay phim CSGT đang làm việc với người vi phạm.
Một lúc sau, một nam thanh niên ở gần đó không đồng ý việc nhóm quay phim tự ý ghi hình mình nên xảy ra cãi vã.
Được can ngăn, nam thanh niên này rời đi, tuy nhiên không lâu sau đó đã cùng một số người mang theo hung khí quay lại tìm nhóm người quay phim.
Lúc này, một tổ cảnh sát cơ động đang tuần tra trên quốc lộ 1 phát hiện sự việc nên giữ hai thanh niên cầm hung khí và đưa lên xe chuyên dụng chở đi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo PC08 cho biết đã được báo cáo về nhóm người thường xuyên đến các chốt CSGT đang làm nhiệm vụ rồi quay phim, livestream đòi kiểm tra chuyên đề hoặc kiểm tra các thiết bị nghiệp vụ.
Theo vị này, thông tư 67 của Bộ Công an quy định người dân được quyền giám sát lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc giám sát này không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, một cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra thuộc PC08 chia sẻ: "Nhiều trường hợp những người đến quay phim không liên quan gì đến người vi phạm đang làm việc với CSGT. Vậy mà họ cứ gí máy vào anh em đang làm nhiệm vụ rồi chất vấn đủ điều khiến anh em rất khó tập trung làm nhiệm vụ".
Giám sát, xem chuyên đề của CSGT: hiểu thế nào cho đúng?
Theo luật sư Hà Hải, tại điều 11 thông tư 67 quy định người dân có thể giám sát hoạt động của lực lượng CSGT bằng 5 hình thức gồm: thông qua các thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh.
Thông tư trên còn cho phép người dân giám sát CSGT thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
"Như vậy, người dân hoàn toàn có quyền quay phim, chụp ảnh CSGT nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ trong khu vực cho phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật" - luật sư Hải phân tích.
Luật sư Hà Hải cũng lưu ý trường hợp đủ căn cứ xác định người thực hiện quyền giám sát lực lượng CSGT nhưng lại có hành vi cản trở người thi hành công vụ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đến 3 triệu đồng.
"Trường hợp đủ cơ sở xác định người giám sát CSGT có hành vi cản trở người thi hành công vụ thì tùy vào mức độ hành vi mà có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" - luật sư Hải nói.
Đối với việc công khai chuyên đề, kế hoạch công tác của CSGT, luật sư Hải cho biết căn cứ điều 5 thông tư 67, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên là nội dung bắt buộc phải công khai.
Tại điều 6 thông tư này quy định 5 hình thức công khai gồm: đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan công an; đăng công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan công an; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
"Người dân có thể xem và kiểm tra kế hoạch, chuyên đề của lực lượng CSGT thông qua 5 "kênh" nêu trên và CSGT không có nghĩa vụ phải trực tiếp cung cấp chuyên đề, kế hoạch công tác cho người dân khi làm nhiệm vụ trên đường" - luật sư Hải nói.
YouTuber "tố" CSGT lấn chiếm lòng, lề đường?
Trong vụ việc kể trên, nhóm quay phim cũng "tố" tổ CSGT có hành vi lấn chiếm lòng, lề đường khi lập chốt kiểm soát phương tiện. Như vậy có đúng không?
Luật sư Hà Hải cho rằng nhận định này chưa đúng. Luật sư Hải viện dẫn thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông thì CSGT được quyền lập điểm để dừng, kiểm soát tại trạm CSGT hoặc tại một điểm.
"Khi dừng, kiểm tra, CSGT được quyền đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường. Điều này có nghĩa là CSGT được phép sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố để làm nhiệm vụ".
* Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia):
Tình trạng YouTuber chen lấn tại đám tang các nghệ sĩ để quay phim, livestream "câu view" đã vi phạm văn hóa ứng xử nơi công cộng và làm tổn thương hình ảnh riêng tư cá nhân. Giả sử không may ai có người thân mất, tôi nghĩ không ai muốn công khai những hình ảnh đau buồn như thế đến với công chúng.
Đằng này nhiều người dù chưa xin phép nhưng vẫn vô tư quay phim đăng lên như vậy là vi phạm đạo đức. Việc chen lấn nhau để quay phim, hò reo khi các nghệ sĩ xuất hiện tại đám tang là rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu tôn trọng người đã khuất.
Ngoài ra, trình độ tiếp cận thông tin và nhận thức của một bộ phận lớn người sử dụng Internet hiện nay còn kém, không phân biệt được đâu là thông tin đáng tin cậy.
Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người xem mà lỗi phần nhiều thuộc về những người làm YouTube thiếu sự sáng tạo mà bất chấp đạo lý, hậu quả là làm người xem tiếp nhận thông tin sai lệch, tạo ra văn hóa sử dụng mạng xã hội không lành mạnh.
* PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội):
Ở những nơi riêng tư, ai muốn làm gì thì làm nhưng ở khu vực công cộng, có ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của người khác thì phải ứng xử đúng chuẩn mực, tôn trọng sự riêng tư của mọi người.
Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, cộng đồng YouTuber sẽ phân hóa. Những người làm có đầu tư, cung cấp những thông tin bổ ích chắc chắn sẽ tạo được niềm tin, uy tín đối với khán giả.
Ngược lại, những YouTuber đi theo xu hướng nhảm nhí cũng sẽ phải tự đào thải. Người xem cũng cần thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng cách chặn hoặc báo cáo những nội dung nhảm nhí, phản cảm lên YouTube để họ kiểm tra, gỡ bỏ.
TTO - Từ chiều 9-12, thi thể nghệ sĩ Chí Tài được đưa về nhà đại thể, trung tâm pháp y TP.HCM (đường Trần Phú, quận 5, TP.HCM) cũng là lúc nhiều YouTuber và người dân hiếu kỳ đã có mặt và trực chiến đến khuya, gây náo loạn, phản cảm.
Xem thêm: mth.75153200182201202-gnud-ohc-oan-eht-ueih-uv-meihn-mal-tgsc-tas-maig-rebutuoy/nv.ertiout