Anh đang chuẩn bị bước vào năm thứ hai nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành điều khiển tự động tại Mines Paris, Université Paris Sciences et Lettres (PSL), Pháp. Nhiều dự định và cả mục tiêu chinh phục những cột mốc mới đã được nhà khoa học 9X ấy lập trình cho riêng mình.
Cột mốc trên hành trình khoa học
Ngoài nhận học bổng toàn phần trong suốt thời gian học, khi tốt nghiệp, tân kỹ sư Quốc Bảo đứng tên tác giả hơn 10 bài báo khoa học đã được công bố và báo cáo tại một số hội nghị quốc tế uy tín của các hiệp hội về điều khiển tự động trên thế giới. Đặc biệt, luận văn tốt nghiệp của anh đã xuất bản thành ba bài báo khoa học. Trong đó bài lớn nhất đăng trên IEEE Control Systems Letters, một tạp chí đầu ngành.
Thời sinh viên, Bảo từng nhận Giải thưởng Honda dành cho kỹ sư và nhà khoa học trẻ (Honda Y-E-S), Olympics Cơ học sinh viên toàn quốc, học bổng Odon Vallet (Pháp), Sunflower Mission (Mỹ), Kanden SS (Nhật).
Hành trang ấy phần nào giúp anh tự tin "săn" các học bổng và chương trình giao lưu quốc tế, tìm cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, vươn ra thế giới để mở rộng tầm nhìn, cũng là gầy dựng thêm các mối quan hệ phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu đã chọn.
Tại Diễn đàn HLF 2022, Quốc Bảo cùng TS Ngô Khắc Hoàng là hai trong số 30 đại biểu quốc tế được mời trình bày kết quả nghiên cứu trước các giáo sư, nhà nghiên cứu quy tụ từ khắp thế giới và báo giới khoa học. Đây cũng là kết quả đầu tay của anh trong quá trình làm tiến sĩ, từng được báo cáo tại một hội nghị đầu ngành tổ chức tại Mexico.
Chính việc có mặt tại đây, như anh nói đã giúp anh nhận được nhiều bài học quý. Bởi họ toàn là những người đã có hàng chục năm nghiên cứu, làm việc với khoa học và đoạt nhiều giải thưởng danh giá thế giới.
"Chúng ta thường nghĩ về họ như những thiên tài nhưng họ cũng từng vấp ngã nhiều lần. Khi trò chuyện với những nghiên cứu sinh trẻ, họ nói về thất bại như những bài học được đúc kết lại trong quá trình nghiên cứu. Mà đó là những điều rất hữu ích cho con đường của nhà nghiên cứu trẻ muốn chạm đến thành công", anh Bảo chia sẻ.
Mong góp sức cho nghiên cứu trong nước
Làm việc và nghiên cứu tại nước ngoài song nhiều năm qua, Quốc Bảo vẫn thầm lặng hướng về đất mẹ. Từ năm 2020 đến nay, anh giữ kết nối chặt chẽ và cộng tác nghiên cứu với các giảng viên tại Đại học Đà Nẵng và tại GIPSA-lab, một phòng lab uy tín về điều khiển tự động ở Pháp để xuất bản các bài báo.
Anh còn trình bày nhiều báo cáo khoa học tại một vài trường trong nước cả trực tiếp lẫn trực tuyến, cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư và các bạn trẻ trong nước.
Từ thực tiễn làm việc tại nước ngoài, Quốc Bảo nói người Việt nếu có điều kiện theo đuổi nghiên cứu khoa học tại các quốc gia phát triển sẽ rất thuận lợi. Nhờ quá trình này, việc kết nối, thực hiện các dự án và đóng góp ngược lại cho Việt Nam cũng tốt hơn vì tận dụng được thế mạnh về môi trường nghiên cứu và nguồn quỹ dồi dào tại những nơi này.
Ngược lại, chính sự góp mặt của người Việt đã mang lại góc nhìn phong phú, đa dạng hơn cho nghiên cứu, điều đang được các lab chú trọng bên cạnh tính quốc tế.
Trong môi trường có khoảng 30% sinh viên quốc tế đến từ nhiều châu lục, Bảo nói mình không quá khó khăn để có thể hòa nhập. Mỗi buổi làm việc nhóm, thuyết trình, các buổi seminar khoa học có nhiều chuyên gia từ các nước được mời đến chia sẻ hay đơn giản chỉ là tham gia các sự kiện thể thao, văn nghệ cũng giúp người tham dự mở rộng tầm nhìn, từ đó tính quốc tế được tăng cao.
Cùng với các nhà khoa học Việt Nam dự Diễn đàn HLF 2022, Bảo lên kế hoạch tổ chức một sự kiện khoa học xoay quanh ngành toán và khoa học máy tính tại Việt Nam vào mùa hè sắp tới. Anh còn là thành viên tích cực của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), thường tổ chức các sự kiện mang tính học thuật, hướng nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên Việt Nam khi sang Pháp.
Cứ đi, khám phá và học hỏi
Tính đến lúc này, Quốc Bảo đã đi qua gần 20 quốc gia khác nhau ở châu Âu, châu Á và Úc. Trong khi lịch trình năm nay của anh sẽ là qua Mỹ cho khóa nghiên cứu ngắn hạn và tiếp đó là tham dự hội nghị khoa học quốc tế tại Nhật.
Việc đi qua hàng chục quốc gia và vẫn tiếp tục lên kế hoạch để khám phá, đến với những vùng đất mới hơn, trải nghiệm nhiều hơn cũng là yếu tố khiến anh thoải mái hơn khi tiếp cận các nền văn hóa mới.
Theo anh, muốn hòa nhập trước tiên mỗi người cần phải cởi mở trong việc đón nhận những điều mới, trong khi một số bạn trẻ Việt Nam có thói quen chỉ tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nơi mà họ sinh sống. Chưa kể, việc tìm hiểu ngôn ngữ địa phương cũng rất quan trọng.
"Nhưng không phải tất cả các đặc điểm văn hóa của các nước phát triển đều nên học theo mà phải biết chọn lọc một cách phù hợp và cân bằng để bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong chính con người mình", Quốc Bảo chia sẻ.
TTO - Những năm gần đây, nghiên cứu sinh trẻ người Việt tham dự và trình bày đề tài tại các hội thảo khoa học, trường hè quốc tế ngày càng nhiều. Đã nhìn thấy niềm đam mê họ dành cho nghiên cứu khoa học.
Xem thêm: mth.89492243230303202-uad-uc-tab-o-ud-em-euq-ev-gnouh-oab-couq-aig-nart/nv.ertiout